Một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh vừa có cái đề kiểm tra về... phông bạt gây xôn xao dư luận.
Thực ra thì, tôi thấy, phía ra đề là nhà trường cũng có lý, và phía chê, có nhiều nhà văn nhà báo, cả một số chuyên gia giáo dục cũng... có lý. Chính vì thế nó mới... xôn xao.
Tôi không bàn về đúng sai ở đây, mà nhân đây nói về... phông bạt.
Nó là từ mới, vừa xuất hiện ở đợt bão lũ phía Bắc vừa qua, gây ra rất nhiều thiệt hại, cả người và của cho một số tỉnh, đỉnh điểm là cả cái thôn Làng Nủ bị vùi, rồi nhiều quả núi đổ xuống một số nơi nữa, nhiều người bị lấp, nhiều vụ rất thương tâm.
Và như mọi khi, các đợt ủng hộ bà con diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tầng lớp, nhiều địa chỉ. Trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một địa chỉ lớn, như lâu nay, dẫu nhiều khi nơi này nơi kia vẫn xảy ra những tiêu cực, tới mức có cả chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh (cũng là ủy viên thường vụ tỉnh ủy tỉnh ấy) bị khởi tố, kế toán trưởng bị bắt.
Nhưng năm nay, rất đổi mới, rất minh bạch, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Viêt Nam công khai sao kê, một việc rất bất ngờ, không báo trước.
Và, "phông bạt" ra đời từ đây.
Là trước đấy, một số người được cho là nổi tiếng đã đăng ảnh mình với ảnh chụp màn hình điện thoại báo số tiền đã chuyển ủng hộ.
Giờ có sao kê, dân mạng dò tìm, té ra một số đã... sửa số tiền, có người sửa gấp nhiều lần, để đăng lên mạng khoe, có khi mục đích chỉ là khoe, chỉ là vui thôi.
Từ "phông bạt" ra đời từ đấy, nếu tôi không nhầm.
Và tôi thấy cái cách giải thích của cô hiệu trưởng trường có cái đề ấy cũng có lý. Cô giải thích trên một tờ báo: "Đề bài yêu cầu nghị luận bàn về một vấn đề. Đây là kiểu bài dùng lý lẽ và dẫn chứng để bàn luận và làm sáng tỏ một vấn đề xã hội chứ không phải dùng ngữ liệu.
Việc đề thi kể trên chỉ làm trong thời lượng làm bài 45 phút, nhiều người cho rằng sẽ quá sức với học sinh... Theo đó, trước khi kiểm tra, học sinh đã được giáo viên hướng dẫn nhận biết yêu cầu của kiểu bài nghị luận xã hội về một vấn đề xã hội. Các bạn cũng đã được học cách vận dụng các thao tác lập luận trong bài viết sao cho phù hợp với thời gian yêu cầu.
Bên cạnh đó, học sinh còn được học cách diễn đạt ngắn gọn, trình bày rõ ràng, có lý lẽ và dẫn chứng phù hợp". Tôi ủng hộ cách dạy cho học sinh dựa vào kiến thức bày tỏ về một vấn đề, cả văn chương và đời sống.
Nó khiến các cháu trưởng thành, tự lực, chứ không thuộc lòng kiểu chép lại ý kiến thầy cô hay sách giáo khoa. Nó khiến các cháu trưởng thành hơn, bộc lộ cá nhân rõ hơn, thực học hơn.
Và quan trọng, giúp các cháu nhìn rõ hiện tượng... phông bạt.
Bởi quả là, ngoài xã hội hiện nay, người ta xài phông bạt khá nhiều.
Mở rộng ra, đấy còn là cái bệnh hình thức, lòe loẹt, không thực chất.
Thời may, Tổng bí thư Tô Lâm vừa nói về vấn đề lãng phí, hay chính xác là ông tuyên chiến với lãng phí.
Một lãnh đạo một tỉnh vừa nói với tôi, dự cái đại hội của một hội nọ mà xót ruột vì... lẵng hoa nhiều quá. Lúc ấy phải thuê xe chở hoa về trụ sở, mấy hôm sau lại phải kêu xe rác tới chở đi.
