Vào tháng 9 năm 2019, cả nước chấn động vì vụ người anh thảm sát cả gia đình người em. Hậu quả, 4 người chết, 1 người trọng thương. Nguyên nhân chính dẫn đến vụ việc trên là do mâu thuẫn trong gia đình, tranh chấp về kinh tế, đất đai.
Bản thân hung thủ, là một người bình thường, sống với mọi người không có điều tiếng gì, nhưng lại nhẫn tâm sát hại cả gia đình em trai. Sự thật là nỗi kinh khiếp trong xóm làng, và xã hội.
Mới đây nhất, tháng 6 năm 2024, vụ một người đàn ông sát hại gia đình người thân, làm hai vợ chồng chết, hai cháu nhỏ bị thương nặng. Nguyên nhân cũng từ mâu thuẫn trong gia đình, dù đối tượng không mâu thuẫn trực tiếp.
Và vài ba ngày nay, cộng đồng lại dậy sóng về vụ đầu độc Xyanua. Người bị đầu độc được cấp cứu kịp thời, may mắn thoát chết. Một người phụ nữ đã thừa nhận giết hại chồng và hai cháu ruột bằng Xyanua, từ tháng 10/2023 đến 6/2024. Điều gì đã khiến một người sẵn sàng ra tay đầu độc 4 nạn nhân? Vẫn là do mâu thuẫn với người thân trong gia đình.
Hằng ngày, trong cuộc sống của chúng ta, nhìn một cách tổng thể toàn xã hội, thì có vô số sự vụ mâu thuẫn giữa người thân trong gia đình. Nhưng để những sự mâu thuẫn đó dẫn đến những vụ “thảm sát” kinh hoàng, dù không hiếm, thì cũng là chuyện hi hữu. Tuy hằng năm, đâu đó ta vẫn nghe tin về một vài vụ nào đó.
Nếu vào google gõ về án mạng, thì có vô số thông tin, và nhiều trong số đó, khi đọc, khiến ta phải lạnh gáy.
Có những nguyên nhân không đâu vào đâu, chỉ là vì lòng căm giận được nuôi dưỡng lâu ngày, hình thành nên nỗi ám ảnh, rồi khi “điều kiện chín muồi”, hung thủ ra tay. Rồi xã hội lại “không tin vào mắt mình”, vì câu chuyện ghê rợn như vậy. Nhưng thật ra, nếu mâu thuẫn đó được khéo léo giải quyết sớm, thì chắc chắn không xảy ra tình trạng như vậy.
Con người, xét đến cùng, đều có yếu tố tốt và xấu, cùng ngự trị. Nhưng vấn đề nằm ở sự nuôi dưỡng đó. Nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng căm hận, thì sớm hay muộn, rất dễ gây ra hậu quả khôn lường. Nếu chúng ta nuôi dưỡng lòng từ bi, sự yêu thương, thì chắc chắn sẽ không gây nên hậu quả.
Nhiều người thường trách đối tượng gây ra vụ thảm sát là bất nhân, mất nhân tính, mất tình người, nhưng xét cho kỹ, nếu không có nhân thì sao có quả. Nếu đã nói là mâu thuẫn, thì nạn nhân ít nhiều cũng là người có trách nhiệm. Nếu đặt một giả thiết, rằng nạn nhân có sự nhượng bộ từ trước, thì sự vụ có xảy ra như thế hay không?
Dẫu chuyện mâu thuẫn gia đình, và việc dẫn đến hậu quả sát hại người thân, là chuyện riêng của một gia đình, một đại gia đình nào đó. Nhưng nhìn rộng ra bức tranh toàn cảnh xã hội, thì xuất phát điểm có liên đới đến bối cảnh xã hội, văn hóa xã hội.
Đời sống xã hội ngày nay, ngoài mặt tích cực là mang lại những hàng hóa đa dạng, những sản phẩm phong phú, con người có cơ hội để được sống và làm những gì mình muốn, trong khuôn khổ pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, là sự phân hóa giàu nghèo, là sự đề cao thái quá nhu cầu vật chất, lợi ích đóng vai trò cốt tủy trong mọi mối quan hệ xã hội.
Khi sống trong một đời sống xã hội mà sự tương tác qua lại giữa người và người ít đi, ai cũng lao vào những nhu cầu cá nhân, coi trọng vật chất hơn tình người, thì thật khó để không có sự vụ này sự vụ kia trong cuộc sống. Ở đây, ta muốn nói về vấn đề vai trò của đời sống tinh thần của xã hội.
Tôi vẫn còn nhớ, một thời gian cách đây không xa, chỉ vài mươi năm thôi, làng quê tôi tuy nghèo, nhưng mọi người sống rất yêu thương lẫn nhau, biết quan tâm hỏi han nhau. Nếu trong cuộc sống cá nhân gia đình của một ai đó có vấn đề gì đó, không thuận ý nhau, thì bà con trong làng hỏi han, góp ý, khuyên nhủ nhau. Nhưng ngày nay thì đời sống đã khác, nhiều người giàu hơn lên, nhưng lại có những mâu thuẫn “không thể nào hóa giải nổi”.
Cùng một thực thể là một ngôi làng đó, nhưng vào thời điểm khác nhau, bối cảnh môi trường xã hội khác nhau, đời sống tinh thần xã hội khác nhau, thì con người không còn như trước nữa. Con người ngày nay sống toan tính hơn, mưu lợi cá nhân nhiều hơn, lòng tham sở hữu cá nhân cao hơn, và đi kèm với đó là ganh đua, đố kỵ nhau cũng lớn hơn.
Khi con người không còn giữ được cho mình một nề nếp văn hóa ứng xử hợp lý hợp tình, lợi người lợi ta, mà chạy đua theo lối sống chỉ biết lợi ích cá nhân, vô tâm vô cảm với xung quanh, thì hệ lụy mà lối sống đó mang lại cũng đáng sợ vậy.
Dù tình trạng những sự vụ thảm sát trên kia là đáng lên án, thì nhìn lại đời sống tinh thần của xã hội hiện nay, cũng thật đáng lo. Khi rất nhiều người trong chúng ta chạy đua với những nhu cầu cá nhân, lợi ích cá nhân, người với người gặp nhau không nở một nụ cười, lòng thân ái bao dung bị nhấn chìm bởi vô vàn lo toan vặt vãnh, đề cao thái quá lối sống hưởng thụ cá nhân, sống chỉ vì bản thân, thì sao không đáng lo được?
Nếu trong cuộc sống này, ai cũng biết bao dung và sẻ chia, thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao?
Đương nhiên, khi đời sống tinh thần của xã hội nói chung, sống trong sự trong lành của tình hòa ái, thì chắc chắn những người có động cơ “giết người” kia, có thể dừng lại. Và hiển nhiên, ta sẽ không nghe thông tin kinh hoàng về những sự vụ đó. Bởi, mọi cá nhân, xét cho cùng đều là thành viên của xã hội, hiện tượng mang tính cá nhân, phần nào phản ánh đời sống xã hội vậy!...
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.