Một nền kinh tế tri thức thì hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm và dịch vụ ngày càng lớn, trở thành một yếu tố quyết định tính cạnh tranh. Đồng thời, cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày càng bùng nổ mạnh mẽ thì sự sáng tạo của con người là không giới hạn và không ai có thể phủ định được những giá trị mà loại tài sản này mang lại cho chúng ta. Điều đó đã đặt ra nhiều thách thức cũng như mở thêm nhiều cơ hội mới về SHTT đối với Nhà nước cũng như các chủ thể của nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Vai trò của hệ thống bảo hộ quyền SHTT đối với doanh nghiệp
Hệ thống bảo hộ quyền SHTT có vai trò thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, nâng cấp đổi mới công nghệ sản xuất và kinh doanh thông qua việc công nhận quyền của chủ thể tạo ra các tài sản trí tuệ: Các giải pháp kỹ thuật mới, các sáng kiến kinh doanh,… và đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho chủ thể đó khai thác, thu lợi để tiếp tục tạo ra các sản phẩm mới, góp phần phát triển trình độ công nghệ.
Mặt khác, hệ thống bảo hộ SHTT có tác dụng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, có trật tự, thúc đẩy hoạt động thương mại và đầu tư. Một hệ thống bảo hộ SHTT đầy đủ và hiệu quả có thể hạn chế và ngăn chặn các tệ nạn khai thác “chùa”, chộp giật, đánh cắp, sao chép, làm giả… bất hợp pháp các thành quả đầu tư sáng tạo, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Hơn thế nữa, một hệ thống bảo hộ SHTT linh hoạt và chặt chẽ còn khẳng định uy tín quốc gia trong hoạt động thu hút và bảo hộ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp nhận các công nghệ tiên tiến, hiện đại, phục vụ cho hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn trong việc thực hiện xác lập và thực thi các quyền SHTT
Hiện nay, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cơ chế bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam, về cơ bản đã tương đối đầy đủ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng hiệu quả các quy định pháp luật này về SHTT để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp, các chủ thể sở hữu quyền SHTT.
Ngoài ra, yếu tố cản trở sự vận hành hiệu quả hệ thống bảo hộ, thực thi quyền SHTT ở Việt Nam là do các chủ thể chưa nắm được hết các thủ tục, quy trình và pháp luật về lĩnh vực này. Trong khi đối tượng của quyền SHTT đều là tài sản vô hình, việc xử lý các vụ việc liên quan đến nhóm tài sản này tương đối khó khăn ngay cả với những người đã có kỹ năng và kinh nghiệm.
Ngoài những yếu tố khách quan thì yếu tố chủ quan vẫn còn tồn tại khi phần nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn coi các đối tượng của quyền SHTT là tài sản ít có giá trị và không quá quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, các đơn vị này không quan tâm nhiều, chỉ khi “mất bò mới lo làm chuồng”.
Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao vai trò của hoạt động SHTT
Theo thống kê của Cục SHTT (Bộ KH&CN) cho biết, hiện nay các nhãn hiệu đăng ký nội địa là khoảng 50.000 đơn/năm, nhưng chỉ có khoảng 280 đơn yêu cầu đăng ký quốc tế. Con số trên đã trả lời cho câu hỏi: “Tại sao doanh nghiệp Việt Nam thường bị gọi là “ngây thơ” khi mang sản phẩm, dịch vụ của mình đi thi đấu tại thị trường “sân khách”?
Điểm lưu ý là quyền SHTT bị giới hạn bởi không gian, phát sinh trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia nào thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ và chịu sự điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật của quốc gia đó. Tức là quyền SHTT của doanh nghiệp được bảo hộ ở Việt Nam không đồng nghĩa với việc nó cũng được bảo hộ ở Mỹ, EU, Australia hay các nước khác. Đó chính là lý do doanh nghiệp cần tính đến việc đăng ký quyền SHTT ở nước ngoài nếu muốn xây dựng và phát triển thương hiệu trên phạm vi quốc tế.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều nhãn hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam bị mất quyền bảo hộ tại nước ngoài như: Năm 2011, hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc. Năm 2002, thương hiệu Vinataba bị chiếm đoạt đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước ASEAN. Năm 2000, Cà phê Trung Nguyên bị công ty Rice Field của Mỹ nhanh chân đăng ký bảo hộ trước… Các doanh nghiệp này đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để “tìm lại tên” cho sản phẩm của mình.
Ngoài các sản phẩm hàng hóa, bản quyền tác giả bài hát cũng có nguy cơ bị “mất”. Năm 2021, dư luận xôn xao việc ca khúc “giấc mơ trưa” của nhạc sỹ Giáng Son bị tố bản quyền khi chính tác giả đăng lên kênh youtube cá nhân. Bài hát bị yêu cầu xác nhận chủ sở hữu từ Công ty BHMedia. Tiếp nữa, ca khúc “Tiến quân ca” mà đài VTV sử dụng trong vài video bị BH Media báo cáo quyền sở hữu và bị xóa khỏi nền tảng Youtube. Theo VTV, đơn vị BH Media đã đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" – “Quốc ca" vốn đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho Nhân dân và Tổ quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp, tổ chức hành nghề luật, các hiệp hội, đơn vị khác nhau sẵn sàng tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp có thể bảo hộ quyền SHTT của mình ở nước ngoài. Công việc phổ biến tầm quan trọng và vai trò của quyền SHTT đến các doanh nghiệp cũng đang được tiến hành đồng bộ và đầy đủ hơn.
Để hiểu rõ hơn các loại hình sở hữu trí tuệ, những khó khăn vướng mặc của các chủ thể khi thực thi quyền bảo hộ SHTT đối với các loại hình đó ra sao, Diễn đàn Pháp luật sẽ thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo.