Dưới góc nhìn chuyên gia, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quy hoạch vốn là vấn đề rất khó, đòi hỏi chuyên môn cao và sâu. Việc Quốc hội đã có giám sát tối cao cho thấy sự quyết tâm mạnh mẽ với mục tiêu đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, để quy hoạch phải đi trước một bước.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Luật Quy hoạch 2017 ra đời được đánh giá là có sự tiến bộ, được quan tâm, làm công phu và bài bản. Tuy nhiên, Luật cũng có những hạn chế. Điều này đã được Đoàn giám sát chỉ rõ những vướng mắc từ chính những bất cập trong quy định đến cách tổ chức thực hiện; không ít quy định chưa phù hợp, chưa rõ ràng ngay trong Luật Quy hoạch.
Qua Báo cáo sáng 30/5, ông Trần Ngọc Chính nhận thấy, hiện nay, các địa phương đang tích cực vào cuộc triển khai quy hoạch. Tuy nhiên, các địa phương lại phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị tư vấn trong khi các đơn có kinh nghiệm trên cả nước không nhiều. Sáng 30/5, đại biểu Quốc hội thông tin hiện có đơn vị tư vấn đang lập 22 đồ án. Trong khi đó, mỗi địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, văn hóa đặc trưng riêng. Vì vậy, nếu cùng một vị tư vấn lập quy hoạch cho cả tỉnh miền núi, miền biển, Tây Nguyên… thì chắc chắn sẽ không sâu, không chất lượng. Bên cạnh đó, trước việc lúng túng trong triển khai, Quốc hội cần nhìn nhận một cách rõ ràng ý kiến của các đại biểu, từ đó có Nghị quyết nên điều chỉnh Luật này như thế nào để sớm đi vào cuộc sống.
Ông Trần Ngọc Chính cho biết thêm, nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến sâu sắc về các nội dung được cử tri quan tâm như: Cần quy định rõ quy trình lấy ý kiến cộng đồng trong lập quy hoạch; việc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về quy hoạch nhằm hạn chế mâu thuẫn, giải quyết các bất cập, vướng mắc hay quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong từng bước quy hoạch... để Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành xem xét điều chỉnh trong thời gian tới.
Nhất trí với nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát trình bày trước Quốc hội và cử tri, ông Nguyễn Văn Tường, phường phố Huế (Hai Bà Trưng) cho rằng, báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến việc triển khai, lập, thẩm định quyết định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Những nhận xét, đánh giá trong báo cáo đều dựa trên những tài liệu và thực tiễn khách quan trong quá trình thực thi Luật Quy hoạch. Ông Nguyễn Văn Tường đồng tình với các kiến nghị về việc ban hành Nghị quyết giám sát, đề ra những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật và các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.
Ông Nguyễn Văn Tường đánh giá, nội dung giám sát đã thu hút được nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Ngay đầu phiên họp đã có tới hơn 40 ý kiến của các đại biểu tại hội trường đăng ký tham gia phát biểu. Ông cũng mong muốn các đại biểu trong phiên chiều 30/5 cần nêu kiến nghị về việc Chính phủ, Quốc hội bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch. Ngoài ra, cũng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm của người đứng đầu trong từng bước quy hoạch tại mỗi địa phương, ngành phụ trách. Bởi vì việc chậm hay "bưng bít" thông tin quy hoạch sẽ dẫn tới làm méo mó quy hoạch, gây tụt hậu xã hội và nhiều hệ lụy khác cho đất nước.
Ông Nguyễn Văn Tường đề xuất, nhiều dự án của nhà đầu tư đã được duyệt theo quy hoạch cũ hiện đều phải dừng lại vì chưa khớp nối hoặc không thể khớp nối với quy hoạch mới do thiếu thông tin trong quá trình lập quy hoạch. Chính vì vậy, địa phương cần quy hoạch nhanh và sớm, sau đó công khai cho người dân, doanh nghiệp biết triển khai.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/can-bo-sung-che-tai-xu-ly-viec-cham-hoac-khong-cong-khai-thong-tin-quy-hoach-20220530150838031.htm