Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Di dời hoa sữa – Tình yêu hay sự đối đầu?

Di dời hoa sữa – Tình yêu hay sự đối đầu?
Đánh một cây hoa sữa đi thì không có gì khó. Nhưng đằng sau hành động ấy là tình yêu hay sự đối đầu của con người với tự nhiên?

Tôi để ý, vài năm nay, như một thông lệ, cứ mỗi độ thu về, người ta lại tranh cãi về hoa sữa. Người ưa thì nói yêu, người không ưa thì nói ghét, người khác thì nhân đó góp chuyện rôm rả vì thường lấy chuyện tranh biện làm vui. Ai cũng đủ lý lẽ cho mình.

Từ ngày đi vào âm nhạc của Hồng Đăng, hoa sữa điềm nhiên gánh vác sứ mệnh là biểu tượng của Hà Nội, của suốt hàng chục năm qua. Thế nhưng, đúng như người ta nói, “không có tình yêu vĩnh cửu, chỉ có những giây phút vĩnh cửu của tình yêu”. Thế mới có chuyện dù rất yêu nhưng quận Đống Đa (Hà Nội) đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của thành phố cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn…để hạn chế mùi hương đậm đặc của hoa sữa, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Chuyện chặt hạ, di dời hoa sữa không mới. Năm 2019, chính quyền từng cho đánh cả trăm cây hoa sữa trong nội thành để chuyển lên bãi rác Nam Sơn. Thế là vừa giảm được mùi trong phố, lại có “khử mùi” bãi rác. Dù việc cơ sở khoa học của việc “khử mùi rác” chưa rõ ràng lắm, nhưng việc di dời hoa sữa này được đánh giá là nhất cử lưỡng tiện (?!)

Ở miền Bắc, trong khi người ta phải đối chọi với mùi hoa sữa, thì ở miền Trung, con người phải đối mặt với voi rừng. Vài tháng nay, ở một số huyện miền núi Nghệ An, voi rừng thường xuyên xuất hiện ở các khu vực có con người. Những con hiền lành thì chỉ mò vào nhà dân ăn măng, ăn chuối. Những con hung dữ thì phá hàng rào thép gai, quật chết bò, phá cây cối, hoa màu, đồng ruộng…

Di dời hoa sữa – Tình yêu hay sự đối đầu?
Hình ảnh voi rừng về gần nhà dân ở thác Khe Kèm, Con Cuông. Ảnh: Báo Nghệ An.

Bà Lương Thị Danh, một người dân huyện Quỳ Hợp cho biết, chỉ riêng tháng 8, voi đã về nhà bà tới năm lần, cuộc sống gia đinh bà bị đảo lộn và thiệt hại nhiều về kinh tế. Mỗi lần voi rừng về, người dân phải đốt lửa, gõ chiêng xua đuổi, thế nhưng voi rừng ngày càng dạn hơn.

Nghệ An là địa bàn có nhiều voi thứ ba cả nước, những năm gần đây, voi rừng thường xuyên về khu dân cư, xung đột với con người. Tới nay, chính quyền chưa tìm được giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề này.

Nhìn những hàng cây hoa sữa ở Hà Nội phải dời đi, nghe chuyện voi rừng ở Nghệ An, tôi có cảm giác gờn gợn, dường như có gì đó không đúng ở đây.

Tự nhiên, thiên nhiên nuôi dưỡng con người, cho con người môi trường sống, văn hóa, nhiều lợi ích, lợi tức, nhưng thay vì tìm cách hòa hợp thì con người lại can thiệp thô bạo, tạo ra sự đối nghịch với thiên nhiên. Ngoài ra, trong việc tổ chức, quy hoạch đời sống của chính mình thì không hiểu sao con người thường có tầm nhìn ngắn hạn.

Cách đây 20 năm, khi nghiên cứu tác động môi trường của việc xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua rừng quốc gia Cúc Phương, phương án cuối cùng bằng cầu cạn đã được Thủ tướng Phan Văn Khải phê duyệt sau rất nhiều khảo sát, tính toán khoa học kéo dài suốt hơn một năm. Đến nay, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, tính hợp lý của đoạn đường này đã được chứng minh và thực tế là rừng quốc gia Cúc Phương bị ảnh hưởng ở mức tối thiểu, môi trường, môi sinh, hệ sinh thái ở Cúc Phương gần như không bị tác động.

Rõ ràng, việc nghiên cứu đủ dài, xem xét cặn kẽ để chọn phương án tối ưu thì kết quả sẽ càng tốt – cho dù là trồng một cây hoa sữa vào phố, hay tổ chức cho con người vào sinh sống vào khu vực của voi rừng. Chỉ có như vậy, con người mới có thể sống hài hòa mà không cần phải tồn tại ở tư thế luôn phải đối đầu với tự nhiên.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 13 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36226 sec| 633.547 kb