Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Áp dụng tối đa cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản

Áp dụng tối đa cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Chiều 20/6, cho ý kiến về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo áp dụng tối đa các cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Áp dụng tối đa cơ chế thị trường trong hoạt động khai thác khoáng sản
Các đại biểu thảo luận tại tổ 10. Ảnh: QH

Đảm bảo tính thống nhất

Về dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, sau 13 năm thi hành, Luật Khoáng sản 2010 có một số bất cập, một số quy định không còn phù hợp như quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết. Bên cạnh đó, quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn, chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất…  

Một số luật liên quan đến lĩnh vực địa chất khoáng sản đã được sửa đổi như: Luật Đấu giá tài sản, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai… Cần phải rà soát sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tại khoản 4 Điều 4 của dự án Luật Địa chất và khoáng sản về chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản quy định: “Nhà nước dành một phần kinh phí từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản”.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho biết, theo quy định của Luật hiện hành, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Trung ương cấp; 100% cho ngân sách địa phương đối với Giấy phép do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát quy định của dự thảo Luật về tỷ lệ trích kinh phí phù hợp với nguyên tắc nộp các khoản thu về ngân sách trung ương hoặc địa phương. Hoặc có thể sửa lại thành "Nhà nước bố trí ngân sách để tăng cường cho công tác điều tra, đánh giá khoáng sản biển, khoáng sản ẩn sâu, thăm dò khoáng sản".  

Về quy định Chính phủ hướng dẫn thi hành, đại biểu cho rằng có quá nhiều nội dung giao Chính phủ. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại, những nội dung nào cần cụ thể hóa quy định luôn trong dự thảo Luật, hạn chế tối đa việc khi Luật ban hành có hiệu lực rồi phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn.

Quy định hoạt động khai thác cát lòng sông  

Tại Khoản 19 Dự thảo Luật quy định về “Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm đưa khoáng sản ra khỏi nơi thành tạo tự nhiên, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, chế biến khoáng sản và các hoạt động khác có liên quan trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản”, Đại biểu Nguyễn Công Long, Đoàn ĐBQH Đồng Nai đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ cụm từ “chế biến khoáng sản”.

Lý giải về việc này, Đại biểu Nguyễn Công Long, chế biến khoáng sản là công đoạn hoạt động sau khi đã khai thác và được định nghĩa riêng Khoản 20, Điều 3. Trường hợp nếu gộp chung sẽ trùng lặp nội dung tại 2 Khoản 19 và 20 của Dự thảo Luật. Đồng thời, còn mâu thuẫn với điều 4, 5 và 6 quy định thuế tài nguyên xác định trên cơ sở sản lượng tài nguyên, giá tính thuế tài nguyên của Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12, mà sản lượng tài nguyên và giá tính thuế tài nguyên là sản lượng và giá của khoáng sản nguyên khai tại mỏ, đã khai thác nhưng chưa qua chế biến.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung quy định về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến cát biển thay thế cát sông nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng cát biển trong tương lai. Vì hiện nay trữ lượng cát sông chưa đáp ứng được nhu cầu xây dựng và đang gây ảnh hưởng môi trường, biến đổi dòng chảy, sạt lở nhà cửa, đê điều, công trình xây dựng do khai thác lạm dụng.

Cho ý kiến về quy định hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông phải dựa trên nguyên tắc về khả năng bồi hoàn của tự nhiên để phòng chống rủi ro sạt lở lòng bờ, bãi sông và các công trình khác cần được bảo vệ tại điểm c khoản 1 Điều 90, Đại biểu Nguyễn Văn Dương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cho rằng, quy định như dự thảo luật địa phương không thể cấp phép khai thác được vì không có khả năng đánh giá khả năng bồi hoàn của tự nhiên, do phải đánh giá trên cả lưu vực sông.  

Ngoài ra, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đầu thầu trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhằm hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản.

Đại biểu đề xuất tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu thực hiện dự án khoáng sản, trừ khu vực chứa khoáng sản năng lượng, phóng xạ, hạt nhân, khu vực khoáng sản tại vành đai biên giới quốc gia, khu vực chiến lược về quốc phòng, .

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/ap-dung-toi-da-co-che-thi-truong-trong-hoat-dong-khai-thac-khoang-san-20240620195416800.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28623 sec| 646.953 kb