Hân hoan câu "Giáng sinh an lành"
Nhìn lịch mỗi năm, chẳng có tháng nào không có dăm bảy, thậm chí cả chục ngày kỉ niệm. Có người chép miệng "Ôi dào, ngày nào chẳng như ngày nào. Vẽ vượn, vẽ hươu, phú quý sinh lễ nghĩa, bày ra lắm ngày tổ mệt"… Riêng tôi thì lại nghĩ rằng, ta đặt ra các "Ngày" viết hoa ắt phải khác với các ngày viết thường. Và "Ngày" là cái cớ để nhắc nhớ ta về một điều gì đó có ý nghĩa trong cuộc đời này. Nếu như tất thảy sự vật, sự việc, con người trên thế gian đều có lịch sử, nguồn gốc, thì "Ngày" là sự đánh dấu nguồn gốc ấy. Bởi vậy, ngày nọ, ngày kia mang ý nghĩa hay vô nghĩa, quan trọng hay bình thường… tất cả là xuất phát từ ý niệm của mỗi chúng ta. Nên có những ngày, với người này thì vô nghĩa song với người khác nó có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, lớn lao. Một năm có biết bao nhiêu ngày chung - riêng. Có những ngày cất giấu kỉ niệm của riêng bạn nhưng lại có những ngày là sự hội tụ, kết nối chung của hơn 8 tỉ người trên Trái đất.
Một người bạn tôi đang sinh sống và làm việc ở bên kia nửa vòng Trái đất chia sẻ rằng, mỗi khi đến tháng cuối cùng của năm là anh ấy lại chỉ muốn về nhà. Tôi hỏi, ở bên đó, không khí lễ hội ngập tràn, tại sao lại muốn trở về? Anh bạn bảo: "Vui đâu cũng chẳng bằng không khí ấm êm gia đình. Một năm 12 tháng, bươn bả khắp nơi nên khi năm tận tháng cùng, bước chân chùng xuống, lại muốn trở về. Trở về để nạp yêu thương, tăng cường năng lượng".
Dường như trong thế giới phẳng, mọi ranh giới đều chỉ mang ý nghĩa tương đối, nên sự riêng - chung luôn có sự hòa đồng. Lễ Giáng sinh là một ví dụ. Vốn dĩ, đây là một ngày lễ mang ý nghĩa tôn giáo đối với người theo đạo Thiên Chúa. Trước đây ở Việt Nam, ngày này thường chỉ giới hạn trong cộng đồng những người theo đạo Thiên Chúa. Nhưng ngày nay, Giáng sinh đã trở thành một lễ hội phổ biến và được đông đảo người dân hưởng ứng, đặc biệt là giới trẻ. Và dần dần, như một lẽ tự nhiên, khoảng thời gian cuối tháng 11, đầu tháng 12, nếu ta ngang qua phố, các trung tâm thương mại, nhà hàng, điểm vui chơi công cộng không thấy đặt cây thông Noel là có cảm giác trống vắng, thiêu thiếu. Giờ đây, không khí Giáng sinh chẳng còn "khu biệt" trong cộng đồng người theo đạo Thiên chúa mà lan ra cả cộng đồng. Người không theo đạo vui cùng người theo đạo, nhiệt thành hòa vào không khí tưng bừng của lễ Giáng sinh. Điều này chẳng phải là sự biểu hiện của tinh thần thiện lành, hòa hợp hay sao?
Có lẽ vậy mà bấy lâu nay, như một lan tỏa tự nhiên, câu "Giáng sinh an lành" chẳng còn là lời chúc riêng của những người theo đạo Thiên chúa, mà trở thành câu nói phổ biến của mọi người dành cho nhau, gửi đến nhau. Lễ Giáng sinh không chỉ là dịp để cộng đồng Thiên Chúa giáo kỷ niệm ngày Chúa Jesus ra đời, mà còn là cơ hội để tất cả mọi người, bất kể tôn giáo, tận hưởng không khí lễ hội, đoàn tụ, chia sẻ và yêu thương.
