Hơn 2 tháng qua, học sinh nhiều tỉnh thành trên cả nước phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Với phương châm “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”, học sinh được học online (trực tuyến) và qua sóng truyền hình địa phương.
Có thể nói, đây là những phương án khả thi nhất nhằm giúp học sinh ôn tập và học bài mới đảm bảo đúng tiến độ của khung chương trình năm học không bị gián đoạn.
Thế nhưng, qua một thời gian dạy học online, nhiều giáo viên các cấp cho biết, còn đó những bất cập mà chưa thể giải quyết vẹn toàn.
Thứ nhất, để học tập online hiệu quả thì cần phải có các thiết bị học tập như: Smartphone (điện thoại thông minh), Ipad, máy vi tính, laptop… cùng các phụ kiện. Trong khi nhiều học sinh không có. Nhất là các em sống ở vùng nông thôn nghèo hay vùng có điều kiện kinh tế khó khăn như vùng cao, vùng sâu vùng xa.
Ngay cả TP.Hồ Chí Minh cũng còn một bộ phận học sinh không có thiết bị học online dẫn đến việc học bị gián đoạn.
Một giáo viên dạy môn Ngữ văn ở quận 6 cho biết, mấy tuần nay chỉ việc dạy online cũng khiến cô rất băn khoăn, trăn trở và kể cả mệt mỏi.
Đó là, lớp 6 do cô chủ nhiệm có 45 học sinh nhưng luôn có khoảng nửa lớp không tham gia học, bởi nhiều em không có thiết bị học tập. Một số học sinh không biết sử dụng những tính năng cơ bản của thiết bị và nhiều gia đình không lắp mạng internet.
“Học sinh ở thành phố nhưng nhiều gia đình rất khó khăn vì dân nhập cư, nhà cửa thuê mướn và cũng phải chạy ăn từng bữa. Chỉ tính riêng khối 6, trường tôi có khoảng 50% học sinh vắng học, còn ở vùng nông thôn thì chắc chắn tỉ lệ còn cao hơn nhiều”, cô giáo này chia sẻ.
Thứ hai, với học sinh tiểu học, THCS nhiều phụ huynh cũng không thể tải phần mềm ứng dụng online thì nói gì đến hướng dẫn con sử dụng.
Còn phụ huynh rành về công nghệ cũng không nhiều, và khi phần mềm bị lỗi hay gặp trục trặc… thì cha mẹ cũng không biết khắc phục, dẫn đến con cái gián đoạn việc học.
"Tôi có con đang học lớp 7 ở quận Tân Phú, TP.HCM. Hàng ngày cháu đều phải học online theo thời khóa biểu của trường (trừ môn Âm nhạc, Thể dục).
Thời gian này tôi phải hỗ trợ cháu rất nhiều trong việc học online, từ cài đặt các ứng dụng học tập như Zoom Cloud Meeting, cho đến cách tạo file, lưu file bài tập rồi gửi Gmail cho thầy cô…
Tuy vậy, nhiều lúc cháu cũng gặp những trở ngại với ứng dụng Zoom, khiến tôi phải lên mạng tìm hiểu thì mới cho thể chỉ được cho cháu", một phụ huynh cho biết.
Như thế để thấy rằng, học sinh cấp 1, 2 nếu không có sự đồng hành của cha mẹ thì việc học online sẽ gặp trở ngại vô cùng.
Thứ ba, giáo viên gặp trở ngại khi dạy học online là thiếu hoặc hạn chế tương tác với học sinh. Đành rằng có những ứng dụng như Zoom Cloud Meeting, Google Classroom, Skype… cho phép tương tác hai chiều, nhưng hiện nay sĩ số lớp học thường rất động – có khi lên đến 50-55 em – thì giáo viên khó theo sát từng học sinh chu đáo.
Cùng với đó, nhiều học sinh cho biết rất chán học, buồn ngủ nếu giáo viên giảng bài quá 30 phút.
Thầy cô dạy online chủ yếu dùng phương pháp thuyết trình trước màn hình nên mất nhiều cảm xúc (đây là trở ngại lớn nhất) và cũng khó thể hiện các hành động phi ngôn ngữ (mục đích tạo biểu cảm) để điều chỉnh việc học của học sinh như ở lớp học.
Chẳng hạn như ở lớp, một học sinh nào đó lơ là trong giờ học thì giáo viên chỉ cần trừng mắt thì hành vi của em đó được điều chỉnh ngay.
