Hôm qua, ngân hàng ACB ra thông cáo, bác tin đồn một lãnh đạo cấp cao của ngân hàng này đánh bạc, chuyển ra nước ngoài hàng chục triệu đô. Tin đồn này nghe nói phát ra từ một cuộc livestream nào đó.
Trước đó vài hôm, một loạt tin đồn nữa là có người thu nhập rất cao nhờ "nghề" mới, là đi săn đèn đỏ, chính xác là đi săn người vi phạm giao thông, rồi báo với cơ quan chức năng để... nhận thưởng. Tin đồn còn nói rõ, có người được nhận tới 50 triệu đồng sau một ngày báo tin vi phạm.
Cơ quan chức năng, ngay lập tức phải ra thông báo, rằng đấy là tin fake, và ai lan truyền sẽ bị xử phạt.
Rằng có chủ trương ấy thật, nhưng chưa thực hiện. Rằng Nghị định 176/2024/NĐ-CP của Chính phủ cho phép Bộ Công an chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, mức chi cho nội dung này không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 5 triệu đồng/vụ việc. Cục CSGT hiện mới đang xây dựng quy định cụ thể để hướng dẫn chi trả cho người cung cấp thông tin vi phạm và tiêu chí trả cho từng nội dung chứ chưa phải đã thực hiện ngay từ ngày 1/1/2025, là ngày nghị định 176 có hiệu lực.
Và từ tin đồn ấy, một loạt ảnh, cả thật và chế, những người lăm lăm máy ảnh, điện thoại trên tay, chực ở các ngã tư, để... thu thập bằng chứng nhận thưởng.
Rất nhiều chuyện bi hài đã xảy ra.
Thực ra thì những tin đồn này không phải không có lý, khi mà, quả là, nếu thật mỗi lần phát hiện sẽ được nhận thưởng. Nó cũng như đã từng có những trường hợp oái oăm khi trên đường hẹp có vạch liền nhưng một ông ô tô cứ bò với tốc độ 40-50km/h, khiến dân tình nghi ngờ đấy là xe... mồi, cố tình chạy như thế, rằng nếu vượt sẽ ăn phạt.
Thế nên việc thận trọng để có những quy định cụ thể cho việc chi trả thông tin là cần thiết, làm sao để nó hài hòa, nó không khơi gợi tính xấu của con người phát triển, hay có điều kiện bộc lộ, kiểu như rình mò nhau, bẫy nhau phạm luật để mình lĩnh thưởng. Nó làm sao phải để cho ai cũng phải tâm phục khẩu phục, phải biết sợ luật chứ không phải sợ cảnh sát như lâu nay. Lâu nay cứ chỗ nào có cảnh sát thì giao thông trật tự, còn không có thì hỗn loạn ngay. Thế tức là hoàn toàn đối phó với cảnh sát chứ không phải tuân thủ luật.
Các việc khác cũng tương tự như thế.
Thêm nữa, bây giờ là thời đại công nghệ phát triển. Camera an ninh, camera cá nhân nhà dân và cả trên ô tô rất nhiều nên chuyện "chuyên nghiệp hóa" việc ghi hình người vi phạm để nhận thưởng nó rất là hãn hữu, chỉ những nơi nào vắng vẻ hay... mất điện.
Rồi với mức phạt rất cao như thế, những người tham gia giao thông cũng phải biết tự bảo vệ mình. Một là không phạm luật, hay nói chính xác là không cố tình phạm luật, còn nếu lỡ sơ suất phạm luật thì phải chịu. Và hai nữa, họ cũng phải tự bảo bệ mình bằng cách, ví dụ ô tô cá nhân, đa phần đều gắn camera hành trình, có gì sẽ mang ra đối chiếu, để tự bảo vệ mình.
Thế nên cái tin đồn có người "làm giàu" từ việc săn ảnh, clip người vi phạm nó rất ấu trĩ và mù mờ, nhưng cũng khiến khá đông người tin.
Thậm chí để thuyết phục thêm tin đồn, hàng loạt ảnh chế đã xuất hiện, kiểu như hàng chục người lăm lăm máy ảnh chọn vị trí thuận tiện ở các ngã tư, những người hóa trang trong những cái thùng vân vân, hài hước và buồn cười. Bản thân tôi, cũng có anh bạn ghép cho quả ảnh đang... săn ảnh như thế, gửi cho với mục đích trêu nhau, nhưng nếu muốn hiểu là đang... tác nghiệp cũng không khác nhau lắm.
Nhưng quả là, với phạt cao, nghiêm khắc như hiện nay, từng người tham gia giao thông sẽ phải tự điều chỉnh ý thức của mình, để trở thành người tham gia giao thông thông minh, có văn hóa, tránh để phải... móc ví vì những sai phạm của mình. Sẽ phải bỏ nhiều thói quen, như xe máy leo lề, vượt đèn đỏ, xe ô tô lấn làn, chạy quá tốc độ...
Riêng tôi, mấy hôm nay cứ có thời gian rỗi là lại ngồi... học lại lý thuyết, vì quả là có nhiều ký hiệu rất quen trên đường nhưng té ra mình chưa hiểu nó một cách cụ thể. Hiểu mù mờ cũng rất dễ khiến mình phạm luật, mà phạm luật thì... đau ví.
À nhưng đang nói chuyện tin đồn. Hôm kia một vụ đánh ghen ở Cần Thơ. Người đánh ghen sau đấy thú nhận là chả có chứng cứ gì cả, cứ hô lên thế khi bắt gặp chồng chở đồng nghiệp đi lúc nửa đêm. Hô lên đã có chứng cứ cô này quan hệ với chồng mình 5 lần rồi, và khá đông người chứng kiến lúc ấy đã livestream hoặc đưa tin lên mạng xã hội, bênh vực chị vợ này và lên án cô "tiểu tam" kia. Khi được "bế" về đồn, chị vợ khai lại như thế thì những người livestream hoặc đưa tin bắt đầu... run. Cơ quan chức năng như thường lệ, lại vào cuộc điều tra những người đưa tin kiểu tin đồn.
Tất nhiên có người bảo không có lửa thì sao có khói. Khói ở đây chính là, nửa đêm chở một cô gái trên xe thay vì giờ ấy thì đang phải ở nhà với vợ con.
Tin đồn chả phải bây giờ mới có, nó có từ ngàn xưa, nhưng giờ chúng ta đang sống trong thời đại văn minh và thông minh, nên trước khi tin tin đồn thì nên check lại tin đồn, cho nó yên tâm rồi mới... đồn cũng chưa muộn. Tất nhiên dẫu là đồn đúng thì cũng vẫn nên thận trọng để cho nó thật đúng...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.