Chỉ vỏn vẹn trong 4 ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, 10 người trong 2 gia đình đã ra đi mãi mãi trong cơn hỏa hoạn tại Hà Nội và TP.HCM. Hai vụ việc diễn ra trong những thời điểm khác nhau, vùng miền khác nhau nhưng có chung một điểm yếu “chết chóc”: Xảy ra tại những căn nhà không có lối thoát hiểm và không có thiết bị báo cháy.
Đau đớn và xót xa song phải thừa nhận rằng vụ việc này có những liên hệ tới rất nhiều vụ hỏa hoạn trước đó. Đó là vụ cháy nhà xưởng ở phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội khiến 8 người thiệt mạng năm 2019. Đó là vụ hỏa hoạn xảy ra ở căn nhà 4 tầng tại ngõ 205/53, đường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội khiến 4 người trong một gia đình tử vong năm 2017. Sự việc cũng tương tự với vụ cháy căn nhà nhỏ trong hẻm 453 đường Lê Văn Sỹ (P12, Quận 3, Tp Hồ Chí Minh) năm 2016 khiến 6 người tử vong. Hay vụ cháy nhà số 91 Phan Bội Châu, phường 7 (TP Cà Mau, Cà Mau) khiến 6 người tử vong....
Nhà xây dạng ống, không có cửa thoát hiểm, không có hệ thống báo cháy khi xảy ra hỏa hoạn, nguy cơ gây tử vong là điều khó tránh. Những cái chết trong hỏa hoạn ở nhà ống dường như đã được báo trước.
Thế nhưng nhan nhản ở khắp mọi nơi, đặc biệt là các thành phố lớn, những căn nhà ống không cửa thoát hiểm, những “chuồng cọp” kín bưng tồn tại mặc nhiên bất chấp rủi ro, hiểm nguy rình rập.
Và những người “đánh đu” mạng sống của mình trong những căn nhà ấy, tất nhiên luôn có cả vô vàn lý do để biện minh. Nào nhà phố chật, nào thiếu không gian, nào sợ trộm. Thậm chí đôi khi còn có cả những lý do nực cười kiểu: “Hỏa hoạn chuyện mấy khi”, “Cứ cẩn thận thì lo gì cháy”... Ấu trĩ và duy ý trí vô cùng.
Trong khi với nhiều người dân trên thế giới, khi lựa chọn mua nhà, tiêu chí an toàn trong phòng cháy chữa cháy luôn được chú ý hàng đầu. Thiết bị báo khói, vật liệu chống cháy, cửa thoát khí, lối thoát hiểm luôn được người mua nhà kiểm định kỹ lưỡng và lấy làm điều kiện để mặc cả giá nhà. Thì với nhiều người Việt, khi mua nhà, điều quan tâm chỉ tập trung vào những tiện ích trước mắt như hướng nhà, diện tích nhà, kiểu kiến trúc, địa điểm, thậm chí phong thủy... Vấn đề liên quan trực tiếp đến sự sống còn như thoát hiểm, chống cháy, trớ trêu thay lại thường bị lãng quên, thậm chí bỏ qua.
Sự tồn tại đầy rủi ro của những căn nhà không lối thoát hiểm ấy, một phần đáng kể, cũng nằm ở việc cấp phép xây dựng vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa có quy định cụ thể về mặt phòng cháy chữa cháy với công trình nhà ở riêng lẻ mặt đất. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có công trình riêng lẻ làm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích trên 5.000m3 mới buộc phải có thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Đây thực sự là một thiếu sót lớn.
Giả thử mọi căn nhà riêng ở mặt đất chỉ được cấp phép xây dựng khi có đủ thiết kế lối thoát hiểm. Mọi căn nhà đang trong tình trạng chưa đảm bảo an toàn cháy nổ đều được lực lượng chức năng đưa ra phương án điều chỉnh lối thoát nạn thì nước mắt đớn đau vì mất người thân trong hỏa hoạn hẳn sẽ thuyên giảm rất nhiều. Nhìn vào thống kê, một nửa trong số vụ cháy tại khu dân cư đô thị ở TP.HCM xảy ra tại các căn nhà theo kết cấu nhà ống, chỉ có một lối ra vào và không có cửa thoát hiểm đủ thấy sự cấp bách của vấn đề đến nhường nào.
Năm 2020, toàn quốc có 5.354 vụ cháy làm chết 75 người, bị thương 144 người, thiệt hại tài sản 932,023 tỷ đồng. Đó là những con số đau lòng. Thực sự, với cháy nổ “phòng” luôn quan trọng hơn “chống”.
Hãy đừng đổ tại điều kiện sống, hãy thôi bao biện cho thói “chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ” trong công tác phòng cháy nổ. Hãy nhớ rằng chỉ một phòng bị giản đơn có thể cứu cả gia đình tránh khỏi thảm họa.
Giới chuyên gia cho rằng, một căn nhà phố chật hẹp vẫn có thể tạo nên những lối thoát an toàn phòng khi cháy nổ. Thay vì để ngôi nhà chỉ có một lối thoát, hãy mở các lối ra ngoài ở các tầng. Nếu sử dụng khung sắt để chống trộm đột nhập, cũng cần để một khoảng đóng mở được.
Nhà ở riêng lẻ mặt đất cũng luôn cần có nhiều cửa. Ngoài cửa sổ, lỗ thoáng để thông khí, cũng cần có giếng trời để khói, hơi độc phát tán khi xảy cháy…
Quy định phải có đủ các thiết bị cứu nạn cơ bản như bình chữa cháy, mặt nạ dưỡng khí, túi cứu hộ... hiện chỉ được áp dụng tại các cơ sở kinh doanh. Nhưng sao không tự áp đặt quy định này cho gia đình mình khi mà nó tạo thêm cơ hội sống trong cơn hỏa hoạn?
Ở Đức, Singapore và nhiều nước khác, chủ nhà sẽ chịu khoản tiền phạt rất lớn và thậm chí phải đi tù nếu xây nhà không có thiết kế đảm bảo phòng cháy an toàn. Phạt nặng như vậy vì người ta cho rằng trong phòng chống hỏa hoạn chỉ lơ là một phút có thể phải trả giá bằng cả cuộc đời, bằng nhiều mạng người.
Chẳng ai có thể cứu rỗi cuộc đời mình bằng chính bản thân mình cả. Hãy cẩn trọng trước hết từ chính cá nhân, gia đình trước khi trông đợi vào một lực lượng nào khác khi đối diện với “giặc lửa” hiểm nguy.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả