Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đừng nên so sánh các thế hệ?

Đừng nên so sánh các thế hệ?
Làm gì có thế hệ nào khó khăn hơn thế hệ nào, vì đằng sau những sự khó khăn (hay lực cản), thì hiện thực vẫn có nhiều cá nhân vươn lên thành công.

Đừng nên so sánh các thế hệ?

Thời gian gần đây, báo chí hay đăng những bài có nội dung đại loại như: Gen Z khó làm giàu hơn thế hệ trước, những rào cản khiến thế hệ Gen Z khó làm giàu hơn thế hệ trước, Gen Z bất lợi khi sinh ra trong điều kiện đầy đủ, thế hệ ngày nay khó sống hơn thời trước,…

Khi tiếp cận với thông tin, ít nhiều nội dung trong đó cũng đưa ra những biện dẫn về khó khăn. Nhưng thực tế đâu chỉ có khó khăn? Làm thế nào để ta có cái nhìn khách quan và khoa học hơn, với những gì đang diễn ra? Vì, nếu mọi thứ cứ gộp chung thành thế hệ, thì bất công quá! Và cũng không giải quyết được vấn đề gì cụ thể.

Bởi, nhìn một cách tổng thể, ai cũng biết, thế hệ nào cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng. Nếu nhìn một cách chung quy mang tính một chiều, thì không thấy rõ bản chất của câu chuyện, dẫn đến những sự so sánh không thỏa đáng.

Cái khó khăn hay không khó khăn, là tùy vào bản thân mỗi người, hoàn cảnh cũng như địa vị của người đó, chứ không thể nhận xét mang tính chung chung như vậy được. Vì trong cùng một thế hệ, nhưng có người biết tận dụng được sự phát triển, vươn lên rất tốt, thậm chí đạt được nhiều kết quả mà những thế hệ trước ao ước cũng khó có được.

Một người anh tôi quen, lúc nào cũng hay nói về những khó khăn, thiệt thòi của mình, nhưng anh không nhìn thấy những khó khăn mà thế hệ trẻ phải đối mặt. Anh chỉ nhìn thấy mặt thuận lợi mà thế hệ ngày nay có, không nhìn thấy mặt thuận lợi mà thế hệ trước có. Ngược lại với góc nhìn của bài báo trên, anh tôi lại chỉ thấy một mặt thuận lợi.

Hiện thực luôn cần có nhiều góc nhìn, thì mới thấy rõ được nội dung sinh động của nó. Đằng này, ta chỉ nhìn vào một hướng, rồi đưa ra kết luận cho vấn đề, thì không khoa học và khách quan.

Cũng như đâu đó tôi vẫn nghe, câu chuyện về những người bố người mẹ cố tình không hiểu con, khi sẵn sàng đem quá khứ đầy vất vả của mình ra so sánh với sự ít vất vả của con trong thời hiện tại. Và họ không nhận ra những vất vả mà con mình đang mang, so với bạn bè cùng trang lứa. Hay chê (quở trách) con mình không bằng mình thời trước, mà họ không đặt mình vào hoàn cảnh thực tế con đang đối mặt.

Mọi sự so sánh là khập khễnh, nhưng so sánh như vậy là có phần nhẫn tâm. Bố mẹ muốn hiểu con thì không nên chỉ biết nhìn một chiều về những trải nghiệm của mình, cũng như nhìn một cách hẹp hòi về những trải nghiệm của con, trong khi mỗi thời mỗi khác.

Nhiều năm nay, câu chuyện về những cái chết đau lòng của nhiều học sinh, nguyên nhân là vì áp lực học hành, áp lực từ gia đình, mà quyết định tự tử. Đọc những thông tin đó, tôi tự hỏi, liệu những người làm bố làm mẹ đó, có giống như người anh tôi kể ở trên hay không? Nếu quả thật như vậy, thì bất hạnh đó, trước tiên là con gánh lấy, sau đó chính họ lại chịu đựng sự mất mát lớn của cuộc đời.

