Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Karaoke nghiện và lụy

Karaoke nghiện và lụy
"Hát cho nhau nghe" người hát thấy vui, người nghe thấy sướng chứ hát mà thành cực hình cho nhau, thành "cả một trời ân oán" thì ân hận cả đời.

Một bản tin trên báo hôm qua: “Ngày 27-4, Công an tỉnh Bình Thuận đang lấy lời khai Nguyễn Văn Huy (32 tuổi) để điều tra về hành vi giết người. Khi anh trai nhậu bên hông nhà và hát karaoke, Huy ra kêu ngừng hát thì hai anh em đánh nhau và xảy ra vụ việc trên”.

Chắc khi người Nhật sáng chế ra cái món Karaoke như một văn minh văn hóa này, họ không thể nghĩ được người Việt đã... nghiện nó tới như thế nào, và cũng rất nhiều chuyện bi hài kịch xảy ra từ nó, mà bi kịch lớn nhất là chết người, đâm chém lẫn nhau vì làm ồn, làm phiền người khác, phiền hàng xóm. Đỉnh điểm là vụ em đâm chết anh vừa nhắc.

Karaoke nghiện và lụy
Chắc khi người Nhật sáng chế ra cái món Karaoke như một văn minh văn hóa này, họ không thể nghĩ được người Việt đã... nghiện nó tới như thế nào. Ảnh minh họa 

Tôi nhớ hồi đầu, anh bạn đi Nhật về kể và tả cho nghe cái món Karaoke mà mãi tôi không thể hình dung ra nó như thế nào? Làm sao lại vừa nghe nhạc vừa đọc chữ, lại hát theo đúng nhạc mà không có dàn nhạc?

Rồi cho tới khi cái món “loa kẹo kéo” xuất hiện thì công cuộc Karaoke coi như đã... hoàn thành khắp nước.

Đúng là tới giờ, đi bất cứ vùng nào trên đất nước ta đều gặp văn minh... Karaoke. Phố lớn thì nhà hàng Karaoke hun hút và lộng lẫy, tự hát hay có người hát giúp, tự rót bia hay có người rót, tự cầm mic hay có người cầm. Và cũng đã không dưới một chục vụ cháy các nhà hàng Karaoke như thế với nhiều người tử nạn, nhiều người phải ra tòa và ngồi tù. Nhưng cũng phải công nhận những nhà hàng Karaoke thơm phức sang trọng này giải quyết công ăn việc làm cho khá nhiều người. Từ những người phục vụ tại chỗ, bưng bia, khăn lạnh, chọn bài chỉnh mic, tới các “nhân viên lưu động” xinh đẹp mát mẻ chân tay đều dài được điều tới khi khách có yêu cầu. Số này rất đông. Mới nhất công an vừa bắt một vụ bán các trẻ em vào quán hát. Các em bị mua đi bán lại như món hàng, như quả ổi, cái khăn lạnh, cái mũ, đôi tất, à còn như gà vịt ngan ngỗng nữa...

Quê thì loa... kẹo kéo. Nhà có việc, mà nông thôn thì luôn luôn có việc, nhà này nhà kia thay nhau có việc, việc đầu tiên là phải lo... ban nhạc. Bét nhất là cái loa kẹo kéo với hai cái mic đấu vào Bluetooth Smartphone, thế là xong.

Và thế là, nhạc nổi lên. Ai cũng thành diễn viên, ai cũng là nghệ sĩ. Và mới thấy, dân ta rất có khả năng hát hò, tức hát và hò. Hát không ra hát thì thành hò. Bét nhất là đọc, đọc nhanh hay đọc chậm thì cái anh loa kẹo kéo kia nó biến thành hát hết. Tài thế chứ lị.

Và hệ lụy từ đây.

Trăm người thì cũng có dăm người không chịu được, cần ngủ, cần nghỉ, cần việc riêng. Thế mà cái loa cứ chõ vào, hết “Đắp mộ” tới “Cõng mẹ”, hết “Trách ai vô tình” lại “Duyên phận”, rồi còn những là “Sầu tím thiệp hồng” tới “Xót xa”, “Đừng nói xa nhau” tới “Con bướm xuân”... cứ thế, triền miên trổ tài.

Thì bèn ra nhắc. Và sinh chuyện. Nhẹ thì mắng nhau, nặng thì hỗn chiến, nặng nữa là dao kiếm...

Nhưng nông thôn còn may, bởi không gian nó rộng. Âm thanh nó tỏa bớt ra đồng ra rặng tre ra bến nước chứ không ù ập hết vào tai người. Người phố mà ở chúng cư mới nguy, ở các con ngõ hẹp mới khốn.

Thế nhưng mà nào, cơn đã lên, bia rượu đã ngấm. Mà bia rượu vào không có tí hát nó nhạt hoét. Mà đã hát khi có bia rượu thì nó say lắm, nó đã lắm, cứ thế bồng bềnh, trôi trôi trôi, đố ai dừng...

Mùa hè phương Nam, đờn ông tà lỏn, đờn bà xổng xểnh đồ bộ nhàu nhò, ca trà đá, xị đế, đĩa xoài cóc ổi, mạnh hơn có con khô, mấy cái li xây chừng, cái loa kẹo kéo, thế là thành... đại nhạc hội. Tầng 16 chúng cư mà vẫn cứ nghe âm thanh uỳnh uỳnh uỳnh...

Karaoke nghiện và lụy
Ảnh minh họa.

Search một phát trên mạng với câu lệnh “án mạng karaoke”, trong vòng 0,29 giây có tới... 2.680.000 kết quả, đủ thấy vấn đề nó đã... vấn đề tới mức nào, mà cái vụ nhắc ở đầu bài kia là mới rợi. Mà đấy là án mạng, chứ mấy vụ chết cháy cả chục người khi đang hát chắc "ông Gúc" này chưa đề cập từ lệnh này.

Khủng khiếp.

Cả ở lĩnh vực tội ác và ảnh hưởng sức khỏe, ở môi trường sống, ở yếu tố văn hóa...

Nhưng không thể cấm, vì nó là nhu cầu chính đáng của con người, nó là văn minh nhân loại.

Nghe nói Đà Nẵng đã có cách làm rất hay để trị món tiếng ồn của karaoke tự phát. Hát, vầng xin mời, nhưng phải có nơi có chỗ, có thời gian nhất định, làm sao để không ảnh hưởng tới hàng xóm. Và quan trọng là, đừng có... tẩn nhau, tới mức em đâm chết anh như hôm qua, tới mức các bà vợ “liên kết” với nhau xông tới phòng hát bắt quả tang chồng mình hát bằng... tay. Và cả các bà vợ, cũng đừng xổng xểnh quá lại còn ngồi ngay vỉa hè, chân gác lên ghế và... đắp mộ cuộc tình.

Hát, mình sướng nhưng làm sao để người nghe cũng sướng, chứ không nó là cực hình cho nhau, và nặng hơn, thù nhau, hoặc ân hận cả đời...

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26173 sec| 633.352 kb