Một năm 12 tháng, ấm áp tháng 12
Còn nhớ, lần đầu khi biết đến Ngày Quốc tế Ôm tự do (4/12), tôi cười tự hỏi "ngày gì mà lạ thế". Nhưng khi hiểu rằng, ngày này xuất phát từ một phong trào toàn cầu, với mục tiêu lan tỏa yêu thương và sự gắn kết cộng đồng thông qua những cái ôm, không phân biệt giới tính, tuổi tác hay quốc tịch, thì tôi thấy ý nghĩa của nó nhân văn làm sao. Trên thế giới, đây là dịp khuyến khích mọi người trao nhau những cái ôm chân thành, mang lại sự ấm áp và hạnh phúc, giảm căng thẳng, thúc đẩy sức khỏe tinh thần, lan tỏa sự tích cực và gắn kết cộng đồng. Liền kề Ngày quốc tế Ôm tự do, Ngày Tình nguyện viên Quốc tế (5/12) là dịp để tôn vinh những người tình nguyện trên khắp thế giới vì những đóng góp và hy sinh thầm lặng của họ. Đây là thời điểm để xã hội nhận thấy vai trò quan trọng của tình nguyện viên trong việc giải quyết các vấn đề cộng đồng, khuyến khích mọi người tham gia các hoạt động tình nguyện, lan tỏa giá trị của sự chia sẻ và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.
Trong một lần, khi tôi tranh luận với con gái về tự do, quyền con người, lúc "đuối lý", cô bé viện dẫn: "Thế giới có hẳn 1 ngày (Ngày Nhân quyền Quốc tế 10/12, đánh dấu sự kiện Liên hợp quốc thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền vào năm 1948) để tôn vinh và bảo vệ các quyền cơ bản của con người như tự do, bình đẳng, quyền được giáo dục và làm việc. Đây là dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của quyền con người. Thế nên, để thể hiện tinh thần ủng hộ ngày này, mẹ nên "chấp thuận" đề nghị của con, coi như mẹ là người tiên phong của "tinh thần nhân quyền" của con gái". Với "lý lẽ" ấy của cô bé, tất nhiên, tôi chẳng thể chối từ con.
Chúng ta, bình thường không nhiều người quan tâm đến Ngày Quốc tế Đoàn kết Nhân loại (20/12). Nhưng với các cá nhân và quốc gia đang còn phải gánh chịu sự phân biệt đối xử, bất công, phi nghĩa thì mới thấy giá trị to lớn của ngày này. Bởi lẽ, đây sẽ là dịp nhắc nhở nhân loại về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa các quốc gia, các dân tộc trên thế giới; kêu gọi mọi cá nhân, cộng đồng, quốc gia, vùng lãnh thổ cùng chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, thịnh vượng.
Kiểm lại tháng 12, cả trên thế giới và Việt Nam, còn có bao nhiêu ngày được lấy làm ngày đặc biệt. Thế nên, mỗi ngày trôi qua đều là những ngày ghi nhớ, ngày tuyệt vời tạo nên bức tranh cuộc sống muôn màu.
Mọi thứ được sinh ra và tồn tại đều có ý nghĩa, sứ mệnh riêng của mình. Chạm cửa tháng 12, nếu một năm không như ý thì đây là thời điểm để ta đóng lại những ưu phiền, khép lại những điều chưa trọn vẹn, hướng về tương lai. Như tác giả Hoàng Như Phượng viết: "Tháng mười hai như câu thơ khép lại/Chuỗi mạch dài mê mải chảy trong tim/Cả một năm ta mải miết kiếm tìm/Để kết lại một niềm vui viên mãn".
Noel cận kề, tất niên đang đến, cuộc sống muôn màu, biết bao niềm vui, sự bí ẩn mà ta ta chưa khám phá. Hãy cứ miệt mài yêu, hăm hở sống và say cùng đam mê, bởi "Một năm mới gần chạm tay rồi nhỉ/Noel kìa đêm trắng đón Chúa sinh/Hưởng đêm say với khúc hát trao tình/Lời em hứa chúng mình bên nhau mãi. (Chào tháng 12 - Châu Lê).
Theo phunuvietnam.vn