Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ hỗ trợ tỉnh Lào Cai 150 tỷ đồng và tỉnh Yên Bái 30 tỷ đồng (ngoài 20 tỷ đồng đã hỗ trợ cho tỉnh Yên Bái tại Quyết định số 943/QĐ-TTg ngày 09/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ) để hỗ trợ khẩn cấp cho 2 tỉnh khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3, ổn định đời sống người dân. Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai, tỉnh Yên Bái có trách nhiệm phân bổ cụ thể và sử dụng số kinh phí được bổ sung nêu trên đảm bảo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trước đó, Bộ Tài chính vừa có quyết định xuất cấp gần 37,4 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) giao cho các địa phương để hỗ trợ hơn 540 nghìn học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trong học kỳ I năm học 2024- 2025.
Quyết định 2112/QĐ-BTC do Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận ký ngày 9/9/2024 giao Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) xuất cấp (không thu tiền) 37.379.521,2 kg gạo từ nguồn DTQG giao cho các địa phương để hỗ trợ cho 541.501 học sinh ở 40 tỉnh, thành phố trong học kỳ I năm học 2024- 2025 theo quy định tại Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Theo đó, học sinh của 40 địa phương được hỗ trợ gạo DTQG bao gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình,, Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Đắc Lắk, Đắk Nông, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang…
Lãnh đạo Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN căn cứ vào số lượng gạo DTQG tại thời điểm xuất cấp và kế hoạch tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh, giao nhiệm vụ cho các cục dự trữ nhà nước khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo kế hoạch phân bổ.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp địa phương điều chỉnh đề xuất số lượng gạo tiếp nhận trong học kỳ I thấp hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì cấp theo số lượng gạo đề nghị của địa phương.
Trường hợp địa phương đề xuất điều chỉnh số lượng gạo tiếp nhận trong học kỳ I cao hơn số gạo Bộ Tài chính đã quyết định, thì cấp theo số lượng Bộ Tài chính đã quyết định và tổng hợp đề nghị bổ sung của địa phương, trình Bộ Tài chính xem xét xử lý theo quy định.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ- CP của Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 15777/BTC-TCDT ngày 4/11/2016 của Bộ Tài chính về thực hiện hỗ trợ gạo DTQG cho học sinh, đảm bảo việc tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ đúng đối tượng, mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ của năm học, không để thất thoát, tiêu cực trong quá trình tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận gạo của địa phương vận chuyển gạo DTQG từ trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đến các trường học hoặc địa điểm thích hợp để cấp phát cho các đối tượng theo đúng quy định.
UBND các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, số liệu, căn cứ đề xuất sử dụng gạo DTQG để cấp cho địa phương thực hiện chính sách và báo cáo kết quả tiếp nhận gạo theo quy định.
Theo Báo Chính phủ