Chả nói đâu xa, ngay ngày nhà báo, ngày của những người làm nghề viết và làm báo, có cả người viết bài này, nhiều tòa soạn, hoa rải từ phòng tổng biên tập ra tận đường, hàng trăm lẵng hoa, thậm chí hơn.
Rồi trang trí lễ lạt, các cuộc họp, các kỷ niệm, nhất là năm chẵn...
Rồi ngoài đường đỏ lòe đỏ loẹt pano khẩu hiệu cờ phướn... vừa rối mắt vừa ảnh hưởng giao thông.
Tới mức đi xem bóng chuyền mà trên bàn la liệt biển tên lãnh đạo, đúng cả tiêu chuẩn màu như trong cuộc họp. Mà ngay họp cũng có những cuộc không cần biển tên như thế.
Rồi trồng cây, toàn cây to uỳnh, cái xẻng thì cán được quấn giấy xanh đỏ, cái ô doa tưới cây thì bé tẹo, nước phun như sương xuống cái gốc cổ thụ...
Rồi các lễ khởi công, khánh thành, lễ động thổ, cắt băng, một số cuộc triển lãm bằng tiền ngân sách chỉ có người hôm khai mạc (đa phần là bộ đội và học sinh được huy động, xếp hàng vào dự), chả bù cho các triển lãm nghệ thuật cá nhân, tiền liền khúc ruột, họ tự tổ chức, rất đông người xem và bán được tác phẩm để... bù lỗ.
Vân vân...
Và, nói cho cùng, đấy cũng là... phông bạt.
Chúng ta đã quá quen với bệnh hình thức, với lãng phí, tới mức thấy nó là bình thường, nó đương nhiên là thế. Nên giờ cho các cháu nhận diện nó qua cái sự bàn về phông bạt, hiểu về phông bạt, thiết nghĩ, cũng không phải là việc bất bình thường.
Trở lại với cái đề kiểm tra "phông bạt", trả lời báo chí, cô hiệu trưởng trường ấy cho rằng: "Các tiết học trên giúp học sinh nhận thức đúng vấn đề xã hội, thể hiện được nhận thức, lập trường của người viết trước các biểu hiện đúng sai và có cái nhìn khách quan, hướng tới những điều tốt đẹp".
Tôi thấy như thế là thỏa đáng, là đúng nghĩa giáo dục khai phóng. Chúng ta phải cần cả một thế hệ để tuyên chiến với lãng phí.
Cứ nhìn các đoàn nhà nước sang thăm các nước giàu tới rất giàu, cái phòng họp, phòng tiếp khách của họ như thế nào là đủ biết. Có hồi có cái ảnh mấy ông bà nguyên thủ các nước lớn ngồi với nhau trong một căn phòng không phông bạt, bàn ghế hết sức giản dị, thậm chí có người bảo như họ đang ngồi... trà đá vỉa hè, và họ đang bàn chuyện liên quan... nhân loại đấy ạ, một quyết định của họ liên quan cả thế giới đấy.
Hôm qua có báo đăng, kèm ảnh, "Cô gái miền Tây được mẹ tặng 1.050 lượng vàng, 9,9 tỉ đồng làm của hồi môn", và trong ảnh, người cô như dát vàng, trông rất thương. Chuyện cha mẹ cho con thì chả nói làm gì, quyền của họ, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ cho cháu công khai một ít tượng trưng, còn lại thì chuyển cho chúng sau.
Bởi trước đấy, cũng vì... phông bạt mà nhiều đám cưới, bố mẹ, bà con họ hàng hai bên ào ào lên tặng vàng, tiền cho cô dâu chú rể, trĩu tay trĩu cổ, nhưng... tối là đòi lại.
Té ra họ tặng để... chụp ảnh. Bạn tôi từng là thợ ảnh chụp và quay phim đám cưới nhiều, anh bảo chuyện này gặp hoài...
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.