Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Từ chuyện xếp hàng

Từ chuyện xếp hàng
Thực ra thì, từ chuyện xếp hàng tới qua đường tới nhường nhịn nhau... nó đều phải được giáo dục từ nhỏ.

Trong cuốn sách mới xuất bản của mình, cuốn “Tật xấu của người Việt” vừa xuất bản và đang bán rất chạy của nhà văn nổi tiếng Di Li, chị có kể câu chuyện về... tôi.

Ấy là một lần tôi xếp hàng làm thủ tục để lên máy bay. Ngày cận tết hay lễ gì đấy, rất đông, cái sân bay Tân Sơn Nhất lô nhô đầu người, như biển Sầm Sơn ngày hè. Tôi và rất nhiều người lặng lẽ xếp hàng, nhưng thi thoảng vẫn có ông/ bà người Việt chen ngang.

Họ có hẳn “kế hoạch” chen ngang như giả vờ cầm nói chuyện rồi điềm nhiên nhấc dây chui qua, hoặc cũng vừa điện thoại vừa lướt qua dòng người xếp hàng. Có một cô gái rất trẻ chui qua dây bị một bác lớn tuổi nhắc, cô ấy quắc mắt mắng lại... vân vân.

Trước mặt tôi là một người đàn bà nước ngoài và một em nhỏ khoảng 5-6 tuổi, chắc là hai mẹ con với tới ba bốn cái va li rất to. Hai mẹ con cứ nhích từng bước theo dòng người, người con phụ trách một va li nhỏ, mẹ mấy cái lớn.

Cháu bé vô tình đụng vào tôi, tôi cúi nhìn cháu, cháu sorry rối rít, tôi phải cười và nói với cháu là không sao đâu (No problem) bằng thứ tiếng Anh bồi nhưng cứ áy náy cái sự sấn sổ chen ngang của một số khách Việt trước mẹ con người nước ngoài này.

Khi tới chỗ làm thủ tục, hai cô nhân viên xem hộ chiếu rồi hốt hoảng nói với nhau: Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Sri Lanka. Vâng, bà ấy là nữ đại sứ Hasanthi Dissanayake. Họ xin lỗi bà và một cô đi lãnh đạo. Tôi cũng không hiểu sao bà không vào bằng cửa VIP mà lại đi cửa dân thường, hay là để cố tình hiểu cách dân Việt Nam... tôn trọng nhau từ cách xếp hàng như thế nào?

Vui nhất là tối ấy, tôi thấy bà xuất hiện trên VTV trong một sự kiện cấp quốc gia có thủ tướng dự, và có viết lại chuyện này trên . Sau đó, nhà văn Di Li, trong một cuộc gặp gỡ khác với bà đã cho bà đọc câu chuyện mà tôi viết. 

Rồi khi viết cuốn sách vừa kể, chị nhắc lại chuyện này, tất nhiên xin nhắc lại, cuốn sách của chị là “tật xấu người Việt” tức chị lên tiếng về những tật xấu của đồng bào mình.

Di Li có lẽ là nhà văn Việt Nam đi nước ngoài nhiều nhất, và từ những chuyến đi ấy, chị có cái nhìn ngược lại trong nước, như một kiểu “ánh xạ” để so sánh, suy ngẫm.

Mà thực ra nhé, dân ta không phải là không biết xếp hàng là gì. Thời bao cấp ở miền Bắc, bất cứ mua cái gì cũng phải xếp hàng (xếp sổ), nó là cái nếp tưởng đã quen rồi, tất nhiên với sự “láu cá” của người Việt, thời xếp hàng ấy cũng khối chuyện vui, như xếp hàng bằng... gạch, bằng rổ rá... nếu đi mua thực phẩm. Còn phải đi lấy nước (các khu tập thể nước chảy rất yếu, phải đợi khuya mới đi lấy, và cũng phải xếp hàng, người ta “cử” thùng xô chậu ra xếp hàng. Còn xếp sổ, thi thoảng có ông bà khôn vặt lại giả vờ kiểm tra rồi hoặc là lật cả xấp sổ lại, hoặc rút của mình ra đút xuống dưới... tất nhiên là lại cãi nhau ầm ĩ.

Giờ vào sân bay chẳng hạn, là nơi những người cũng phải “có điều kiện” một tí mới vào, thì thấy cái sự láu cá, khôn vặt và vô tổ chức, hay như bạn bè tôi hay nói vui, nó tranh tre nứa lá, nó rị mọ bùn đất đến như thế nào?

