Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bài học từ vụ 'phù phép' trục lợi tiền tỉ khi mua máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội

Bài học từ vụ 'phù phép' trục lợi tiền tỉ khi mua máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội
Chúng ta không thể để sự hoài nghi lớn dần lên trong lòng dư luận. Bởi tiền mua sắm các thiết bị ấy chính là ngân sách, là từng đồng thuế của dân.

Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có văn bản yêu cầu rà soát, thanh tra, làm rõ thủ tục mua sắm thiết bị chống dịch Covid-19, trong đó có máy Realtime PCR.

Động thái này xuất phát từ những lùm xùm của dư luận mấy ngày qua nghi ngại có sự thổi giá, trục lợi ngân sách khi mua thiết bị chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, ngày 23/4, lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, bộ Công an) thông tin rằng, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm đã có hành vi móc ngoặc, thổi giá, trục lợi trong việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm Covid-19 tại trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội. 7 đã bị khởi tố về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Bài học từ vụ 'phù phép' trục lợi tiền tỉ khi mua máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội
Các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Tin tức cập nhật từ các báo cho thấy, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ 2,3 tỉ đồng, nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá 7 tỉ đồng.

Thiết nghĩ, trước những hoài nghi của dư luận , cơ quan chức năng cần sớm thanh tra toàn diện việc mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 ở các tỉnh thời gian qua.

Quảng Ninh đã quyết định thanh tra, dư luận tiếp tục chờ tín hiệu vui từ các tỉnh khác. Việc thanh tra cần được thực hiện ở tất cả các tỉnh với tất cả những hoạt động sử dụng ngân sách cho vấn đề phòng chống dịch Covid-19.

Có như vậy, sự thật mới được phơi bày, tỉnh nào còn tiêu cực sẽ xử lý nghiêm, ngăn chặn nguồn ngân sách bị trục lợi, còn nếu không tiêu cực, tham nhũng thì cũng là minh oan, trả lại sự trong sạch cho uy tín của ngành y tế tỉnh đó.

Chúng ta không thể để sự hoài nghi lớn dần lên trong lòng dư luận. Bởi tiền mua sắm các thiết bị ấy chính là ngân sách, là từng đồng thuế của dân. Trong hàng tỉ đồng ấy, có cả tiền tích góp của các mẹ Việt Nam anh hùng, tiền đập lợn tiết kiệm của các cháu nhỏ chỉ 5, 7 tuổi, tiền người dân tiết kiệm từng bữa ăn mà nhắn tin ủng hộ thông qua cuộc phát động toàn dân chung tay ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.

Càng trân trọng những đồng tiền đóng góp nghĩa tình quý giá ấy bao nhiêu thì càng căm phẫn những kẻ trục lợi bấy nhiêu.

Hẳn chúng ta sẽ còn rất cảm kích khi nhớ đến hình ảnh một hộ dân ủng hộ đàn gà 300 con cho tuyến đầu chống dịch. Hình ảnh cụ bà góp cả số tiền dành dụm phòng khi ốm đau của mình cho công cuộc chung mà lẽ ra, không còn sức lao động, các cụ không thuộc diện cần phải đóng góp.

Đâu đó, vẫn còn ánh mắt đỏ hoe của những người con không dám về chịu tang cha, mẹ vì đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu, những người cha người mẹ bỏ lại con thơ, vợ trẻ, cha mẹ già ngoài tấm barie cách ly để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, bảo toàn tính mạng cho nhân dân, những người mẹ là y bác sĩ trong các bệnh viện phải vội vàng cai sữa cho con vì tấm lòng lương y như từ mẫu… Còn nhiều lắm những tấm lòng, những gương sáng cùng chung tay giệt "giặc" Covid-19.

Bài học từ vụ 'phù phép' trục lợi tiền tỉ khi mua máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội
Các bị can trong vụ nâng khống, thổi giá thiết bị xét nghiệm Covid-19 để trục lợi ở CDC Hà Nội, trong đó có Giám đốc trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nguyễn Nhật Cảm (ảnh to).

Lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng chính sách, họ đã "ăn không từ thứ gì".

Một lần nữa, chúng ta cần nhìn thẳng vào tính minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước nói chung và ứng phó với dịch Covid-19 lần này. Đâu đó vẫn còn một số người và tập thể đứng ngoài cuộc chiến chung, không lo cái lo của dân, không đau nỗi đau của đồng loại mà dửng dưng, vô cảm đến lạnh người như ông Cảm và đồng bọn nâng khống giá trị thiết bị lên hàng tỉ đồng để tư túi cá nhân. Những con người như ông đã khiến cho chính sách bị méo mó, chủ trương tốt đẹp của Đảng, Nhà nước bị bôi nhọ.

Giám sát chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện chính sách, không để kẻ cơ hội, ích kỷ lọt vào bộ máy và bòn rút của công, đó là một cuộc chiến vẫn còn nhiều gian khổ và cần sự đồng lòng của toàn dân. Dịch bệnh Covid-19 đúng là đáng sợ thật, nhưng có những thứ virus còn đáng sợ hơn và một trong những virus ấy chính là sự vô cảm và phi nhân tính trong hành động "ăn không từ đại dịch".

Vụ bắt ông Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm ở Hà Nội là một bài học sâu sắc. Bởi thế, để không có những con sâu làm rầu nồi canh, để sự trục lợi vô đạo đức không biến từ tư tưởng thành hành động, để từng đồng tiền toàn dân đóng góp vì lợi ích quốc gia, dân tộc, các địa phương cần chủ động thanh tra, rà soát công tác mua sắm thiết bị y tế để ngăn chặn mầm mống tham nhũng, tiêu cực ngay từ khi nó chưa được thai nghén. Quá trình thanh tra sớm nếu có dấu hiệu bất thường phải điều tra để làm rõ sai phạm.

Niềm tin trong nhân dân sẽ được củng cố.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.35961 sec| 645.508 kb