Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Muôn mặt thi

Muôn mặt thi
Dù đã chuẩn bị rất kỹ, tập huấn rất kỹ, rất đông nhân lực vật lực xã hội đổ ra cho kỳ thi để “chọn” rất ít người trượt này, có rất nhiều chuyện, cả vui và buồn.

Hôm qua, đồng loạt hơn một triệu thí sinh trên cả nước bước vào môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp được cho là đặc biệt, bởi nó chấm dứt chương trình cũ, từ sang năm sẽ là chương trình mới, tức là nếu ai học chương trình cũ mà sang năm mới thi thì sẽ... chưa biết thế nào?

Trước khi thi mấy ngày, như mọi kỳ thi khác, kỳ thi năm nay cũng chộn rộn. Đầu tiên là thông tin... lộ đề. Té ra là một cậu học sinh, “rảnh rỗi sinh nông nổi” phao lên thế, và cậu cùng bố được mời lên công an. Kể ra, trước khi kỳ thi quan trọng, bị cú sốc như thế này thì cũng... sốc thật. Tất nhiên, lớn rồi, mình làm thì mình chịu thôi, phải chịu trách nhiệm trước việc làm của mình cũng là một cách thể hiện lòng tự trọng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Hy vọng cháu sẽ vượt qua và làm bài tốt.

Rồi đoán đề văn. Ca sĩ Đen Vâu trùng hợp giới thiệu một clip có cảnh... thuyền, anh đang chèo thuyền và kéo thuyền. Thế là học sinh thả sức... đoán, những là chiếc thuyền ngoài xa, những là sóng, là thuyền và biển vân vân... Mà chả hiểu sao mấy năm gần đây thí sinh toàn lấy Đen Vâu để đoán đề. Tất nhiên đa phần là đoán cho vui chứ không tủ.

Lại nói chuyện tủ môn văn. Chính cái cách dạy và ra đề thi lâu nay của chúng ta, thêm bộ đề mẫu và cách tổ chức ôn thi đã khiến phong trào đoán đề, nôm na là tủ, nó nở rộ. Trúng tủ là cứ thế chép, lệch tủ là... xong.

Nhưng năm nay, vui thế, nó lại cũng có liên quan tới... nước. Là nói cái đề văn hôm qua.

Một đoạn trích của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhắc rất nhiều về sông và nước, rồi từ đấy liên tưởng tới thiên chức của , tới sự tiếp nối các thế hệ, sự tích tụ văn hóa, nghệ thuật.

Và câu chính, câu 5 điểm lại cũng... đất nước, là phân tích một trích đoạn rất quen thuộc và rất hay của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong chương “Đất nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” hầu như ai cũng thuộc.

Nhưng nó không phải tủ, tôi nghĩ thế. Bởi nếu viết cho hay đề này thì phải vận dụng hết cảm xúc và hiểu biết cá nhân, còn để chỉ... được điểm, thì không nói. Thế thì trở lại cách dạy văn, là dạy như thế nào để học sinh không phải viết, nói lại lời thầy cô, mà từ một ngữ liệu cụ thể, một tác phẩm văn học, học sinh thả sức tưởng tượng, được khuyến khích tưởng tượng, được trang bị kiến thức để tưởng tượng, để trình bày ý kiến của mình, chứ không phải học thuộc lòng để... chép lại. Lại nhớ có cháu học sinh nói: đề ra là nêu suy nghĩ cá nhân nhưng toàn phải chép lại lời cô giáo, chép sai là trượt.

Mà lại cũng có chuyện vui. Cô giáo, tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, một giáo viên dạy văn lừng danh ở Hà Nội, dạy hay viết giỏi sách bán chạy, thầy của nhiều thế hệ học sinh và cả giáo viên, một tiếng nói uy tín trong giới dạy văn, hôm kia đăng một bức ảnh trên facebook minh họa cho lời dặn học trò trước khi thi của mình. Bức ảnh đứng bên... bờ sông. Tôi có còm vui vào đấy: có 2 hình ảnh cần lưu ý, một là Đen Vâu chèo thuyền trên sông và 2 là cô Tuyết áo dài trắng bên bờ sông.

Trời ạ, cả cái đề thi văn năm nay là... nước và sông.

