Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của BERNAMA Roslan Ariffin đã nhấn mạnh BERNAMA và TTXVN với những thế mạnh riêng có thể học hỏi lẫn nhau cùng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế nhiều thách thức như hiện nay.
Theo ông Roslan Ariffin, BERNAMA đang có lợi thế về truyền thông số trong khi TTXVN cũng có tầm ảnh hưởng. Giữa hai cơ quan thông tấn quốc gia đã có Thỏa thuận hợp tác trao đổi thông tin được ký kết hơn 40 năm trước đây vào ngày 8/12/1982 và được làm mới 3 lần vào các 1991, 2015 và tháng 3/2022. Thỏa thuận đã cho phép duy trì dòng chảy tin tức giữa hai quốc gia, cung cấp cho nhân dân hai nước lượng thông tin phong phú để có cái nhìn đúng đắn về sự phát triển của cả hai quốc gia, về các lĩnh vực chính trị, kinh tế hay xã hội.
CEO của BERNAMA cho biết, ngoài việc trao đổi thông tin, BERNAMA đã có phóng viên thường trú tại Hà Nội từ tháng 1/1994 nhưng buộc phải gọi về nước (3/1998) do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Hiện BERNAMA đang cân nhắc việc mở lại cơ quan đại diện tại Hà Nội. Trong khi đó, TTXVN vẫn có văn phòng thường trú tại thủ đô Kuala Lumpur.
Theo ông Ariffin, việc đưa tin và thông tin về mỗi nước, nên được định hướng bởi Tầm nhìn về kết nối ASEAN 2025 nhằm “tạo ra một mạng lưới về con người và cơ sở hạ tầng ở qui mô khu vực để cải thiện môi trường sống, làm việc và du lịch”.
Đề cập cách thức truyền thông hai nước có thể làm để nâng cao sự hiểu biết giữa người dân giữa hai nước, CEO gợi ý 3 điểm, đó là: Học hỏi lẫn nhau; Khuyến khích du lịch; đưa tin đậm nét về cơ hội kinh doanh.
Cụ thể, về việc học hỏi lẫn nhau, ông Ariffin cho rằng điều này có thể làm được thông qua việc cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về chính trị, kinh tế và phát triển xã hội tại mỗi nước thông qua mọi thể loại: tin văn bản, tin ảnh và truyền hình cũng như đồ họa và nền tảng mạng xã hội.
Thứ hai, khuyến khích người dân hai nước đi du lịch tới nước bạn để tự trải nghiệm. Truyền thông nên có các ấn phẩm, sản phẩm truyền hình về văn hóa và những xu hướng du lịch ở mỗi nước với nhiều khía cạnh khác nhau. Những sản phẩm quảng bá về du lịch có thể triển khai trên nền tảng mạng xã hội sẽ dễ dàng tiếp cận và mang lại hiệu quả tốt hơn.
Thứ ba, truyền thông hai nước nên xác định và đưa đậm nét về những cơ hội kinh doanh tại thị trường của nhau. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu của hợp tác kinh tế ASEAN là tạo ra sự ổn định, thịnh vượng và khu vực kinh tế cạnh tranh cao”.
CEO Roslan Ariffin gợi ý trong tương lai gần, BERNAMA và TTXVN nên cân nhắc việc đẩy mạnh trao đổi thông tin thông qua các chương trình và đào tạo chung.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề tin giả, CEO Roslan cho rằng, trên thực tế, tin giả đã trở thành vấn đề lớn của xã hội hiện đại. Malaysia không phải là quốc gia ngoại lệ. Trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang ở giai đoạn đỉnh điểm tại Malaysia, BERNAMA dường như phải liên tục đưa ra những bác bỏ đối với tin giả. BERNAMA đã tiếp cận và giải quyết vấn đề này, đồng thời hợp tác với các hãng thông tấn lớn dưới sự chỉ đạo của Bộ Truyền thông và Đa phương tiện (hiện đổi tên là Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số).
Các phóng viên và biên tập viên của BERNAMA luôn được nhắc nhở phải thận trọng trước tin giả và luôn phải xác định rõ thông tin mà họ nhận được hàng ngày từ các nguồn tin khác nhau trước khi tác nghiệp. Để phù hợp với tình hình, BERNAMA đã thành lập một Đơn vị kiểm tra thông tin có tên gọi “MyCheck Malaysia”, giúp làm rõ nội dung vốn được nghi ngờ là tin giả.
Trong khoảng thời gian từ năm 2020-2022, MyCheck làm rõ 215 thông tin có nội dung gây tranh cãi được chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng, 15 tin trong số đó là liên quan đến COVID-19 và 22 tin liên quan đến chính trị.
BERNAMA đóng vai trò chủ động trong việc đưa tin nhanh về những vấn đề gây tranh cãi, cũng cấp thông tin cần thiết cho độc giả cũng như ngăn chặn việc chia sẻ tin giả.
Đề cập đến những hành động cụ thể trước vấn nạn tin giả, CEO nhấn mạnh, thông qua các bài viết, những chương trình và báo cáo đặc biệt, BERNAMA đã tư vấn về việc sử dụng Internet tích cực, khuyến khích người dân có tránh nhiệm, nhạy cảm và đạo đức hơn trong lĩnh vực không gian mạng.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng sự trao đổi thông tin song phương và đa phương cũng rất cần thiết trong việc giải quyết vấn đề tin giả giữa các nước. Trong khi chúng ta xác định rõ vấn đề tin giả nên xử lý nội bộ của nước đó trước, song điều này không dễ nếu những tổ chức thực hiện tin giả nằm ở nước khác. Do vậy, việc trao đổi thông tin giữa các nước là một kênh hợp tác hữu ích”.
BERNAMA cũng đang hợp tác và có một vài loại hình hợp tác với những tổ chức lớn nhằm giáo dục công chúng để xác định tin giả và ngăn chặn sự lan truyền những thông tin này.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/50-nam-quan-he-viet-nam-malaysia-tiem-nang-hop-tac-giua-hai-co-quan-thong-tan-quoc-gia-20230328071832026.htm