Hoặc khi học sinh đưa ra ý kiến hay, có khi giáo viên chỉ cần gật đầu hay mỉm cười cùng với ánh mắt trìu mến, tỏ ra hài lòng là học sinh hăng say hơn với tiết học thấy rõ.
Thứ tư, sĩ số lớp học hiện nay rất đông – nhất là ở các thành phố lớn, có khi lên đến 50-55 học sinh khiến giáo viên rất khó trong việc theo sát từng học sinh.
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận học sinh chây lười trong học tập, thụ động, thiếu ý chí nghị lực và động lực để vươn lên. Số học sinh này khiến giáo viên rất vất vả khi dạy học trên lớp.
Thầy cô phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học kết hợp với động viên, khích lệ… nhưng có khi cũng bất lực với các em.
Cho nên khi học online, không ít học sinh đưa ra những lý do khó khăn để không tham gia học tập, thậm chỉ có em chỉ cần điểm danh cho có mặt kẻo sợ thầy cô, cha mẹ la rầy.
Một giáo viên dạy bậc THPT ở TP.HCM kể, giờ học online của thầy thường có một vài học sinh không bật camera trong lúc học. Khi được nhắc nhở, những học sinh này nói rằng điện thoại, máy tính hư camera không sử dụng được.
Thầy giáo cũng cho biết, số học sinh này học yếu, thường vi phạm kỷ luật, kể cả không nghe lời thầy cô. Và thầy đoán rằng, học sinh tắt camera cũng nhằm mục đích điểm danh cho có mặt chứ chưa chắc các em nghe thầy giảng, dẫn đến việc quản lý học tập gặp khó khăn hơn.
Thứ năm, nhằm kiểm tra đánh giá mức độ tiếp thu bài của học sinh, giáo viên được phép thực hiện các bài kiểm tra thường xuyên. Một điều dễ nhận thấy là hiện tượng học sinh sao chép bài trên mạng, nhờ bạn hỗ trợ, thậm chí là làm bài đối phố cũng khiến chất lượng học tập giảm sút.
Vừa qua, tôi ra đề kiểm tra 15 phút môn Ngữ văn 10, yêu cầu học sinh sau khi hoàn thành thì nộp qua Gmail. Khi chấm bài, tôi phát hiện ra một số em làm bài giống nhau và có cả copy trên mạng internet.
Không khó để phát hiện ra các hình thức gian lận này chỉ qua một vài thao tác kiểm tra Google, thế nhưng học sinh vẫn vi phạm. Dĩ nhiên tùy theo mức độ sai phạm mà tôi có thể trừ điểm hoặc cho 0 điểm.
Thứ sáu, vẫn còn đó những giáo viên yếu công nghệ thông tin nhưng sợ học, ngại thay đổi.
Vì thế, mang tiếng là dạy học online nhưng nhiều thầy cô chỉ thuần túy gửi bài qua e-mail (thư điển tử) cho học sinh hoặc tải video bài giảng của đồng nghiệp trên mạng Internet và yêu cầu các em tự học.
Và thế là được chăng hay chớ, học sinh học thế nào không cần biết, thầy cô đợi khi học sinh đi học trở lại mới có phương án sau.
Một tổ trưởng chuyên môn ở quận Tân Bình chia sẻ, tổ Ngữ văn của cô có nhiều giáo viên ở độ tuổi dưới 30 nhưng trình độ công nghệ thông tin còn rất hạn chế.
Chỉ việc hướng dẫn đồng nghiệp tạo tài khoản Zoom và sử dụng một số tính năng cơ bản để dạy online, cô phải mấy ngày cầm tay chỉ việc.
Cô còn cho biết thêm, những giáo viên đó hầu như ai cũng có chứng chỉ Anh văn, Tin học nhưng mức độ nắm bắt công nghệ thông tin thì chậm chạp như thế.
Từ mùa nghỉ phòng dịch Covid-19 mới thấy rằng, rõ ràng việc dạy học online còn đó những bất cập nhất định mà chưa thể khắc phục dứt điểm.
Muốn dạy học online có hiệu quả ở thời điểm này, lãnh đạo từng trường phải có sự chỉ đạo cụ thể và chia sẻ những khó khăn với giáo viên.
Cùng với đó, thầy cô phải thay đổi mình nhằm bắt nhịp với công nghệ thông tin, cần dạy học bằng cả tấm lòng cùng với sự trợ giúp của phụ huynh thì mới mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài, Tổ trưởng tổ Ngữ văn trường THPT Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.