Vừa qua, trên mạng xã hội đã liên tiếp phải lên tiếng bức xúc trước những vụ bố ruột, mẹ ruột xâm hại, bạo hành con cái. Đáng giận hơn cả, là nhiều kẻ đã gây ra tội ác, nhưng đến tận khi bị chỉ trích, lên án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vẫn không mảy may một chút hối hận về hành vi của mình.
Gần đây nhất là vụ bà mẹ Vũ Thị Th. (Cẩm Giàng, Hải Dương) nhiều lần đánh, chửi con gái, chỉ vì con đi vệ sinh không nói mà gây thương tích và nhốt tại phòng trọ không cho ra ngoài, khiến cô bé phải đi cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết thâm tím ở vùng mặt, tâm lý hoảng loạn.
Trong khi trước đó, hàng loạt vụ bạo hành, xâm hại trẻ em khác gây chấn động dư luận còn chưa kịp nguôi ngoai, đã xảy ra một vụ mới.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại...
Bên cạnh đó, Đoàn giám sát của Quốc hội cũng chỉ ra, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song, vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình. Tại nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao như: Hà Tĩnh (67,6%), Hà Nội (51,9%), Bà Rịa - Vũng Tàu (33%)... Theo thống kê của Tổng đài 111 (trong tổng số các cuộc gọi đến), số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
Còn gì bất hạnh hơn nỗi đau từ chính người thân? Hơn nữa, lại chính là bậc sinh thành?
Người ta vẫn thường nói: “Hổ dữ không ăn thịt con”, nhưng có lẽ, với những người làm bố, làm mẹ này vốn dĩ vô tri, không thể cảm nhận được sự thiêng liêng, ấm áp của tình mẫu tử, phụ tử, nên chẳng biết đến xót con là gì.
Một người dưng khi nghe những câu chuyện đau lòng kia bị phơi bày trên mặt báo, trên các trang mạng xã hội cũng còn cảm thấy xót xa, đau đớn, chứ chưa nói đến người thân, ruột thịt, mà đặc biệt là những người đã tạo nên sinh mệnh đó.
Ấy vậy, những kẻ mang danh nghĩa là bố mẹ kia lại sở hữu một trái tim vô cảm, bình thản, thậm chí cảm thấy hả hê trên nỗi đau của những đứa trẻ trong vòng tay mình. Những kẻ vô nhân tính ấy vẫn còn tồn tại đâu đó trong xã hội, vẫn âm thầm tạo ra những bi kịch, khiến cả cộng đồng phẫn nộ.
Nhiều lúc, tôi tự hỏi: “Những kẻ không biết thương con, vậy còn sinh con ra để làm gì?”. Nhưng có lẽ, cái phần ích kỷ trong bản thân mỗi cá nhân ấy quá lớn, chỉ muốn sống vì mình, mà chà đạp lên quyền lợi của chính những đứa trẻ do mình sinh ra. Một phần, vì sự yếu đuối, kém cỏi và hèn mọn của chính những kẻ không có cách nào thể hiện bản thân ở bên ngoài xã hội, mới mang hết những năng lượng tiêu cực đó, đổ dồn lên đầu một đứa trẻ. Thậm chí, nhiều kẻ còn tự cho mình cái quyền sai trái là sinh ra đứa trẻ thì có thể làm bất cứ điều gì và quyết định sinh mệnh của chúng.
Đó là những suy nghĩ và hành vi sai lầm, lệch lạc đến mức đáng lên án và cần phải nghiêm trị trước pháp luật. Một trong những nguyên nhân khiến những câu chuyện đen tối chưa được đưa ra ánh sáng, là bởi, một số người chứng kiến, chỉ vì nể nang, e ngại, thậm chí né tránh vì cho rằng mình không có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ, mà vô tình tiếp tay cho những nỗi đau.
Không thể để những đứa trẻ tiếp tục chìm trong những “địa ngục trần gian” ở ngay tại nơi gọi là gia đình, nơi mà đáng lẽ chúng phải được yêu thương, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi.
Hy vọng, những đứa trẻ đến với cuộc sống này sẽ không còn bị bạo hành, xâm hại, không còn phải trở thành nạn nhân của những câu chuyện bất hạnh “sinh nhầm gia đình” một cách đáng tiếc!
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!