Thì để thấy là, cái phổ ra đề cũng vừa phải, không rộng quá, đủ để học trò “vượt vũ môn” như cách nói lâu nay, dù cái vũ môn này ngày càng rộng. Thì nó cũng như chúng ta ấy, lớn rồi, trưởng thành rồi, về thăm lại nhà ông bà, thấy cái nhà, cái cổng, cái ao, cái bờ rào, con đường... bé tí. Thế mà hồi nhỏ, nó mênh mông làm sao, nhường nào?

Muôn mặt thi
Các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Hữu Thắng.

Lại nghĩ, sao ta không coi cuộc thi này như một cuộc kiểm tra kiến thức bình thường thôi, học xong lớp 12 thì cho các cháu thi ngay tại trường, cấp chứng chỉ tốt nghiệp. Các cháu dùng chứng chỉ ấy thi hoặc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Các trường này được giao quyền và chịu trách nhiệm với chất lượng đào tạo của mình, và người sử dụng lao động sẽ là nơi đánh giá chất lượng từng trường đại học. Và như thế thì cách tuyển người vào các cơ quan nhà nước cũng phải khác trước. Sẽ không còn kiểu ngồi cộng điểm cộng bằng cấp các loại để tuyển mà không nhìn thấy mặt người dự tuyển như hiện nay.

Bây giờ, dù đã chuẩn bị rất kỹ, tập huấn rất kỹ, rất đông nhân lực vật lực xã hội đổ ra cho kỳ thi để “chọn” rất ít người trượt này, có rất nhiều chuyện, cả vui và buồn.

Đây là một số thông tin nhặt trên các báo hôm qua, ngay khi môn thi đầu tiên đang diễn ra: “Mưa lớn bất ngờ, công an, tình nguyện viên che dù đưa thí sinh đi thi”.“Tỉnh đoàn Quảng Ninh huy động 2.000 thanh niên tiếp sức mùa thi”. “Sinh viên tình nguyện che nắng cho thí sinh”. “Bếp nhà trường đỏ lửa từ sáng sớm, nấu cơm tặng thí sinh vùng quê Cần Thơ thi tốt nghiệp”. “Thí sinh Thân Tiến Thịnh, dự thi tại điểm thi Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Đắk Mil), được ông Phan Thanh Hải - giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông dìu vào bàn thi”... Nhưng tôi thấy tin này vui nhất, xúc động nhất, không phải xúc động vì hoàn cảnh đáng thương, vì sự không may, mà xúc động vì vui, vì nó đẹp, nó dễ thương: “Chị em sinh ba, gồm Vàng Kim Ngọc, Vàng Kim Huệ và Vàng Kim Hà, Trường THPT số 1 Bắc Hà (Lào Cai) tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em cho biết trong 12 năm cả ba em luôn học cùng lớp, sau khi có kết quả tốt nghiệp THPT sẽ cùng đăng ký thi vào ngành sư phạm của một trường”, cái chính là để “bố mẹ không phải vất vả lo chi phí học hành cùng lúc cho cả ba chị em”. Cái ảnh ba cô bé này chụp giữa sân trường thi trên báo TT nó ngời lên sức sống, cả 3 chị em đều rất xinh. Xong cuộc thi này, cánh cửa đời các cháu sẽ mở ra.

Nhưng về mặt nào đấy, mặt thực tế , thì sau cuộc thi này, các cháu mới bắt đầu bước vào đời, phía trước là ước mơ và cả những điều chưa lường trước được...

Nói lại bảo cái gì cũng ngoái về ngày xưa, nhưng đúng là ngày xưa, chúng tôi đi thi, một mình đi, một mo cơm, nhà sang thì có mấy con tôm kho, còn không thì cà muối, và rồi cũng nên người…

Nhưng nói gì thì nói, thi bây giờ không còn cảnh phao trắng sân trường, các quán photo gần điểm thi hoạt động hết công suất, phụ huynh đưa con đi thi kiêm nhân viên... ném phao, thí sinh lụng thụng phao trong người... là một thắng lợi rất lớn rồi. Tất nhiên lại có sự chuyển hướng, dẫu chỉ là cá biệt, là dùng phương tiện hiện đại, công nghệ số để chuyển đề ra ngoài rồi nhận bài giải. Thấy trong tập huấn coi thi các giám thị được công an hướng dẫn rất kỹ cách phát hiện nên chắc năm nay cũng sẽ không còn hoặc rất ít các hiện tượng vi phạm quy chế thi...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 29 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.23615 sec| 645.68 kb