Nâng cao kỹ năng PCCC
Sáng 14/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát kỹ nội dung dự thảo Luật với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7;
Nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh các nội dung liên quan tại dự thảo Luật bảo đảm bao quát, tương thích giữa quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh với các nội dung quy định của dự thảo Luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng bổ sung các quy định cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng PCCC và cứu nạn cứu hộ của cộng đồng thông qua các nội dung quy định về chính sách của Nhà nước;
Quy định trách nhiệm tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ và quy định trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp, cũng như đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các điều luật cụ thể có liên quan tại dự thảo Luật.
Về chính sách của Nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung, chỉnh lý các quy định về chính sách bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ, sát với yêu cầu thực tiễn;
Đồng thời, thu hút các chính sách đặc thù tại các quy định cụ thể của các chương, điều trong dự thảo Luật và thể hiện lại rõ ràng hơn tại Điều 4 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Về trách nhiệm PCCC và cứu nạn cứu hộ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, cứu nạn cứu hộ, bao gồm:
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông;
Chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý.
Quy định riêng về PCCC đối với nhà ở
Về phòng cháy đối với nhà ở, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà cho lưu trú, nhà cao tầng, khu chung cu, trung tâm đô thị lớn.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh;
Đồng thời, bổ sung đầy đủ, phù hợp hơn các nội dung quy định đối với hai loại hình này tại dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm yêu cầu về điều kiện an toàn PCCC, thoát nạn.
Về phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện; bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện (Điều 20), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, Luật Điện lực hiện hành đã quy định cụ thể, bao quát các yêu cầu về an toàn (trong đó bao gồm cả yêu cầu an toàn về PCCC) trong việc sản xuất, truyền tải, phân phối, mua bán, sử dụng, trang thiết bị điện.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc chấp hành các quy định của pháp luật về điện lực, nhất là trách nhiệm cụ thể của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong sử dụng, lắp đặt, kiểm soát an toàn điện sau công tơ còn hạn chế, dẫn đến việc chấp hành chưa nghiêm, kéo theo nguy cơ cháy, nổ do điện.
Những nội dung này cần phải được điều chỉnh một cách tổng thể trong dự thảo Luật Điện lực dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội bổ sung các quy định liên quan tới điều kiện an toàn nói chung, điều kiện an toàn PCCC nói riêng vào dự thảo Luật Điện lực để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, dự thảo Luật PCCC và cứu nạn cứu hộ quy định về các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC cơ bản trong việc lắp đặt, sử dụng điện là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.