Cùng với sự việc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị kẻ xấu bắt cóc một lần nữa là hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh hay luôn quan tâm, đừng rời mắt khỏi con mình dù là nửa phút. Tốt hơn hết, hãy tạm cất điện thoại ở một góc và dành thời gian để cùng chơi với con.
Những ngày qua, không chỉ riêng người dân Bắc Ninh mà người dân cả nước đều vỡ òa khi biết tin cháu bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, ngụ TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị mất tích chiều 21/8 khi đi công viên cùng cha đã được tìm thấy.
Trước đó, có nhiều thông tin cho rằng trong lúc con chơi ở công viên người bố ngồi uống nước ở cạnh khu vui chơi. Lại có thông tin cho rằng, bố bé vừa ngồi xem điện thoại để giải quyết công việc khoảng 5 phút, ngẩng đầu lên đã không thấy con đâu. Sau những giây phút ngẹt thở, lo lắng, cuối cùng một cái kết có hậu cũng xảy ra.
Có không ít những câu chuyện đáng tiếc xảy ra với các cháu bé chỉ vì hành vi mải mê điện thoại của phụ huynh.
Trước đó không lâu, nhiều người còn nhớ câu chuyện của người mẹ cùng con nhỏ đi thang máy của một chung cư ở Hà Nội. Người mẹ mải đứng bấm điện thoại, trong khi bé gái để tay ở cửa thang máy và đùa nghịch một mình. Khi thang máy mở cửa, ngón tay bé bị kéo theo và mắc kẹt.
Thấy con gái khóc thét, người mẹ hốt hoảng giữ cửa thang máy và nỗ lực kéo tay con ra ngoài. Một số cư dân và bảo vệ của chung cư cũng lại hỗ trợ. Cháu bé may mắn chỉ bị thương nhẹ.
Rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện tương tự: Mẹ mải “dán mắt” vào màn hình khiến con bị cuốn vào thang máy khi đi siêu thị. Có nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình khi mà bố mẹ, mỗi người ôm một chiếc điện thoại mà chẳng hề để ý đến cảm xúc của con, sự khao khát được bố mẹ chơi cùng…
Suốt một ngày bận rộn với công việc, sau giờ tan ca được trở về nhà, thay vì dành những giây phút quý báu này bên những đứa con đáng yêu thì chúng ta lại tiếp tục cầm điện thoại lên như một vật bất ly thân. Trong khi chỉ cần một câu hỏi quan tâm từ bố mẹ “Hôm nay con học hành thế nào? Ở trường có gì vui không con?...” là những đứa trẻ sẽ liến thoắng một hồi không ngớt với rất nhiều câu chuyện ngây ngô, thú vị. Từ việc chia sẻ của con, phụ huynh sẽ hiểu hơn về đời sống của con cái, tâm tư nguyện vọng cũng như biết được vấn đề con đang gặp phải là gì để cùng con tháo gỡ.
Tệ hơn nữa khi mà con đòi bố mẹ chơi cùng mà ta chẳng thể nào dứt ra khỏi chiếc điện thoại vì đang dở một trận game, một bộ phim… người lớn sẵn sàng quát mắng đứa trẻ. Có ai từng một lần đặt mình vào vị trí của con để hiểu được thứ cảm giác cô đơn, buồn tủi này chưa? Sau nhiều lần như vậy, con trẻ sẽ khép mình, tự mình trải qua nhiều vấn đề, khúc mắc trong cuộc sống mà không có người định hướng.
Vì cha mẹ không dành nhiều thời gian quan tâm, nói chuyện với con, nhiều cháu bé vô tình trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành học được, lạm dụng tình dục… Nhiều sự việc diễn ra trong một thời gian khá dài, đến khi bố mẹ hay biết thì đã quá muộn.
Chúng ta hãy thử một ngày gạt chiếc điện thoại sang một bên và dành nhiều thời gian để cùng chơi với con, ta sẽ giật mình khi thấy con mình biết hết thứ này đến thứ khác; chúng vui vẻ, hạnh phúc bá vai, bá cổ, hay xà vào lòng bố mẹ quấn quýt. Khi ta nhận ra được điều này, ta mới thấy rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc vô bổ.
Quay lại câu chuyện bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh bị bắt cóc, những kẻ phạm tội đã phải trả giá thích đáng trước pháp luật. Còn các bậc phụ huynh, ngay hôm nay, hãy thay đổi thói quen ôm điện thoại. Hãy để điện thoại xuống và cùng chơi với con!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.