Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

'Chữa lành' và vé tăng

'Chữa lành' và vé tăng
Chả hiểu sao gần đây cái câu “chữa lành” lại được nhiều người nhắc đến thế, dẫu nhiều người được hỏi là chữa lành cái gì, bèn... bẽn lẽn lắc đầu.

Năm nay nghỉ lễ 30/4 và 1/5 khá dài, và, lại vẫn như mọi kỳ lễ tết khác, tắc đường vẫn là tin được... ưu tiên trên các phương tiện thông tin, cả báo chí chính thống và mạng .

Chả hiểu sao gần đây cái câu “chữa lành” lại được nhiều người nhắc đến thế, dẫu nhiều người được hỏi là chữa lành cái gì, bèn... bẽn lẽn lắc đầu.

Nhắc chữa lành là bởi, thấy trước lễ nhiều người hẹn nhau tận dụng dịp này để đi... chữa lành. Ở nghĩa này thì chữa lành chính là... đi chơi, tận hưởng ngày lễ để thư giãn.

Và ngay lập tức ý định ấy vấp ngay 2 lực cản: một là nắng nóng đến kinh khủng. Và hai là tắc đường. Dịp này tới 38 địa phương trong cả nước công bố là ghi nhận địa phương mình nóng trên bốn mươi độ. Có nơi bà con nghịch, mang chảo ra để trên đường nhựa... rán trứng.

Dẫu nắng nóng nhưng không thể không đi đâu đó. Thứ nhất là về nhà. Thứ hai là đi chơi, đi nghỉ, nhân được nghỉ tới 5 ngày. Các con đường đổ ra thành phố trước ngày nghỉ, và vào thành phố kết thúc ngày nghỉ, được ghi nhận là... vẫn nhúc nhích được, dù nhiều người đã “nghiên cứu” kỹ quy luật, tránh ngày cao điểm.

Nhưng cao điểm là gì, là ngày, là giờ nhiều người đi, mà khi ai cũng... nghiên cứu như nhau thì cái ngày tưởng không tắc lại thành ra tắc. Và lạ, tính toán đến thế nhưng cái ngày “đương nhiên tắc” và ngày “lẽ ra không tắc” đều... tắc như nhau.

Tắc tới mức mà, phải đóng cao tốc. Có hai kiểu đóng. Một là vào đường dẫn mới biết bị đóng vì trạm thu phí ùn ứ. Thế là tiến thoái lưỡng nan. Và hai, đóng hẳn cao tốc Phan Thiết Dầu Giây vì ùn ứ, xe phải quay xuống quốc lộ 1. Lạ là, cao tốc sinh ra để giải phóng quốc lộ 1, để đi nhanh hơn, mà giờ lại phải đóng để quay xuống quốc lộ 1 đúng lúc tắc nhất?

Cũng cao tốc, tỉnh Quảng Trị phản đối quyết liệt việc cục đường bộ yêu cầu xe khách và tải phải xuống quốc lộ 1 mà không được chạy trên cao tốc Cam Lộ La Sơn. Tin cho biết, cả nước giờ còn mỗi thành phố Đông Hà (thủ phủ tỉnh Quảng Trị) là không có đường tránh, xe xuyên Bắc Nam chỉ có độc đạo là xuyên Đông Hà (các thành phố tỉnh lị khác đều có đường tránh), tai nạn thường xuyên, tắc đường và nguy hiểm, khi cao tốc (dẫu chỉ 2 làn) Cam Lộ La Sơn mở ra, tưởng gánh được một phần cho Đông Hà, nhưng chạy được một thời gian ngắn, cao tốc này xảy ra mấy tai nạn nghiêm trọng và bị chỉ ra là sẽ tiếp tục tai nạn nếu tiếp tục cho lưu thông như... cao tốc, nên lại... đổi hướng, chỉ còn xe con được chạy trên đường này, đường 1 qua Đông Hà lại trở lại... như cũ, tức đầy xe tải xe khách, mà giờ xe khách thì giường nằm cồng kềnh và tải thì chủ yếu container, đều loại chiếm diện tích đường và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao.

Cũng nhân nhắc tai nạn, ngày 30/4 là ngày mà chỉ nguyên tỉnh Gia Lai xảy ra tới mấy vụ tai nạn rất thương tâm. Ít nhất là có 2 vụ tai nạn xe ô tô làm 2 người chết và gần hai chục người bị thương. Một vụ ở đường tránh huyện Chư Sê làm một người chết tại chỗ, 17 người nhập viện, có 2 người bị rất nặng. Vụ kia ngay thành phố Pleiku, cháu bé mười một tuổi chết tại chỗ, bố nhập viện.

Chưa hết, còn một vụ đuối nước cũng do... lễ. Nghỉ nên rủ nhau đi chơi, vào chỗ vắng người chơi và tắm rồi ăn uống. Một người trượt chân ngã xuống sông Pô Kô, hai người lao xuống cứu, chết đuối cả 3, trong đó một là nữ công chức cấp phòng của huyện, một là trung tá .

