Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8
Thông cáo báo chí của VPCP về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 1/8/2023.

Chuyển giao Khu cao Hòa Lạc về UBND TP. Hà Nội quản lý

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 1/8/2023 về việc chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND thành phố Hà Nội quản lý.

Chính phủ quyết nghị chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP. Hà Nội quản lý từ ngày 1/8/2023.

Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện bàn giao và UBND TP. Hà Nội thực hiện tiếp nhận: tổ chức và hoạt động, các nhiệm vụ, công việc đã và đang thực hiện, tài chính, tài sản công, dự án đầu tư công từ Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Ban Quản lý) và của các đơn vị trực thuộc (các đơn vị sự nghiệp và Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền cho Ban Quản lý là cơ quan đại diện chủ sở hữu); quyền đại diện chủ sở hữu Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nêu trên.

Thời điểm bắt đầu bàn giao và tiếp nhận từ ngày 01 tháng 8 năm 2023. Thời hạn hoàn thành việc bàn giao và tiếp nhận trong 06 tháng tính từ thời điểm bắt đầu bàn giao.

Sau khi Nghị quyết này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý được tổ chức và hoạt động như sau:

Về tổ chức bộ máy, hoạt động và nhân sự, Ban Quản lý thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức quy định tại Quyết định số 09/2019/QĐ-TTg ngày 15/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các văn bản phân cấp, ủy quyền của các cơ quan chức năng, tiếp tục sử dụng con dấu hiện nay cho đến khi UBND TP Hà Nội hoàn thành việc tiếp nhận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Ban Quản lý được cấp có thẩm quyền ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quy định; bảo đảm hoạt động ổn định của các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Ban Quản lý đang được Bộ Khoa học và Công nghệ ủy quyền là cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Ban Quản lý tiếp tục sử dụng kinh phí và triển khai nhiệm vụ theo kế hoạch ngân sách đã được phê duyệt cho đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về điều chỉnh nguồn kinh phí hoạt động.

Thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ban Quản lý để bố trí công việc phù hợp với năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và yêu cầu của vị trí việc làm, bảo đảm đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và công tác quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc của UBND TP. Hà Nội.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Ban Quản lý tiếp tục được hưởng hệ số điều chỉnh mức lương tăng thêm theo Quyết định số 11/2021/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Lãnh đạo Ban Quản lý và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục được hưởng chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo như hiện nay cho đến hết thời hạn bổ nhiệm chức vụ.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 694/CĐ-TTg ngày 1/8/2023 về việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Một số cơ quan truyền thông phản ánh, thời gian qua tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép vào Việt Nam nhất là từ Campuchia diễn ra phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, đồng thời gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn lợn trong nước. Lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ trưởng và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các tỉnh biên giới Tây Nam

a) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,....để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam. Trường hợp phát hiện lợn nhập khẩu bất hợp pháp phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

b) Chỉ đạo lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban chỉ đạo 389 của địa phương tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi vận chuyển, buôn bán lợn nhập lậu qua biên giới; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép lợn.

c) Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm trên lợn nhập lậu, bệnh có thể lây sang người và tác hại khi buôn bán, vận chuyển lợn không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; tổ chức vận động người dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.

d) Chỉ đạo chính quyền các cấp tổ chức thống kê số liệu, kiểm soát đàn lợn của địa phương, đặc biệt tại các địa phương có chung biên giới với các nước để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự cấu kết, hợp thức hóa nguồn gốc lợn được vận chuyển, nhập lậu; hợp thức hóa, làm giả, làm trái quy định về kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển động vật.

đ) Chỉ đạo, phân công các lực lượng của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển lợn tiêu thụ tại địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

e) Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán trái phép lợn vào Việt Nam.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y tăng cường công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo quy định pháp luật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

b) Tăng cường công tác giám sát chủ động, phát hiện sớm các ổ Dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, Tai xanh, các bệnh mới nổi, có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thành công các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu.

c) Phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành có liên quan kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

3. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của các bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở; chỉ đạo hướng dẫn các đơn vị tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân khu vực biên giới trong công tác phòng, chống dịch, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép lợn qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn lợn buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

4. Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với lực lưọng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu lợn trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển; xem xét, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép qua biên giới, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật.

5. Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam; kinh doanh trái phép lợn không rõ nguồn gốc trên thị trường.

6. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan truyền thông tăng cường công tác truyền thông về tác hại, ảnh hưởng của việc nhập lợn qua biên giới và nguy cơ về các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép.

7. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo, triển khai các biện pháp ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn ra vào Việt Nam; phối hợp chặt chẽ, chủ động thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật hiện hành.

8. Các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng chuyên ngành phối hợp để triển khai thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Công điện này, kịp thời Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng và thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp mạnh, đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài (cả trong và ngoài nước) đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực mũi nhọn như: Khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa; khoa học ; y tế; thông tin và truyền thông, chuyển đổi số...

Qua đó, góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Mục tiêu cụ thể đến hết tháng 6 năm 2024, đạt 100% các bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch thu hút, trọng dụng nhân tài phù hợp với Chiến lược quốc gia và yêu cầu thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có lợi thế.

Năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới.

Mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.

Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau 05 năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài

Một trong các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược là khuyến khích và phát hiện, tiến cử nhân tài.

Cụ thể, việc tìm kiếm nhân tài nhằm phát hiện người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành, của địa phương hoặc đất nước được tiến hành trong các ngành, lĩnh vực của xã hội và tập trung vào bốn nhóm sau:

- Học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, có tố chất, năng khiếu nổi trội từ các cơ sở giáo dục, đào tạo.

- Những người có học vị, học hàm thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư, có các công trình nghiên cứu được công nhận và ứng dụng hiệu quả cao vào đời sống thực tiễn.

- Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội có năng lực nổi trội, luôn hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ, công vụ.

- Những người có trình độ, năng lực vượt trội và thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác kể cả trong và ngoài nước.

Khuyến khích, đề cao trách nhiệm của người giới thiệu, tiến cử nhân tài; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ trong giới thiệu, tiến cử, công nhận nhân tài.

Phát huy vai trò và trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, tiến cử nhân tài của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương chủ động, tích cực phối hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo để sớm phát hiện tài năng trẻ là học sinh, sinh viên.

Nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài

Nhiệm vụ và giải pháp khác của Chiến lược là nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài.

Cụ thể, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài.

Nâng cao năng lực bồi dưỡng nhân tài của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Phát triển mạnh một vài đại học điểm của Việt Nam thành trường hàng đầu khu vực. Tập hợp, phát triển đội ngũ giảng viên tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là các chuyên gia, nhà giáo dục, khoa học, lãnh đạo, quản lý, kinh doanh đầu ngành, có trình độ, kinh nghiệm, uy tín cao ở trong và ngoài nước; chú trọng mời đội ngũ giáo sư, chuyên gia đầu ngành gốc Việt trở về làm việc, tham gia giảng dạy tại Việt Nam. Có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham gia vào nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài có uy tín cao trên thế giới để đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhu cầu và các chuẩn mực của khu vực, quốc tế.

Tạo điều kiện thuận lợi về các điều kiện học tập, nghiên cứu, môi trường cọ sát, thử thách, rèn luyện để các tài năng trẻ là học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc có cơ hội phát huy năng lực, sở trường.

Tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học xã hội và các lĩnh vực trọng điểm khác thông qua đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 888/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Về kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng giao 13.369,468 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo tổng mức và cơ cấu ngành, lĩnh vực quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đồng thời, giao danh mục và mức vốn ngân sách trung ương bố trí kế hoạch vốn của Chương trình cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn của Chương trình.