Những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một môi trường mà bố mẹ có cái nhìn đa chiều, thấu hiểu được tâm tư tình cảm của con, thì thật đáng quý biết bao.

Tuy nhiên, nhìn vào tình hình thi cử mỗi năm, gần như năm nào cũng có câu chuyện đau lòng xảy ra, tôi lại băn khoăn rất nhiều, về những người làm bố làm mẹ, và cả hệ thống giáo dục nữa.

Phải nhìn nhận một cách khách quan, rằng giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu, trong việc định hình nên tư tưởng, tình cảm, trí tuệ của một người. Những người viết những bài báo mang góc nhìn phiến diện, những ông bố bà mẹ hay áp đặt lên con, chính là hệ quả nhãn tiền của giáo dục.

Trong hệ thống giáo dục chính quy, ít đào tạo học sinh có tư duy đa chiều, bởi chính thầy cô cũng chưa hẳn có tư duy đa chiều. Nguyên nhân sâu xa, là vì họ cũng từng được học từ hệ thống phương pháp giáo dục đó. Nên trong giáo dục, căn bệnh thành tích là căn bệnh trầm kha bao nhiêu năm nay.

Giáo dục và đào tạo, không chỉ chạy theo thành tích, lấy tấm bằng, là xong vai trò của chức nghiệp. Mà giáo dục còn là nâng cao tư duy, thẩm mỹ, phát triển phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng, bồi bổ tri thức. Việc thầy cô không tự nâng cao trình độ, không thay đổi phương pháp tư duy trong dạy học, ít nhiều cũng tác động lớn đến thành tựu trồng người.

Người Việt có văn hóa ngàn năm, là kính trên nhường dưới, và đi kèm với đó là tư tưởng gia trưởng (người lớn luôn luôn đúng), vô hình trung tác động đến rất nhiều. Nhất là trong thời đại hiện nay, rất nhiều quy chuẩn cũ gần như bị phá vỡ, vì không còn tính hợp thời nữa. Từ những vấn đề vĩ mô như văn hóa ứng xử, lối sống, đến thiết chế giáo dục.

Mặc dù bao năm nay, chủ trương của nhà nước vẫn là hướng đến học sinh làm trung tâm, nhưng trong thực tiễn đào tạo, vẫn còn nặng tính áp đặt tri thức, người “Thầy” trong lớp luôn là “chân lý”. Nên chủ trương vẫn thiên về lý thuyết (trên văn bản giấy tờ) hơn là thực tiễn.

Bởi vậy, xã hội vẫn tồn tại với quán tính đó. Nếu tự cá nhân không ngừng nỗ lực tiếp thu cái mới, cái hay, từ bên ngoài, để phát triển và kiến tạo đời sống cá nhân, thì rất nhiều người trong chúng ta vẫn giữ lối tư duy mang nặng tính áp đặt. So sánh một chiều, và không nhìn thấy hiện thực ở những chiều kích khác.

Nếu tình trạng xảy ra chỉ là cá biệt, không mang tính phổ biến, thì không nói làm gì. Nhưng tình hình vẫn diễn tiếp hết năm này đến năm nọ, hết thế hệ này đến thế hệ khác, những câu chuyện đau lòng vẫn xảy ra.

Làm gì có thế hệ nào khó khăn hơn thế hệ nào, vì đằng sau những sự khó khăn (hay lực cản), thì hiện thực vẫn có nhiều cá nhân vươn lên thành công, và làm giàu một cách ngoạn mục. Đôi khi lực cản chính là đòn bẩy để cá nhân vươn cao, nếu người đó có ý chí.

Thế hệ hay thời đại, nếu so sánh thì ta nên so sánh để kích thích tính sáng tạo, cổ vũ tinh thần vươn lên, để tạo nên cuộc sống tốt đẹp hơn. So sánh để thấu cảm, thấu hiểu và sẻ chia. Ta không nên so sánh để tạo nên lối suy nghĩ yếm thế, tư tưởng “đổ tại”. Bởi, không có gì biện hộ được cho sự khiếm khuyết khi ta nhìn nhận hiện thực.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 5 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23459 sec| 645.742 kb