Chưa hết, cùng đoạn sông này, cũng trưa 30/4, một thanh niên từ Pleiku lên đây câu cá và... mất tích, chính xác là ngã xuống sông, bị nước cuốn vẫn chưa tìm thấy xác nên gọi là mất tích theo thông lệ.

Tất nhiên là rồi, cuộc sống vẫn cứ diễn ra và vẫn sông động như nó phải. Đà Lạt bị phao tin có biến, nhưng rồi người khắp nơi vẫn nghìn nghịt đổ về trốn nắng nóng và thăm thú thành phố du lịch nổi tiếng này. Cũng như thế là biển, dù cũng bị chê nhếch nhác, bẩn, chém... nhưng các ảnh chụp của ngay các “đương sự” thì thấy người vẫn chen nhau như... tăm trong ống.

Thì té ra, người ta có nhiều cách để... chữa lành.

Trên facebook của mình, nhà báo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chụp ảnh mình đi xe giường nằm về quê. Ông này nguyên tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, đương kim chủ tịch Hội đồng lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Trung tướng nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu cũng khoe ông đi xe giường nằm. Trong hoàn cảnh tắc đường, hoặc gọi cho nhã là xe vẫn nhúc nhích được trên đường, thì giảm được phương tiện nào sẽ lòi ra được chỗ trống ấy, vì thế xe công cộng là lựa chọn tối ưu, và các bác này dẫu tuổi cao vẫn ưu tiên chọn dù họ có xe riêng.

Cũng năm nay, ngành hàng không bộc lộ kiểu kinh doanh riêng của mình, là khách đông thì giá vé cao vút, thẳng đứng, nhưng cuối những ngày nghỉ lễ, thấy các báo đưa tin giá vé lại hạ. Nói thật là, ở nước ta có mấy ngành kinh doanh thuộc loại... cá biệt, là hàng không, điện và xăng dầu. Đặc biệt là hàng không và xăng dầu, càng tăng giá càng... lỗ (theo của họ).

Trong hoàn cảnh ấy thì ngành đường sắt có vẻ được lợi, ngoài xe khách chiếm thị phần gần như cơ bản lâu nay thì giờ đường sắt đang tìm cách chen vào. Họ cố gắng đổi mới, cố gắng làm đường sắt thân thiện với hành khách, từ tác phong phục vụ, tới cải tiến toa xe, lịch trình... để những gia đình có nhu cầu vừa đi vừa ngắm cảnh, không cần đi nhanh... có thể sử dụng một cách thoải mái nhất. Có người nói, dịp lễ vừa qua hàng không đã trao cơ hội rất lớn cho đường sắt thể hiện mình. Ít nhất đi đường sắt thì độ an toàn rất cao.

Nhưng tai nạn giao thông vẫn nhức nhối. Theo thống kê thì 4 ngày nghỉ lễ có tới 277 vụ tai nạn giao thông, làm 109 người chết, 236 người bị thương vì tai nạn giao thông. Tức là có 109 người không bao giờ còn cơ cơ hội “chữa lành”.

Nhưng có những cách “chữa lành” khá thú vị trong những ngày nghỉ vừa qua, ấy là đọc sách.

Rất nhiều bạn trẻ đã chọn cách nghỉ thân thiện này, dù có thể bị coi là... lập dị, là tự kỷ. Cũng có thể là do dư âm những ngày sách tháng tư vẫn còn. Tôi chú ý tới cái tin này trên một tờ báo: “Người trẻ chọn đọc sách xuyên kỳ nghỉ lễ”. Nó là một nhu cầu nhưng lại cũng là một giải pháp tình thế.

Hãy nghe một người chọn đọc sách kể trên một tờ báo: “Năm ngoái, mình và chồng đều phải làm, trực vào các dịp nghỉ lễ. Vì vậy, năm nay mọi người hy vọng có thể đi du lịch đâu đó. Nhiều năm nay, bọn mình đã không đi ra khỏi thành phố rồi. Mong muốn là thế nhưng giá vé, giá phòng tăng khiến chúng mình cân nhắc lại. Cháu thứ hai cũng sắp vào lớp 1 nữa nên mình nghĩ cho cháu đến nhà ông bà để mọi người dạy tập đọc, đánh vần dần cũng tốt”- tức là giá vé cũng là nhân tố khiến một số người đến với sách.

Và nếu thế thì, giá vé tăng ai bảo là không tốt.

Hay đây là chiến lược kinh doanh để giúp người Việt “chữa lành”?

Nhưng cuối cùng, ai giải thích hộ tôi: “chữa lành” là gì, và tại sao cứ phải hô lên “chữa lành” như một trend ạ?

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24032 sec| 645.75 kb