Hiệu quả trọng tài thương mại ngày càng được nâng cao
Ngày 29/11, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam, Tạp chí Đời sống và Pháp luật tổ chức Hội thảo góp ý Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM).
Tại đây, bà Mai Thị Tuyết Hạnh, Phó Trưởng Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Tp.HCM đã nêu ý kiến về hoạt động trọng tài thương mại qua công tác quản lý Nhà nước.
Đại diện Sở Tư Pháp Tp.HCM cơ bản đồng ý với dự thảo Luật TTTM như báo cáo nghiên cứu, rà soát. Bởi lẽ, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc xảy ra các tranh chấp thương mại là điều không thể tránh khỏi.
Hiện nay có nhiều phương pháp giải quyết tranh chấp thương mại nhưng phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại đang được quan tâm và lựa chọn trên trường quốc tế. Vì việc giải quyết tranh chấp có trình tự thủ tục nhanh gọn, không làm tiết lộ bí mật kinh doanh, uy tín của các bên và đảm bảo quy định pháp luật.
“Luật TTTM năm 2010 ra đời đã tạo cơ chế pháp lý tốt hơn cho hoạt động trọng tài thương mại, giúp cho công tác quản lý nhà nước trên địa bàn Tp.HCM được thống nhất, đúng quy định. Chúng tôi cũng ghi nhận, Luật TTTM đã giúp cho các tổ chức trọng tài thương mại và trọng tài viên có cơ sở thuận lợi để triển khai thực hiện công việc của mình; góp phần đưa hoạt động trọng tài trên địa bàn Tp.HCM ngày càng hiệu quả hơn”, bà Hạnh chia sẻ.
Ghi nhận qua công tác quản lý, Sở Tư pháp Tp.HCM đang quản lý, hỗ trợ hoạt động của 22 trung tâm trọng tài và 3 chi nhánh trên địa bàn. Nhìn chung, các trọng tài viên có trình độ chuyên môn của các tổ chức trọng tài thương mại chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Một số trọng tài viên là những cán bộ, công chức có nhiều năm công tác trong các lĩnh vực pháp luật, quản lý hành chính.
Nhiều trọng tài viên là giảng viên các trường luật, khoa luật và là luật sư. Do vậy, các trọng tài viên tiếp nhận, giải quyết một cách hiệu quả đối với các tranh chấp, phát huy tối đa các ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng con đường trọng tài.
Bà Hạnh chỉ ra, tuy nhiên, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hiệu quả hoạt động của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại tại các trung tâm trọng tài vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu hiện nay.
Vì thế, số lượng tranh chấp thương mại được giải quyết bằng trọng tài còn thấp. Chiếm chưa đến 1% số lượng các tranh chấp thương mại được giải quyết tại tòa án.
Trong khi đó, việc giải quyết tranh chấp tại tòa án luôn ở tình trạng quá tải, dẫn đến tăng lượng vụ án tồn đọng. Nguyên nhân, một phần xuất phát từ việc thực tế có nhiều hoạt động phát sinh cần phải điều chỉnh cho phù hợp trong khi Luật Trọng tài thương mại năm 2010 chưa được điều chỉnh kịp thời, phát sinh mâu thuẫn với quy định pháp luật khác và tình hình thực tiễn.
Cần cơ chế phối hợp
Lãnh đạo Phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp Tp.HCM góp ý, Luật TTTM cần bổ sung Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thiện, chặt chẽ hơn.
Về khái niệm hoạt động thương mại, hiện nay pháp luật về trọng tài thương mại và hòa giải thương mại chưa định nghĩa hoạt động này. Trong khi khái niệm này chỉ được định nghĩa trong Luật Thương mại năm 2005 mà việc hiểu và định nghĩa về tranh chấp kinh doanh thương mại chưa đồng nhất giữa Luật này và Bộ luật Dân sự năm 2015.
Bà Mai Thị Tuyết Hạnh cũng đánh giá: “Sở Tư pháp Tp.HCM nhận thấy, chưa có cơ chế phối hợp giữa tòa án, cơ quan thi hành án và cơ quan tư pháp để hỗ trợ hoạt động TTTM. Việc thi hành án TTTM chưa thuận lợi như thi hành án dân sự. Bản án dân sự có thể do cơ quan thi hành án cấp huyện hoặc thừa phát lại giải quyết nhưng phán quyết TTTM phải do Cục Thi hành án cấp tỉnh thực hiện nên tạo nên áp lực cho đơn vị này”.
Công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn Tp.HCM còn cho thấy vướng mắc về giấy đăng ký hoạt động của TTTM khi tổ chức này thay đổi địa điểm hoạt động.
“Trường hợp thay đổi địa điểm hoạt động TTTM sang tỉnh thành khác, theo quy định hiện hành, TTTM có trách nhiệm thông báo cho Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động được biết khi tổ chức này đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp địa phương chuyển về. Từ đây phát sinh vấn đề về việc xử lý giấy đăng ký hoạt động tại địa phương cũ, nơi đã cấp”, bà Hạnh cho biết.
Cụ thể hơn, vì không có quy định khi chuyển địa điểm hoạt động thì TTTM phải thực hiện nghĩa vụ với địa phương cũ như thuế, lao động khi địa phương mới đã cấp giấy đăng ký hoạt động mới thì sẽ tồn tại cùng lúc 2 giấy đăng ký hoạt động.
Bên cạnh đó, Điều 15 Luật TTTM quy định: “Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về Trọng tài. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Bộ Tư pháp thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ và quy định tại Luật này”.
Theo bà Hạnh, Sở Tư pháp bên cạnh là cơ quan chuyên môn của Bộ tư pháp thì còn là cơ quan tham mưu, giúp việc UBND cấp tỉnh. Do đó, bà Hạnh đề nghị Luật TTTM nghiên cứu, bổ sung vai trò của UBND cấp tỉnh phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động TTTM để Sở Tư pháp có điều kiện hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình.