Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

5 chính sách sẽ được thể chế hoá vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)

5 chính sách sẽ được thể chế hoá vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
Bộ GD&ĐT đánh giá các chính sách mới trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện, tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Chiều 22/5, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về các chính sách trong dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Theo đó, Bộ GD&ĐT cho biết thực hiện Nghị quyết số 51/NQ-CP, Nghị quyết số 77/2025/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi) (GDNN) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Dự kiến có 5 chính sách sẽ được xây dựng và thể chế hóa vào Luật GDNN (sửa đổi). Cụ thể:

Đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Các nội dung đổi mới bao gồm: Hình thành chương trình trung học nghề trong GDNN, đào tạo tích hợp kiến thức nền tảng của chương trình trung học phổ thông và năng lực nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng; hình thành mạng lưới cơ sở GDNN tinh gọn, hiệu quả, gồm: trường trung học nghề, trường cao đẳng; mở rộng hệ thống cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, bổ sung quy định về quy hoạch phát triển trường cao đẳng là trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao năng lực quản trị của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT đánh giá đây là những đổi mới quan trọng để giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân nhưng vẫn đảm bảo tính liên thông, đào tạo chất lượng và hiệu quả và tinh gọn bộ máy.

5 chính sách sẽ được thể chế hoá vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
Giáo dục nghề nghiệp có vai trò không nhỏ trong đào tạo năng lực nghề cho học sinh.

Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN

Đổi mới chương trình, tổ chức đào tạo và bảo đảm chất lượng GDNN là một trong các chính sách quan trọng trong dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc của hệ GDNN, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế - của đất nước trong giai đoạn mới.

Để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong đào tạo các chương trình của giáo dục nghề nghiệp, Luật GDNN sửa đổi đã nhấn mạnh tới vai trò xuyên suốt của bảo đảm chất lượng thông qua việc xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (IQA) hiệu quả tại các cơ sở GDNN hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong mỗi cơ sở GDNN thông qua cơ chế giám sát nội bộ, cải tiến liên tục và quản lý rủi ro cũng như xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng về cơ chế giám sát và đánh giá chất lượng GDNN thông qua các cơ quan và quy trình bảo đảm chất lượng bên ngoài.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chuẩn và chuẩn hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo với tư cách là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng tối thiểu cơ sở GDNN phải đáp ứng cũng như thiết lập cơ sở pháp lý rõ ràng về định danh, phân loại đội ngũ người dạy trong GDNN.

5 chính sách sẽ được thể chế hoá vào Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi)
Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi kỳ vọng sẽ thay đổi góc nhìn của phụ huynh, học sinh (Ảnh: Hữu Thắng).

Thu hút hiệu quả doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài vào GDNN

Luật GDNN sẽ bổ sung vai trò của doanh nghiệp trong GDNN, các chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc tham gia các hoạt động GDNN cũng như quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.

Cùng với đó là các chính sách về hợp tác quốc tế, đầu tư nước ngoài trong GDNN; chính sách thu hút lao động của doanh nghiệp tham gia giảng dạy các trình độ GDNN mở rộng và tận dụng những lợi thế về nguồn vốn và đội ngũ giảng dạy đến từ doanh nghiệp gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh, dịch vụ.

Đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư dựa trên chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch của cơ sở GDNN.

Các chính sách của Luật tập trung vào minh bạch trong quản lý tài chính, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người học thông qua học phí hợp lý, học bổng và hỗ trợ tài chính. Mục tiêu là xây dựng hệ thống GDNN hiện đại, công khai, công bằng, thúc đẩy phân luồng học sinh hợp lý và phục vụ tốt hơn nhu cầu phát triển bền vững của xã hội.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là đẩy mạnh phân quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu, kết hợp cơ chế "tiền kiểm" và "hậu kiểm", đặc biệt với các ngành nghề đặc thù như y, dược. Bên cạnh đó, chính sách cũng chú trọng đơn giản hóa điều kiện đầu tư, giảm bớt thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi cho GDNN phát triển.

Với hai nội dung chính là phân cấp mạnh mẽ hơn cho các cơ sở đào tạo và tinh gọn quy định pháp lý, chính sách này hứa hẹn mang lại hiệu quả quản lý cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội.

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.54177 sec| 654.859 kb