Phó Thủ tướng cũng giao, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, giao bổ sung 18.808,467 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giao bổ sung 444,407 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều chỉnh giảm 24.594,3 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải để điều chỉnh tăng tương ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương: Khánh Hòa 1.845 tỷ đồng, Đắk Lắk 1.641 tỷ đồng, Đồng Nai 1.436 tỷ đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 1.976 tỷ đồng, Tiền Giang 872 tỷ đồng, Cần Thơ 3.250 tỷ đồng, Hậu Giang 3.466 tỷ đồng, Sóc Trăng 3.769,5 tỷ đồng, An Giang 4.928 tỷ đồng, Đồng Tháp 1.410,8 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng giao danh mục nhiệm vụ, dự án và mức vốn ngân sách trung ương bố trí cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ thủ tục đầu tư, đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 giữa các nhiệm vụ, dự án trong tổng mức vốn của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương: giảm 2.948,863 tỷ đồng của các nhiệm vụ, dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để tăng tương ứng cho các nhiệm vụ, dự án không thuộc danh mục Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và các dự án đã được giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 nhưng khác ngành, lĩnh vực với dự án điều chỉnh giảm.

Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương căn cứ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình và kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 được giao, bổ sung, điều chỉnh ở trên thông báo hoặc quyết định giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình, kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 của các nhiệm vụ, dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, đúng mục đích, hiệu quả.

Chỉ đạo đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết định đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật có liên quan.

Thực hiện điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 giữa các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý và sử dụng vốn hiệu quả.

Thực hiện giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương của Chương trình, Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các quy định có liên quan.

Báo cáo việc giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương của Chương trình, giao, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 1/8/2023.

Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, danh mục dự án và mức vốn bố trí cho từng dự án bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vừa ký Quyết định số 49/QĐ-HĐĐPBTBDHTB ngày 1/8/2023 ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (gọi tắt là Hội đồng điều phối vùng) nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ quy định tại Quy chế này gồm 14 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Chương trình, dự án liên kết vùng là các chương trình, dự án nằm trên địa bàn hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc nằm trên địa bàn của một tỉnh, thành phố nhưng có tác động đến ít nhất một tỉnh, thành phố khác trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch

Theo Quy chế, nguyên tắc điều phối là tuân thủ Hiến pháp, chủ trương của Đảng, quy định của các Luật liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật. Thực hiện phối hợp thông qua các quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.

Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Phương thức điều phối

Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch: Việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: hệ thống giao thông kết nối; logistics; xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại; khu du lịch; nguồn nhân lực; các cơ sở giáo dục đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học; các bệnh viện và xử lý ô nhiễm môi trường.

Về đầu tư phát triển: Trên cơ sở quy hoạch vùng và quy hoạch các tỉnh, thành phố thuộc vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Hội đồng điều phối vùng chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành và tỉnh, thành phố trong vùng tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong nước để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư trong vùng.

Về đào tạo và sử dụng lao động: Phối hợp trong điều tiết, sử dụng lao động, lao động từ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động trong các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất. Định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.

Về xây dựng cơ chế, chính sách: Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Giải quyết các vấn đề liên kết vùng: Hội đồng điều phối vùng phối hợp giữa các bộ, các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ giải quyết các vấn đề về liên kết vùng; theo dõi, đôn đốc giải quyết các vấn đề có tính chất liên ngành tại vùng. Hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng chủ động giải quyết những vấn đề liên tỉnh thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Kế hoạch điều phối liên kết vùng: Hội đồng điều phối vùng xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng hàng năm, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức các hoạt động chung xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng theo đề nghị của các bộ, ngành, địa phương trong vùng; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp liên minh, liên hiệp hợp tác xã của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Hội đồng điều phối vùng họp thường kỳ 1 năm một lần

Về chế độ làm việc của Hội đồng điều phối vùng, Quyết định nêu rõ, Hội đồng điều phối vùng làm việc theo chế độ tập thể, thảo luận, trao đổi ý kiến để thỏa thuận thống nhất vì lợi ích chung của vùng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Chủ tịch Hội đồng có ý kiến kết luận cuối cùng.

