Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Các cụ né lũ lụt

Các cụ né lũ lụt
Đang là những ngày mưa lũ và lụt dầm dề ở miền Trung. Năm nhiều năm ít, nhưng cứ vào dịp này là 2 địa phương bị nặng nhất là Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng. Facebook có cái chức năng rất hay là nhắc lại kỷ niệm của “ngày này năm xưa”. Mở ra, thấy toàn cành miền Trung ngập lụt.

Sáng qua, ngày Mười bảy tháng Mười, thành phố Đà Nẵng lại tiếp tục cho học sinh nghỉ học trong khi theo chương trình các cháu sẽ đi học lại sau mấy hôm phải nghỉ vì mưa lũ.

Thì đã thành quy luật, nhưng có cái lạ là, có vẻ như quy luật này tăng dần đều, tức mỗi năm nó mỗi mạnh hơn, chứ cha ông ta, ngàn đời nay đã... sống chung với lũ rồi, chả cứ dân đồng bằng sông Cửu Long mới sống chung với lũ, mà dân Miền Trung cũng thế dù lũ ở  miền Trung luôn mạnh hơn và dữ dội hơn do địa hình dốc, biển một bên và Trường Sơn một bên, đoạn này eo lại như cái đòn gánh gánh hai đầu đất nước. Họ sống chung và né chứ không chống lại lũ lụt. Và tồn tại, thậm chí còn sáng tạo ra những kiểu nhà để sống chung, trở thành một bản sắc văn hóa.

Mà nhà rường của người Huế và nhà mái lá của người Bình Định là ví dụ rõ nhất.

Nhà rường là một đặc trưng của kiến trúc Huế. Đấy là ngôi nhà rất đẹp, tất nhiên rồi. Xứ thần kinh mà. Và, người Huế đã rất tài khi bất cứ ngôi nhà rường nào cũng có cái rương hay còn gọi là rầm thượng ở trên. Cái này được thiết kế như một phần của ngôi nhà, chứ không phải ghép vào cho có, bằng chứng là nó được làm rất cầu kỳ, công phu, hết sức hòa hợp với ngôi nhà và cũng được chạm trổ rất cầu kỳ như mọi chỗ khác trong nhà, thậm chí những con tiện còn kỹ lưỡng hơn.

Các cụ né lũ lụt
Cái Rương của nhà Rường Huế (Ảnh: Văn Công Hùng).

Thế nhiệm vụ của nó làm gì? Đơn giản, nó là nơi chứa đồ hàng năm khi mùa lụt đến. Mà không lụt thì những gì quý hàng ngày người ta cũng để lên đấy. Người không biết, nhìn lên cái rương ấy, tưởng nó là cái trần nhà. Và cả nhà chính, buồng, nhà ngang đều có rương như thế. Người Huế đã sống chung với lũ hàng năm như thế. Và họ đã như thế hàng mấy trăm năm nay...

Thì năm nào mà Huế không lụt, mà không bị nước bò lên hỏi thăm. Cái rương/ rầm thượng ấy là cái cách mà người Huế sống chung với lụt, thích nghi với lụt. Tất nhiên, nói cho công bằng, ngày xưa lụt Huế nó cũng từ từ và... an nhiên như Huế, chứ bây giờ, đương không, uỵch phát, nước cuồn cuộn chảy về, không kịp chạy, đến mức có cô giáo dạy Đại học Sư phạm Huế ví: Nước lên nhanh như... trở mặt. Nhưng những cái rương ấy vẫn luôn hữu dụng.

Cái nhà lá mái Bình Định thì lại cũng độc đáo hơn nữa. Nó nhỏ và thấp, và họ lợp mái bằng... đất sét. Chính xác là tường trát đất sét (nhiều vùng nông thôn của ta cũng làm tường bằng đất sét, nhất là nhà trình tường của người Hà Nhì thì còn hết sức vĩ đại), nhưng lợp bằng đất sét thì tôi mới thấy ở nhà lá mái Bình Định. Cụ thể là họ lợp nhà làm 3 lớp. Lớp dưới cùng là đất sét, rồi tới phên tre, và trên cùng là tranh làm bằng cỏ tranh hoặc rạ. Nó xử lý vấn đề thuộc về thời tiết. Ai cũng biết khí hậu miền Trung khắc nghiệt, mùa hè thì nóng chảy mỡ, mùa đông thì lạnh cắt da. Cái nhà này, mùa hè thì mát mà mùa đông thì ấm. Nó xử lý vấn đề cháy nhà nữa. Nhà tranh, nỗi ám ảnh lớn nhất là cháy. Hở ra là cháy, nhất là ở cái vùng mà, để chống cái lạnh, thì họ hút thuốc như một cách giữ ấm. Và nhiều công dụng khác nữa.

Các cụ né lũ lụt
Nhà mái lá Bình Định (Ảnh: Văn Công Hùng).

Những kiểu nhà ấy, nó hài hòa khiêm nhường trước thiên nhiên nhưng lại cũng rất tự tôn và kiêu hãnh, khẳng định sự tồn tại của mình trong vũ trụ dù nó chỉ là một chấm hết sức li ti trước tự nhiên vĩ đại. Nó cùng, và giúp, con người sống một cách an nhiên trước những khốc liệt của tự nhiên. Và khi đã hòa hợp được với tự nhiên, trở thành một phần của tự nhiên, đừng nhăm nhăm chinh phục, nhăm nhăm chống, nhăm nhăm cải tạo... chúng ta sẽ được tự nhiên chấp nhận làm bạn bè, sẽ sống hiền lành như con kiến con ong con chim con cá. Trước khi tự nhiên có việc gì biến động, đa phần một số con vật đều được... báo trước. Và những người có thì thường nhìn con vật để biết tự nhiên. Những người kiêu căng không biết điều này. Họ ưỡn ngực đón gió đón bão...

Lại nói bão, dân Quảng Nam, nơi từng đón những cơn bão kinh hồn hàng trăm người chết, bà con có cách làm... hầm trốn bão. Tôi hình dung nó như những căn hầm chống bom ngày xưa, có sẵn giường phản và đồ dùng thiết yếu. Bão to về là cả nhà, có khi cả hàng xóm nữa, chui xuống đấy, có thể ở cả tuần. Tránh voi chả xấu mặt nào, huống hồ là... bão.

Cũng nhớ năm nào, báo chí có ảnh và clip gia đình kia ở Quảng Bình đưa hai con trâu lên  sân thượng tránh lũ. Nước rút nhanh quá, và vào ban đêm, thế là ngày đẹp giời phải thuê xe cẩu tới cẩu hai chú trâu xuống đất, trả chúng về với những ngày bình thường... Xem clip vừa vui vừa nín thở vì hồi hộp.

Mấy năm trước, có chủ trương là các công sở, nhất là trường học, làm cao tầng để nếu có lũ, lụt thì dân lên đấy tránh. Cũng là một cách hay để sống chung với lũ.

Còn nguyên nhân của việc lũ lụt mỗi năm một lớn hơn thì là cả một chuyên đề dài, không thể bàn hết ở bài báo ngắn này, trong đấy, các chuyên gia cho rằng, nó liên quan tới hai việc chính: Rừng đầu nguồn cạn kiệt và bê tông hóa cuối nguồn...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24417 sec| 645.625 kb