Người ta điềm nhiên chen ngang đã đành, còn điềm nhiên chiếm tới mấy ghế để... ngủ giữa lúc khách rất đông. Lại còn ngồi cả vào ghế dành cho người tàn tật, bất chấp.

Nhớ có lần sang Đài Loan (Trung Quốc) đang đi bộ tới cái tháp nổi tiếng thế giới là tháp Taipei 101, tự nhiên thấy phía trước rất đông người. Nghĩ, chắc lại có biểu tình. Ở các nước tư bản biểu tình là bình thường, hồi này đang xảy ra vụ Fomosa ở Việt Nam, hay là dân Đài biểu tình giùm người Việt. Bon chân tới thì té ra họ xếp hàng để... qua đường. Tới đúng vạch qua đường mới qua đường, và thời gian đèn xanh đèn đỏ ở Đài Loan khá dài, nên những người đi xe, nhất là xe máy, luôn có cuốn sách dắt ở xe, dừng đèn đỏ là đọc, không để thời gian chết.

Ở đây, các ngã tư ngã sáu với vạch kẻ đường rõ ràng được mọi người chấp hành tăm tắp. Có lúc tất cả các hướng dừng, chỉ một hướng di chuyển, và có lúc tất cả các hướng xe cộ đều dừng chỉ để người đi bộ đi chéo qua nút giao, chỉ khi nào có đèn xanh thì mới qua, hàng một và rất nhanh. Tác phong đi bộ quen khiến bước của họ dài, rất đẹp, nhất là các cô gái.

Tới tháp Taipei 101 còn vui nữa. Rất đông người trên thế giới tới mua vé để lên, xếp hàng dài qua tới mấy ngã tư. Nhưng cái cửa bên cạnh, sát cái dòng người xếp hàng dằng dặc ấy, dành cho người tàn tật, lặng như tờ, không một ai bước qua. Tôi hình dung, nếu mà ở Việt Nam nhỉ?

Đi tàu điện ở nước ngoài cũng thế, luôn luôn có ghế cho người tàn tật, và hầu như không ai ngồi vào, ghế cứ để không đấy nếu không có người “đúng tiêu chuẩn”, còn mọi người chỉ đứng. Và khi lên thang cuốn, không ai bảo ai, tất cả đều đứng nép về bên phải, chừa khoảng trống bên trái cho những người vội, bước trên thang cuốn cho nhanh.

Về xếp hàng, họ tự giác kiểu như cứ có 3 người trở lên là tự động đứng thành hàng dọc.

Nhiều lần tôi đã kể, nhà tôi ở trên một con đường đôi có dải phân cách cứng. Cách cái ngõ nhà tôi khoảng năm chục mét có chỗ qua đường kẻ vạch trắng. Nhưng đa phần là mọi người trèo qua dải phân cách để qua đường, kể cả một số cảnh sát bảo vệ đơn vị ở bên này phải sang bên kia đổi gác.

Còn tôi, kẻ luôn tuân thủ luật, đi bộ lên đúng chỗ sang đường thì đa phần rất khó sang đường, vì lại cũng đa phần người lái ô tô và xe máy, có vẻ như không thèm biết cái vạch trắng kia là để làm gì, họ không hề giảm tốc độ, cứ thế phóng lấy được.

Tôi hay ra bệnh viện lấy thuốc định kỳ, hai chỗ hay lộn xộn nhất là nộp viện phí và lấy thuốc. Dù bệnh viện đã có ghế cho người chờ, nhưng đa phần là, xếp giấy vào xong là... ôm luôn cái cửa ấy dù nhân viên liên tục mời ra ghế ngồi, tới tên sẽ gọi, có loa gọi rất rõ ràng, nhưng cứ như cái cửa bé tí ấy là tài sản của họ, là đất đai nhà cửa của họ, họ kiên trì... bám cửa, và khi nhiều người bám nó thành một đám đông lộn xộn, khiến những người được gọi tên rất khó khăn để chen vào.

Thực ra thì, từ chuyện xếp hàng tới qua đường tới nhường nhịn nhau... nó đều phải được giáo dục từ nhỏ. Có vẻ như chúng ta quên, hoặc rất lớt phớt chuyện này. Cứ nhìn phụ huynh, đa phần là trẻ, chở con đi học mà xem. Chen nhau từng tí và sự nhường nhịn nhau nó rất là hiếm. Tôi nói điều này là bởi từ thực tế, trước cửa nhà tôi là một cái trường mẫu giáo, ngày hai lần tôi chứng kiến. Tất nhiên không phải ai cũng thế, nhưng nhiều chuyện rất ất ơ vẫn hàng ngày xảy ra...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.36894 sec| 645.266 kb