Suốt những ngày qua, mạng xã hội đang tràn ngập những tranh cãi về câu chuyện của 300 sinh viên trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vào “tiếp lửa” cho TP.Hồ Chí Minh trong cuộc chiến với Covid-19.
Từ những giây phút đầu tiên sau khi các em “xung trận”, đã vướng phải rất nhiều ý kiến chỉ trích: Có ý kiến cho rằng, đội ngũ chi viện này chủ yếu là sinh viên, vốn không có nhiều kinh nghiệm, ý thức làm việc chưa cao, đến điểm lấy mẫu trễ nải... điều này khiến đội ngũ y tế địa phương mất thời gian trong việc hướng dẫn, điều chỉnh.
Chưa hết, ngay đến việc những sinh viên này đi - đứng - ăn - ở cũng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, cho rằng các các bạn có quá nhiều “đòi hỏi”, thậm chí “tỏ thái độ chảnh chọe”. Đến việc ăn mặc của các sinh viên khi trên đường vào TP.Hồ Chí Minh cũng bị bắt bẻ...
Khi đọc những dòng chia sẻ như vậy trên mạng xã hội, tôi cảm thấy rất đau lòng!
Chưa cần bàn đến những lời lẽ kia được xuất phát từ đâu, nguyên nhân là gì, nhưng nếu chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản một điều: Các em sinh viên phải hoạt động theo tổ chức, lỗi ở khâu nào cần hỏi xem do ban tổ chức hay ở bản thân các em trước khi đưa nhau lên mạng xã hội để chì chiết, thậm chí miệt thị. Như thế, vô tình trung mọi tội lỗi đều chỉ đích danh các em, vậy có hợp tình, hợp lý không?
Suốt quãng thời gian những sinh viên này tham gia hỗ trợ tại các “tâm dịch” như Bắc Ninh, Bắc Giang, đã trải qua những ngày làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khuya, mồ hôi vã ra như tắm, có người ngất xỉu vì làm việc trong bộ đồ bảo hộ nóng nực giữa sân bê tông nắng nóng. Nghỉ ngơi một buổi, đến hôm sau, khi giảng viên phụ trách hỏi thăm sức khỏe và gợi ý để người khác tạm thay ca, bạn sinh viên vẫn khẳng định chắc nịch: “Em làm được. Em khỏe rồi! Ai cũng có khâu riêng, một người nghỉ thì những người còn lại sẽ phải thay công việc của mình, vất vả lắm...”.
Ấy vậy, các em chẳng nề hà. Khi nghe tin tuyển quân, ai nấy đều không ngại xung phong.
Người ta thậm chí còn nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chứ chưa cần bàn đến chuyện khi mặt trận cần thì một phần sức lực, một phần chi viện cũng đáng quý biết bao. Vậy tại sao một đoàn sinh viên hừng hực sức trẻ cùng gác lại mùa thi, bỏ qua mùa hè của chính bản thân, để chi viện cho đội ngũ tuyến đầu tại TP.Hồ Chí Minh, lại bỗng chốc trở thành mục tiêu để chỉ trích?
Trong số những cá nhân lên tiếng nhận xét về thái độ và tác phong làm việc của các em, thậm chí, có người còn đặt câu hỏi rất lạ: “Lực lượng sinh viên y tình nguyện tại TP.Hồ Chí Minh đâu mà phải cần đến những sinh viên từ tận miền Bắc xa xôi vào chi viện?”.
Người đưa ra câu hỏi đó chắc hẳn đặt niềm tin rất lớn vào khả năng ứng phó của thành phố mang tên Bác. Nhưng lại chẳng chịu hiểu đến sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của tập thể, hay chính xác hơn là sức mạnh của hai tiếng “đồng bào”.
Nếu cứ giữ suy nghĩ như vậy, phải chăng, một số “anh hùng bàn phím” sống ở TP.Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố họ có thể tự mình lo được, tự mình chống dịch và không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai?
Không! Đó chỉ là suy nghĩ của những kẻ ích kỷ, có cái nhìn thiển cận. Những kẻ đứng ngoài cuộc nhưng lại luôn muốn dõng dạc lên tiếng như bản thân mình đang trong cuộc, mà người ta vẫn hay gọi bằng cái tên “anh hùng bàn phím”.
Những người lên tiếng chỉ trích kia, chắc gì đã góp được một phần sức lực nào cho cuộc chiến chống Covid-19, có khi còn thường xuyên tụ tập và chẳng nhớ được nguyên tắc 5K là gì...
Chưa cần bàn đến sức lực của các em có đủ để đảm đương nhiều nhiệm vụ, có đủ để hỗ trợ một cách thành thực cho đội ngũ y bác sĩ tại TP.Hồ Chí Minh hay không, nhìn cách các em lạc quan lên đường và mang theo tinh thần hăm hở muốn góp sức mình cho cuộc chiến, đó đã là một điều đáng quý!
Giữa thời điểm diễn biến dịch đang phức tạp, đối với mỗi người trong cộng đồng, chỉ cần thực hiện đúng quy định của Nhà nước, thực hiện 5K là yêu nước. Chứ đừng nói đến chuyện bỏ lại sau lưng tất cả chuyện cá nhân để góp sức mình trong cuộc chiến này. Tôi có dịp trò chuyện với một số bạn sinh viên trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, có bạn thậm chí đã hơn một năm chưa được về thăm nhà, dành cả dịp Tết để hỗ trợ trong “tâm dịch”.
Mấy ai tự nguyện làm những điều tương tự?!
Để cuộc sống tươi sáng hơn thì cần một cái nhìn tích cực về sự việc xung quanh. Những người chỉ “cào bàn phím” chăm chăm soi mói và “ném đá” những điều tốt đẹp, khiến người muốn làm việc tốt bỗng nhiên phải dè chừng. Căn bệnh này nếu không được chữa dứt, thì hệ lụy vô cùng, con người sẽ rơi vào một kỷ nguyên sống hờ hững với nhau, vô cảm như robot...
Thật nguy hại!
Nếu mở mắt ra, chỉ thấy những “điểm mù”, có thể tầm nhìn của bạn sẽ không cao qua nổi một ngọn cỏ.
Mong rằng, sẽ có nhiều người có thể chiêm ngưỡng cả một bầu trời xanh phía trước.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!