Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Phê bình sự phê bình đề thi truyện ngắn 'Vợ nhặt'

Phê bình sự phê bình đề thi truyện ngắn 'Vợ nhặt'
Trong đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay, truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân được đưa vào như một phần lớn dữ liệu câu hỏi. Và ngay lập tức đã làm xuất hiện nhiều ý kiến “phê bình” - hiểu theo nghĩa là chê/ trách - trên mạng xã hội.

Về đại thể, tôi thấy có hai luồng ý lớn:

1. Tác phẩm này (Vợ nhặt) cũ quá rồi, lạc hậu quá rồi nếu vẫn còn nằm trong sách giáo khoa Văn (tức là ở diện vẫn có quyền được chọn làm đề thi) trong khi văn chương “ngoài kia” đang chuyển động ào ào. Họ yêu cầu: Phải thay nó đi, hoặc phải bổ sung thêm các tác phẩm văn chương gần đây vào sách giáo khoa để cho nó bắt kịp với đương đại.

2. Tác phẩm này nói những chuyện khốn khổ đói khát một thời, nếu còn bắt học sinh bây giờ phải học và nghị luận, thì thật không hợp nhẽ, con em mình có khi bị “ám”, đến không ngóc đầu lên được với thế giới văn minh.

Phê bình sự phê bình đề thi truyện ngắn 'Vợ nhặt'
"Vợ nhặt" vào đề thi Ngữ văn kỳ thi THPT 2023.

Tôi lại có vài ý khác, xin được trình bày như sau:

1.1 Nếu bảo nó (Vợ nhặt) là cũ, thì “Truyện Kiều” với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn cũ hơn, “Bình Ngô đại cáo” còn cũ hơn nữa, và văn thơ Lý Trần thì khỏi nói, xưa như trái đất. Nghĩ theo hướng này thì chả lẽ phải đề nghị đưa hết những áng thiên cổ hùng văn đó ra khỏi sách giáo khoa?

1.2 Để “bắt kịp” với đời sống văn chương đương đại, nên ra... ngoài đường mà bắt, mới kịp, không ai cấm. Ý tôi là hãy chịu khó ra Đinh Lễ hoặc lên tiki mà mua sách mới về đọc. Đừng tìm ở sách giáo khoa. Vì khi có tác phẩm được chọn vào sách giáo khoa, ấy là lúc tấm bia mộ đã được cắm lên một sự nghiệp sáng tác. Coi như xong. Và không có cách nào để sách giáo khoa “bắt kịp” với đời sống hết, ngoài việc mỗi năm lại biên soạn mới một lần. Và đấy là việc tuyệt đối bất khả.

2.1 Bảo “Vợ nhặt” nói toàn chuyện khốn khổ đói khát, xa lạ và không hợp với bây giờ, thì oái oăm thay, cái xa lạ và sự không hợp chẳng phải là một trong những lý do khiến người ta tìm đến văn chương hay sao? Tìm đến để hiểu nó và thấy nó không còn xa lạ với mình nữa, bất chấp độ lùi thời gian hay khoảng cách địa lý hoặc những khác biệt về văn hoá, chủng tộc, tôn giáo.

2.2 Nói sang chuyện đói khổ của “Vợ nhặt”, có cảm giác những người chê trách đề thi nhận thấy bây giờ đang là lúc sung sướng lắm? Tôi lại thấy chúng ta hiện nay cũng nhiều nỗi khổ. Khổ vì chính những nhu cầu mà nền văn minh tiêu thụ tạo ra cho chúng ta, và tự chúng ta đặt lên lưng ta, bắt gánh. Tôi muốn nói vui: Đàn ông Việt hiện nay mờ đời mới có chuyện nhặt được vợ dễ như anh cu Tràng của cụ Kim Lân. Cơm trắng với giò là một ước mơ của thời ấy, ước mơ nhưng dễ thực hiện, bằng cách đi đẩy xe. Còn bây giờ, để thực hiện ước mơ vớ vẩn là nhà biệt thự, xe hơi sang, có khi 90%  chúng ta phải trả nợ ngân hàng mấy kiếp cũng không xong.

Tóm lại, xin đề nghị: “Vợ nhặt” cứ ở yên đấy, trong sách giáo khoa, và nằm trong diện có thể được ra đề thi bất cứ lúc nào, cho đến khi tình hình thay đổi. Học sinh được học thì phải có nghĩa vụ trả bài thi. Học sinh là đi học, chứ có phải đi làm thầy thiên hạ đâu mà đòi hỏi với chê trách cho lắm?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.22919 sec| 634.086 kb