Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Bộ Quốc phòng đẩy mạnh phân cấp, cải cách hành chính trong hoạt động đấu thầu

Bộ Quốc phòng đẩy mạnh phân cấp, cải cách hành chính trong hoạt động đấu thầu
Bộ Quốc phòng đang dự thảo Thông tư quy định một số nội dung về hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Bộ Quốc phòng đẩy mạnh phân cấp, cải cách hành chính trong hoạt động đấu thầu

Bộ Quốc phòng cho biết, hiện nay việc lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đang được thực hiện theo Thông tư số 05/2021/TT-BQP ngày 12/1/2021 và Thông tư số 74/2023/TT-BQP ngày 11/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 05/2021/TT-BQP. Sau hơn 02 năm triển khai thực hiện Thông tư 05 và Thông tư 74 đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là triển khai các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, tổ chức kịp thời việc mua sắm thường xuyên bảo đảm hoạt động cho các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, hiện nay Quốc hội đã ban hành Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 ngày 23/6/2023 (thay thế Luật Đấu thầu số 43 ngày 26/11/2013); Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27/02/2024 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (thay thế Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014) và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Ngoài ra, Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng đã được thay thế bằng Nghị định số 01/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ.

Do vậy, Bộ Quốc phòng đã dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 05 và Thông tư 74, trong đó quy định về lựa chọn nhà thầu trong phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng với nhiều nội dung chi tiết, cụ thể hơn so với Luật Đấu thầu, Nghị định 24/2024/NĐ-CP như: Việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các trường hợp để phù hợp với cơ cấu, tổ chức của các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng và nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phân cấp thành lập hội đồng giải quyết kiến nghị trong Bộ Quốc phòng; quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong Bộ Quốc phòng khi tham gia hoạt động đấu thầu…

Bổ sung hình thức lựa chọn nhà thầu: chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến

Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo đã bổ sung các nội dung mới theo quy định của Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, bao gồm:

Bổ sung quy định, làm rõ việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) để phù hợp với điểm a khoản 2 Điều 2 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15.

Quy định về lập, trình, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể theo quy định tại Điều 36 Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Điều 41 Nghị định 24/2024/NĐ-CP;

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, dự thảo cũng bổ sung các hình thức mới theo quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định 24/2024/NĐ-CP như chào giá trực tuyến, mua sắm trực tuyến…;

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính

Dự thảo đề xuất quy định cụ thể về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

Theo đó, Thủ trưởng đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự toán mua sắm (theo ngành, lĩnh vực) được bố trí kinh phí trong năm ngân sách;

Thủ trưởng đơn vị dự toán trực thuộc đơn vị đầu mối Bộ Quốc phòng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu thuộc dự toán mua sắm được giao để đảm bảo hoạt động thường xuyên (trong năm ngân sách, năm tài chính);

Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định việc mua sắm và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 91 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Đối với kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự toán mua sắm sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí của địa phương, cơ quan, đơn vị địa phương xem xét, quyết định.

Bộ Quốc phòng cho biết, việc quy định những nội dung trên sẽ góp phần đẩy mạnh tăng cường phân cấp, uỷ quyền và cải cách thủ tục hành chính, tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng khi triển khai thực hiện.

Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định về thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với việc mua sắm hàng hóa, dịch vụ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; trong đó quy định rõ thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với từng trường hợp cụ thể. Qua đó, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ hiện nay tại các cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng.

Bổ sung các quy trình lựa chọn nhà thầu

Dự thảo dành Chương III quy định cụ thể về thực hiện lựa chọn nhà thầu; đấu thầu quốc tế và quản lý nhà thầu nước ngoài, trong đó bổ sung các quy trình bao gồm:

+ Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu đối với đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu;

+ Quy trình chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu có sự tham gia của cộng đồng, chào giá trực tuyến và mua sắm trực tuyến;

+ Quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;

+ Quy định về đấu thầu quốc tế và quản lý nhà thầu nước ngoài sau khi trúng thầu.

Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng.

Theo Báo Chính phủ

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28001 sec| 646.641 kb