Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn trang web của Chính phủ Luxembourg (gouvernement.lu) cho biết chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Bettel tới Việt Nam được tiến hành theo lời mời của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Tháp tùng người đứng đầu Chính phủ Luxembourg có bộ trưởng và một phái đoàn kinh tế gồm đại diện trong nhiều lĩnh vực như kinh tế số, logistics, năng lượng, môi trường, du lịch, xây dựng bền vững và thông minh. Chuyến thăm được tiến hành nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương và để đáp lại chuyến thăm tới Luxembourg hồi tháng 12/2022 của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nhật báo Luxembourg (tageblatt.lu) cho rằng Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại hấp dẫn toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quốc gia Đông Nam Á trải dài về địa lý đã mở cửa với thế giới theo định hướng cải cách từ cuối những năm 1980 và đã trở thành một nền kinh tế quan trọng không chỉ trong khu vực mà còn đối với toàn cầu. Theo bài báo, về chính sách đối ngoại, Việt Nam muốn có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, trong khi về quan hệ đối ngoại, Việt Nam dựa trên nền tảng độc lập, ủng hộ quan hệ đối tác song phương và chủ nghĩa đa phương.
Do những bất ổn địa chính trị trên thế giới, Việt Nam ngày càng được nhiều công ty phương Tây tìm kiếm làm đối tác mới, trong đó có Luxembourg. Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực năm 2020 đã mang lại nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Luxembourg hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và tài chính. Hiện có nhiều doanh nghiệp Luxembourg đang hoạt động tại Việt Nam như Cargolux, ArcelorMittal, Paul Wurth, SES, Jan de Nul, B Medical Systems, Rotarex, Fallprotec và Solarcleano.
Bài báo cho biết, thương mại hàng hóa giữa Luxembourg và Việt Nam phát triển mạnh trong những năm gần đây, đạt hơn 160 triệu euro (khoảng 179 triệu USD) năm 2022, tăng từ mức 120 triệu euro của năm 2020. Xuất khẩu của Luxembourg sang Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng mạnh. Trong năm năm 2022, Việt Nam chiếm gần 66% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Luxembourg từ các nước ASEAN.
Thương mại dịch vụ cũng tăng trưởng trong những năm gần đây, đạt tổng giá trị 166 triệu euro vào năm 2022. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam thu hút 1,07 tỷ euro từ Luxembourg vào năm 2021, vượt qua Thái Lan (935 triệu euro) và Indonesia (729 triệu euro), đứng thứ hai sau Singapore trong ASEAN. Theo bài viết, các chương trình hợp tác phát triển của Luxembourg tại Việt Nam từ năm 1993 đến năm 2020 tập trung chủ yếu vào hỗ trợ ngành du lịch và khách sạn, cũng như tài chính và ngân hàng. Bài báo nhận định quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ còn được tăng cường hơn nữa trong thời gian tới.
Trong một bài viết khác, tờ Nhật báo Luxembourg cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng Bettel tới Việt Nam, chính phủ hai nước đã ký nhiều thoả thuận hợp tác song phương, bao gồm hợp tác hàng không, gia hạn hiệp định tránh đánh thuế hai lần và hợp tác chống biến đổi khí hậu thông qua các quỹ xanh (hỗ trợ chuyển đổi xanh). Cơ quan Hỗ trợ Phát triển Luxembourg LuxDev sẽ khởi động hai dự án ở Việt Nam có tổng trị giá 2 triệu euro. Với thỏa thuận hợp tác hàng không, hãng hàng không Cargolux của Luxembourg sẽ sớm nhận được giấy phép bay tới Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài Hà Nội.
Bài báo dẫn lời Thủ tướng Bettel bày tỏ lạc quan về khả năng du khách Luxembourg trong tương lai có thể nhập cảnh Việt Nam mà không cần xin thị thực khi Quốc hội Việt Nam xem xét mở rộng chính sách miễn thị thực cho cả Luxembourg vào cuối tháng 5 này. Theo Thủ tướng Bettel, các nước phải hợp tác cùng nhau để có thể đi tới thành công, thay vì "nước này dạy nước khác" hay chỉ một bên thúc đẩy vì lợi ích kinh tế. Thủ tướng Bettel nhấn mạnh rằng, ông cảm nhận được "tinh thần chân thành" và một "nguồn năng lượng tích cực" trong quan hệ giữa Việt Nam và Luxembourg.
Cũng theo bài viết, Việt Nam đã đề nghị Luxembourg hỗ trợ để Ủy ban châu Âu rút lại thẻ vàng IUU đối với thủy sản Việt Nam, quốc gia có 3.000 km dọc bờ biển. Theo bài viết, Thủ tướng Bettel bày tỏ hài lòng về chuyến thăm thực tế ở Việt Nam. Phát biểu với các phóng viên Luxembourg tháp tùng đoàn, Thủ tướng Bettel nói: "Tôi nhận thấy rằng mọi thứ nằm trên giấy tờ sẽ mất nhiều năm nếu không có các chuyến thăm viếng lẫn nhau như thế này". Ông cũng gợi ý tập đoàn VinFast có thể mở chi nhánh ở châu Âu ngay tại Luxembourg, coi đây là cửa ngõ để thâm nhập thị trường châu Âu.
Trước đó, Nhật báo Luxembourg đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Thủ tướng Bettel trước thềm chuyến thăm Việt Nam, trong đó nhà lãnh đạo này nhấn mạnh mục đích trước tiên của chuyến thăm là được thực hiện nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài ra, với hợp tác phát triển, Luxembourg đang hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế, từ một nước đối tác trong viện trợ phát triển giờ đây trở thành một đối tác kinh tế. Theo Thủ tướng Bettel, đại diện 25 công ty Luxembourg tham gia đoàn muốn tới Việt Nam để "mở những cánh cửa" hợp tác, trong đó có lĩnh vực biến đổi khí hậu, do Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tình trạng biến đổi khí hậu.
Báo điện tử của Luxembourg "Virgule" (https://www.virgule.lu) mới đăng bài viết về triển vọng xe điện Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Bài báo cho biết Thủ tướng Xavier Bettel và Bộ trưởng phụ trách doanh nghiệp vừa và nhỏ kiêm Bộ trưởng Du lịch Lex Delles đã tham quan cơ sở rộng lớn của tập đoàn Vinfast và trải nghiệm lái thử các dòng xe điện của hãng.
Ngoài các báo trên, một số trang báo khác của Luxembourg như Today.RTL.lu, diegrenzgaenger.lu,... cũng đưa tin về chuyến thăm này.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/bao-chi-luxembourg-danh-gia-tich-cuc-trien-vong-hop-tac-voi-viet-nam-20230506114438387.htm