Mới đây, nhà báo Lưu Quang Phổ có đưa lên trang Facebook cá nhân một bức ảnh mà anh chụp cây xăng ở Trần Quang Khải vào tháng 2/2003 – cách đây 20 năm. Trong ảnh là những hàng dài chen chúc, lộn xộn chờ đến lượt đổ xăng.
Mấy hôm nay, nhiều báo đài đưa tin cảnh nhân dân xếp hàng chờ mua xăng ở nhiều nơi. So với bức ảnh của anh Phổ thì khung cảnh có đôi chút khác biệt, những chiếc xe máy, ô tô cũng khác. Chỉ có con người và cách xếp hàng lộn xộn vẫn không thay đổi. Đọc những bài báo hôm nay, lại bắt gặp bức ảnh của anh Phổ, bất giác, tôi nghĩ đến mấy câu thơ huyền thoại của nhà thơ Trần Ngọc Thụ trong bài “Con đường hàng tỉnh”:
“Ông lão dong trâu đi bừa
Là con ông lão ngày xưa đi cày”
Sau hai mươi năm, sau bao vật đổi sao dời, dường như thời gian đang dừng lại ở những cây xăng khi cách xếp hàng vẫn lộn xộn như cũ, không có gì thay đổi.
Thôi thì xăng thừa, xăng thiếu, giá thấp, giá cao là câu chuyện vĩ mô của Chính phủ, của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương… tôi không lạm bàn; Tôi cũng hiểu những lo toan thường nhật của con người thì thời nào, đời nào, ở đâu cũng giống nhau. Nhưng xếp hàng – một hành vi hết sức bình thường – sau bao đổi thay của thành phố nơi ta sống – vẫn nguyên vẹn như xưa. Điều này khiến tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ.
Con người ta từ lớn tới nhỏ, chưa có một ai không từng phải xếp hàng. Xếp hàng vào lớp khi đi học, xếp hàng khi vào cửa bảo tàng, xếp hàng khi làm thủ tục lên máy bay… Trong thế giới tự nhiên, xếp hàng là một hành vi chủ động, có ý thức, có thể coi như một tín hiệu về sự văn minh của riêng loài người. Từ chỗ lộn xộn mà thành hàng lối. Sinh thời, nhà văn George Mikes từng nói: “Một người Anh, ngay cả khi anh ta đứng một mình, cũng tạo ra được một hàng trật tự”. Thế nên, đôi khi, chỉ qua những hành vi rất nhỏ - như cách xếp hàng – lại là một tín hiệu để qua đó mà nhìn thấy vết dấu văn hóa của cả một cộng đồng.
Chúng ta luôn mơ về những “thành phố đáng sống” – không chỉ là đủ đầy về vật chất, mà còn là nơi tinh thần được thỏa mãn. Hiểu cách khác thì đó là con người văn hóa được sống một đời sống văn hóa trong không gian với đầy đủ các thiết chế văn hóa.
Để đạt được như vậy thì còn rất nhiều điều phải làm.
Cách đây 2 năm, khi Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị đã thảo luận và kết luận nhiều vấn đề, bên cạnh những việc đã làm được thì còn nhiều trăn trở: “Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chưa đạt được mục tiêu đề ra. Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa có những mặt chưa thực sự lành mạnh. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa đạt hiệu quả chưa cao. Tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của một số dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một dần. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa thực hiện tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với thực tiễn sáng tác. Một số chủ trương, quan điểm nêu trong Nghị quyết chậm được thể chế; chưa có những chiến lược, giải pháp đồng bộ để phát triển và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế về văn hóa. Chưa giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển trong quản lý văn hóa. Hệ thống thiết chế văn hóa chậm chuyển đổi sang phương thức tự chủ, xã hội hóa. Việc chỉ đạo phát triển công nghiệp văn hóa còn chậm. Các đặc trưng cơ bản của nền văn hóa là "dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học" cùng quan điểm xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được quán triệt thường xuyên; có dấu hiệu bị buông lỏng trong cả ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội”.
Từ nhiều năm nay, có hai thành phố ở miền Trung được cả nước khen ngợi là nơi “đáng sống”. Du khách thường kể cho nhau nghe chuyện: Đến thành phố Đà Nẵng, lỡ có đi sai đường thì không quá lo lắng về chuyện bị cảnh sát giao thông “đè” ra phạt; Nếu đến thành phố Hội An, du khách không lo chuyện mất cắp, chuyện bắt chẹt về giá, không lo bị “đánh bẫy” khi vào các cơ sở dịch vụ…và còn vô số những câu chuyện khác minh chứng cho tính “đáng sống” của một không gian nơi con người quần tụ, xây dựng nên các thiết chế văn hóa và tạo ra văn hóa mới nhờ chính các thiết chế ấy.
Rõ ràng, một không gian đáng sống nơi có những con người văn hóa không phải là một mơ ước viển vông mà nó đã và đang là sự thực. Người ta đến với Đà Nẵng, Hội An và nhiều thành phố khác không chỉ để trải nghiệm du lịch, mà nó còn để được tận hưởng không khí và cách ứng xử đẹp giữa người với người.
Để tạo ra một không gian đáng sống quả là khó và nhiều việc để làm. Nhưng ta có thể làm được. Chỉ cần bắt đầu từ ý thức mỗi cá nhân riêng lẻ – vì cái chung của cả cộng đồng – ngay cả khi làm những việc nhỏ. Như xếp hàng mua xăng sao cho ngay ngắn chẳng hạn.