Hội đồng điều phối vùng họp thường kỳ 1 năm một lần; khi cần thiết, có thể họp đột xuất. Địa điểm, phương thức họp Hội đồng điều phối vùng do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng mời các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tham gia tại các cuộc họp của Hội đồng điều phối vùng.

Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu dự họp, thống nhất với các Bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023 - 2024; trình Chính phủ trước ngày 08/8/2023.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12/2023.

Kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 299/TB-VPCP ngày 31/7/2023 kết luận Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Chuyển đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thông báo nêu: Từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực. Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư. Việc đầu tư nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất, con người được quan tâm, chú trọng. Dịch vụ công (DVC) trực tuyến, tiện ích được đẩy mạnh. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng. Chuyển đổi số đã góp phần tăng trưởng quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, người đứng đầu còn chưa thực sự coi trọng công tác chuyển đổi số, chưa quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tạo sự chuyển động trong toàn bộ máy. Một số mục tiêu đặt ra còn chưa hoàn thành; nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động vẫn ở mức trung bình khá.

Việc xây dựng CSDL, chia sẻ dữ liệu còn cát cứ, bảo thủ, DVC trực tuyến chất lượng còn thấp. Nhân lực chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển…

Kết luận nêu rõ: Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ thống nhất quan điểm chuyển đổi số đang là xu thế có tính toàn cầu, mang tính toàn dân, toàn xã hội, tất yếu khách quan. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về chuyển đổi số, nắm bắt xu thế thời đại, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, phát triển đột phá về các lĩnh vực, lựa chọn trọng tâm, trọng điểm, có chính sách ưu tiên: đẩy mạnh DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phát triển hạ tầng chuyển đổi số, nền tảng chuyển đổi số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.

Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số là nền tảng quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam, xã hội số là một nền tảng của xã hội Việt Nam, văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; triển khai hợp lòng dân và được Nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp vào việc chuyển đổi số.

Tổ chức bài bản nhưng không cầu toàn, nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Có tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá; hành động quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm.

Các CSDL quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia nên phải có tính liên thông, liên kết, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình thành Trung tâm dữ liệu quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành các CSDL chung nhưng vẫn bảo đảm thẩm quyền quản lý dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương.

Tập trung cải cách, xây dựng thể chế, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường phân cấp, phân quyền phải đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các đơn vị được phân cấp, phân quyền.

Đề án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng nằm trong tổng thể chuyển đổi số, cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của hệ thống chính trị, của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát triển khai CSDL quốc gia về dân cư để vừa xây dựng, vừa phát triển, vừa khai thác có hiệu quả. Đẩy mạnh triển khai một số cơ chế thí điểm, thử nghiệm quan trọng để mở rộng trong thời gian tới. Phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ

Với quan điểm trên, nhiệm vụ, giải pháp của các bộ, ngành, địa phương là tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ theo chỉ đạo của Chính phủ. Thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động, cho ý kiến, thẩm định, thẩm tra quy định TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kiên quyết chỉ ban hành TTHC mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.

Tái cấu trúc quy trình các TTHC, DVC đang được tích hợp trên Cổng DVC quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh để tiếp tục đơn giản hóa các quy trình thủ tục, giấy tờ công dân theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm thực chất, hiệu quả. Hoàn thành trong Quý III năm 2023.

Rà soát, hoàn thiện các CSDL hiện có, bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia về dân cư theo đúng lộ trình Đề án 06; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử (thanh toán hóa đơn, chi trả lương hưu, tích hợp mã định danh với mã số thuế để nâng cao hiệu quả thu thuế…); bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, CSDL, bảo vệ dữ liệu cá nhân theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ tổ chức triển khai 02 DVC liên thông Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí trên địa bàn toàn quốc với tinh thần vừa làm, vừa hoàn thiện, nâng cấp (theo Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ); đẩy mạnh truyền thông, tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao nhận thức của người dân, truyền cảm hứng tạo động lực cho người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-1-8-102230802085942893.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 25 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.28371 sec| 810.391 kb