Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Người chống lưng

Người chống lưng
Dân tình đang xôn xao, đồng tình với ý kiến của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khi ông cho rằng có sự chống lưng cho tồn tại trong lĩnh vực xây dựng ở Thủ đô.

Phát biểu của ông Nghị như sau: “Sau mỗi công trình vi phạm, xây vượt tầng là có "chống lưng". Do đó, người xử phạt không chỉ phải đương đầu với chủ công trình mà còn cả với người "chống lưng" cho chủ đầu tư sai phạm”.

Và sau đó một tờ báo thống kê, ở riêng quận Thanh Xuân, nơi có chung cư mi ni vừa bị cháy khiến 56 người chết, là “từ năm 2010 đến nay, có ít nhất 6 công trình được UBND  quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng cho riêng ông Minh hoặc cấp chung tên ông Minh và cá nhân khác, nằm trên địa bàn các phường: Khương Đình, Nhân Chính và Khương Mai. Tuy nhiên, trong thời gian dài, các công trình vượt tầng, hạng mục vi phạm trật tự xây dựng của ông Minh đều không bị chính quyền sở tại cưỡng chế phá dỡ”.

Một tờ báo dẫn lời Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, một đại biểu có nhiều "ý kiến nóng" ở trên và hành lang nghị trường rằng: “6 công trình ở cùng 1 quận, lại cùng liên quan đến một cá nhân. Liệu người dân bình thường có được quận Thanh Xuân ưu ái như vậy không? Đây chính là câu chuyện con voi thì chui lọt lỗ kim còn con kiến thì không lọt. Cho nên, tôi đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ ai "chống lưng", ai bao che, ai cho phép ông Minh xây vượt tầng mà không bị xử lý, hoặc xử lý theo kiểu phạt cho tồn tại, không cưỡng chế”.

Thực ra những sự việc như thế này không phải bây giờ mới có, nó đã như “thông lệ” lâu nay mà do ta “lơi lỏng” nên nó cứ tồn tại như một thách thức, và đến lúc quyết tâm xử lý thì vừa khó và vừa tốn kém, lãng phí, mà nhà số 8B Lê Trực Hà Nội một thời là ví dụ.

Ở Phú Quốc, chính quyền cũng vừa phải “ra tay” xử lý một loạt biệt thự xây chui, theo thống kê là 79 biệt thự, trước mắt vừa cưỡng chế được 16 căn biệt thự. Có căn tới mười hai tầng cũng đang được làm hồ sơ cưỡng chế tháo dỡ, và như một lãnh đạo địa phương thì, dẫu tốn kém và lãng phí thì cũng vẫn phải làm, để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

Ở Lâm Đồng người ta cũng vừa phát hiện nhà máy thủy điện hoạt động tới 7 năm mà chưa nghiệm thu. Mà nên nhớ, thủy điện với hồ chứa nước khổng lồ liên quan tới hàng vạn nhân mạng. Có tới 4 nhà máy thủy điện bị phạt về nhiều lỗi trong đó có 2 thủy điện chưa nghiệm thu.

Và ở nhiều nơi nữa.

Lâu nay chúng ta hay chấp nhận... cơi nới, cả trong xây dựng và xử lý, là phạt cho tồn tại. Lâu dần thành quen. Nhiều khu đất trống bị dân “nhảy dù” sống một thời gian rồi thành của mình. Nhà cấp phép một đường làm một nẻo, mà một số khách sạn có thương hiệu “Mường Thanh” là một ví dụ. Dùnhiều người, cả tôi, công nhận có việc ông Thản làm là khá tốt cho , nhất là người nghèo (chung cư) và những địa phương xa (khách sạn), nhưng cái gì ra cái nấy. Việc xử lý ông Thản chắc là có sự cân nhắc giữa công và tội, giữa lợi và hại trong những việc làm của ông Thản.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ba cơ sở Đảng ở quận Thanh Xuân là Ban thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân và Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025. Đây là việc làm hết sức cần kíp và là một động thái quyết liệt của người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng như sự kiên quyết ra tay của hệ thống chính trị Thủ đô với những sự việc đã gây nhức nhối lâu nay.

Và cũng là cách để các địa phương khác xem lại mình.

Và ngay Hà Nội cũng không chỉ có quận Thanh Xuân.

Ví dụ chỉ cách đây một tháng, một tờ báo phát hiện “thêm 6 công trình bề thế vi phạm xây dựng tại Sóc Sơn”, theo đó, đại diện UBND xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) cho biết, từ cuối năm 2022 đến nay trên địa bàn có thêm 6 trường hợp mới vi phạm xây dựng trên đất lâm nghiệp, vi phạm trong lĩnh vực đất đai ven hồ Đồng Đò.

Người chống lưng
Hàng loạt các công trình biệt thự, villa, homestay trái phép được xây dựng như nấm mọc sau mưa ở ven hồ Đồng Đò (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) với mật độ dày đặc.

Và trên cả nước, không chỉ có Hà Nội, không chỉ Phú Quốc mà nhiều địa phương nữa, search một cú Google ra cả dãy.

Không ít người có tâm lý "nhờn luật" và chỉ sợ... cán bộ. Ví dụ đi đường không thấy là sẵn sàng vi phạm, vượt đèn đỏ, lấn làn, vượt ẩu. Uống rượu bia rồi vẫn lái xe và vừa chạy vừa... dò chốt. Xây dựng trái phép mà thấy cán bộ lơ là là ào ào đổ đất, vật liệu xây dựng rồi xây, cứ nửa đêm mà xây.

Vậy nên cán bộ là... "đích ngắm" của người vi phạm. Là vừa trốn tránh nhưng cũng vừa... quan hệ, vừa tranh thủ.

Nên đa số người dân ủng hộ việc kiểm tra cán bộ khi có các hành vi vi phạm, bởi nhiều người nói, đổ một xe cát sửa cái sân cán bộ phường biết ngay, mà xây cả cái khách sạn to uỳnh thế lại... không biết. Nó vô lý thế nhưng đã tồn tại lâu nay như một tất nhiên.

Và qua nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội ta biết thêm một khái niệm, một thứ lực, gọi là “chống lưng”.

Và để chống được lưng, không thể mấy anh cán bộ quèn. Nó phải là một thế lực!

Và vì thế ông Phạm Quang Nghị mới nói “người xử phạt không chỉ phải đương đầu với chủ công trình mà còn cả với người 'chống lưng'”.

Ôi những “người chống lưng”, ông/ bà là ai mà để chính quyền vất vả thế, mà để hậu quả xảy ra khủng khiếp thế?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.21965 sec| 645.266 kb