Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cắt giảm 50% quy định về kinh doanh lĩnh vực lưu trữ

Cắt giảm 50% quy định về kinh doanh lĩnh vực lưu trữ
Bộ Nội vụ cho biết, tổng số thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ hiện là 252 thủ tục, gồm 130 thủ tục hành chính cấp Trung ương, 79 thủ tục hành chính cấp tỉnh, 28 thủ tục hành chính cấp huyện, 15 thủ tục hành chính cấp xã.

Cắt giảm 50% quy định về kinh doanh lĩnh vực lưu trữ
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang. Ảnh minh hoạ: Danh Lam/TTXVN

Các thủ tục hành chính đều được niêm yết, công khai tại Bộ phận Một cửa của Bộ, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức trong việc tiếp cận, tra cứu, thực hiện thủ tục hành chính. Các đơn vị thuộc, trực thuộc tập trung triển khai tốt việc công bố, niêm yết, công khai thủ tục hành chính. 

Hiện nay, Bộ Nội vụ có 12 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (2 thủ tục hành chính, 6 yêu cầu, điều kiện và 4 tiêu chuẩn, quy chuẩn). Các quy định này thuộc lĩnh vực Văn thư - Lưu trữ. 

Trong quá trình tham mưu xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi), để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, Bộ đã rà soát và đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, yêu cầu điều kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực Lưu trữ như: bãi bỏ thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm tra nghiệp vụ lưu trữ; đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề lưu trữ. Theo đó, Chứng chỉ hành nghề lưu trữ sử dụng vĩnh viễn thay vì có thời hạn sử dụng 5 năm như hiện nay; cắt giảm, đơn giản hóa thành phần hồ sơ. 

Bộ cũng bỏ các quy định về yêu cầu điều kiện (tại khoản 1, 2 Điều 36 Luật Lưu trữ năm 2011); không yêu cầu tất cả các cá nhân thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ của tổ chức phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, chỉ những cá nhân phụ trách chuyên môn nghiệp vụ lưu trữ của tổ chức kinh doanh dịch vụ lưu trữ phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ, người có bằng Cao đẳng trở lên chuyên ngành Lưu trữ không yêu cầu phải có Chứng chỉ hành nghề lưu trữ khi thực hiện dịch vụ lưu trữ, cá nhân độc lập kinh doanh dịch vụ lưu trữ không phải đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ tại cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ và không cần có cơ sở vật chất phù hợp. 

Như vậy, theo dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn Luật Lưu trữ (sửa đổi), các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh lĩnh vực lưu trữ thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ đã cắt giảm được 50% quy định về thủ tục hành chính, 4 lần số lượng hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại Chứng chỉ hành nghề lưu trữ của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính (vì dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có 4 loại hình hoạt động dịch vụ lưu trữ), gần 40% thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính, hơn 60% quy định về yêu cầu điều kiện kinh doanh.

Bộ Nội vụ có 55 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và lĩnh vực tổ chức phi chính phủ cần thực thi phương án phân cấp theo Quyết định số 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đối với 40 thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ Nội vụ đang hoàn thiện thông tư phân cấp ủy quyền một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Bộ.

Đối với 15 thủ tục hành chính lĩnh vực tổ chức phi chính phủ, lộ trình thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, tại dự thảo Nghị định đã phân cấp 6 thủ tục hành chính về hội thuộc thẩm quyền giải quyết từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh về Chủ tịch UBND cấp huyện.

Còn nhóm 9 thủ tục hành chính về quỹ phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh về Chủ tịch UBND cấp huyện, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ , quỹ từ thiện, lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, dự kiến tháng 8/2024 trình Chính phủ xem xét, ban hành. Tại dự thảo Nghị định đã phân cấp 9 thủ tục hành chính về lĩnh vực quỹ thuộc thẩm quyền giải quyết từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh về Chủ tịch UBND cấp huyện.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/chinh-phu-voi-nguoi-dan/cat-giam-50-quy-dinh-ve-kinh-doanh-linh-vuc-luu-tru-20240711174000854.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.7 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.29942 sec| 646.859 kb