Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8

Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2022.

Công điện về ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 23/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc ứng phó động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Công điện gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; các Bộ: Khoa học và , Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Vật lý Địa cầu.

Công điện nêu rõ:

Ngày 23/8/2022 trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã liên tiếp xảy ra một số trận động đất, dư chấn động đất với độ lớn từ 2.5 đến 4.7 độ Richter, gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.

Để kịp thời ứng phó, khắc phục hậu quả do động đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

1. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất tại khu vực, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó phù hợp.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh: Kon Tum, Quảng Nam

a) Tổ chức theo dõi sát tình hình, kiểm tra, đánh giá cụ thể thiệt hại (nếu có) do động đất, nhất là nhà ở của người dân, cơ sở hạ tầng thiết yếu (hồ đập thủy lợi, thủy điện, công trình giao thông, cơ sở y tế, giáo dục); huy động lực lượng và nguồn lực hỗ trợ những hộ dân bị thiệt hại và khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hại để ổn định cuộc sống người dân, bảo đảm an toàn công trình theo quy định.

b) Cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời đến người dân về động đất, dư chấn động đất, thiệt hại do động đất (nếu có), tránh tâm lý hoang mang, nhất là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ, chủ động chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó phù hợp tránh gây hoang mang trong nhân dân, sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu, kịp thời tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề vượt thẩm quyền.

4. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến an toàn hồ đập, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn hồ đập.

5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, đánh giá ảnh hưởng của động đất đến công trình giao thông trong khu vực, nhất là trên các tuyến giao thông chính, chủ động triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn.

6. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum và các địa phương trong khu vực triển khai nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho người dân để tăng cường kỹ năng chủ động ứng phó, tránh hoang mang, hoảng loạn khi động đất xảy ra.

7. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm nghiên cứu, đánh giá, làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất tại khu vực và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

8. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chủ đầu tư các công trình thủy điện Thượng Kon Tum và Đăk Đrinh khẩn trương xem xét phương án và sớm tổ chức đầu tư, lắp đặt và vận hành bổ sung trạm quan sát động đất theo kiến nghị của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 – 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 23/8/2022 thành lập Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc giai đoạn 2021 – 2025 nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Chủ tịch Hội đồng.

Theo Quyết định, Hội đồng điều phối vùng là tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Hội đồng điều phối vùng có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng và thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc, trong đó bao gồm: Quá trình phối hợp lập quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quá trình triển khai Chiến lược phát triển kinh tế - 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; quá trình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Hội đồng điều phối vùng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo điều phối, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy hoạch vùng, cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án quy mô vùng, có tính chất liên kết vùng.

Ngoài ra, Hội đồng điều phối vùng còn có nhiệm vụ, quyền hạn khác: Tổ chức các hoạt động chung về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, truyền thông của vùng; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch vùng và hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan phục vụ phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc; thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội nghề nghiệp, liên minh hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã của toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc…

Cơ cấu tổ chức

Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc là Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ủy viên Thường trực của Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các Ủy viên là Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ: Tài chính, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Ngoài ra, Hội đồng còn có 01 Ủy viên là đại diện chuyên gia, nhà khoa học tiêu biểu thuộc cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học cấp vùng và 01 Ủy viên là đại diện có uy tín của cộng đồng doanh nghiệp của vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2022/NĐ-CP ngày 23/8/2022 quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (gọi tắt là Cơ sở dữ liệu) là tập hợp thông tin về việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân và thông tin, dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Nghị định này và pháp luật khác có liên quan.

Cơ sở dữ liệu được xây dựng, quản lý tập trung tại Thanh tra Chính phủ và được tổ chức cập nhật, khai thác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu là tuân thủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ thông tin cá nhân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Bảo đảm phù hợp với khung kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng tiêu chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin.

Bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền, mục đích theo quy định của pháp luật. Bảo đảm việc quản lý, vận hành chặt chẽ, an toàn, ổn định và thông suốt.

Thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu

Nghị định nêu rõ, thông tin được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu gồm:

1. Thông tin về tiếp công dân: Họ tên, địa chỉ của công dân; nội dung, kết quả tiếp công dân.

2. Thông tin về xử lý đơn: Loại đơn như đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; đơn đủ điều kiện xử lý; đơn thuộc thẩm quyền giải quyết; đơn trả lại và hướng dẫn gửi đơn; đơn rút…

3. Thông tin về khiếu nại: Họ tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; tóm tắt nội dung khiếu nại và tình hình giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; quyết định giải quyết khiếu nại; kết quả thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

4. Thông tin về tố cáo: Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị tố cáo; tóm tắt nội dung tố cáo và tình hình giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; kết quả thực hiện kết luận nội dung tố cáo.

5. Thông tin về kiến nghị, phản ánh: Họ tên, địa chỉ của người kiến nghị, phản ánh; tóm tắt nội dung kiến nghị, phản ánh; kết quả xử lý kiến nghị, phản ánh.

6. Báo cáo định kỳ, vụ việc, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kiến nghị, phản ánh cập nhật theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Nghiêm cấm truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu

Theo Nghị định, những hành vi bị nghiêm cấm gồm:

Cố ý không cập nhật hoặc cập nhật thông tin, dữ liệu không đầy đủ. không chính xác; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong Cơ sở dữ liệu;

Truy cập trái phép vào Cơ sở dữ liệu;

Khai thác, sử dụng, tiết lộ thông tin trong Cơ sở dữ liệu trái pháp luật hoặc lợi dụng việc cung cấp thông tin để trục lợi;

Phá hủy, phá hoại, làm hư hỏng hoặc hủy hoại hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của Cơ sở dữ liệu.

Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện tại Phiên họp lần thứ nhất

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 261/TB-VPCP ngày 23/8/2022 kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện tại Phiên họp lần thứ nhất.

Tại Thông báo này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện (Ban Chỉ đạo) giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái thay mặt Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, rà soát các cơ chế chính sách để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo.

Để nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phát triển bền vững, Ban Chỉ đạo xác định việc thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Cần phải đổi mới tư duy, phương pháp luận và có cách tiếp cận toàn diện hơn, lấy người dân là trung tâm, việc xây dựng chính sách đều hướng tới người dân. Người dân vừa là đối tượng, vừa là chủ thể triển khai thực hiện các giải pháp của Chiến lược.

Cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện 

Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, cơ quan, địa phương cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, nâng cao tinh thần và vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược, định kỳ báo cáo, đánh giá tình hình triển khai Chiến lược theo quy định. Trong đó lưu ý:

Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo chủ động thực hiện đầy đủ trách nhiệm của thành viên Ban Chỉ đạo, chỉ đạo bộ, ngành mình tích cực, sáng tạo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Bố trí nguồn lực và kinh phí phù hợp để ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, nhất là sự mong đợi của người dân và doanh nghiệp. Phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong Ban Chỉ đạo, gắn bó, sâu sát với công việc để tạo ra sức mạnh tập thể, trí tuệ tập thể nhằm thực hiện các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo: là đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan triển khai đồng bộ, thống nhất các nhiệm vụ của Chiến lược; tập trung hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng gắn liền với gia tăng năng lực quản lý giám sát, đảm bảo an toàn hệ thống; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm dịch vụ, các kênh cung ứng dịch vụ, đặc biệt là ứng dụng các giải pháp công nghệ số để đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng đầy đủ và phù hợp các nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế; làm tốt công tác truyền thông, định hướng để tạo ra động lực, phong trào lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân, toàn xã hội, trong đó chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên nhằm sớm tiếp cận, hình thành tư duy quản lý tài chính; tích cực học hỏi kinh nghiệm các quốc gia, tham gia các khuôn khổ hợp tác, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện nhằm tăng cường hội nhập quốc tế về tài chính toàn diện, tiếp cận hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong triển khai Chiến lược.

Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến các doanh nghiệp sử dụng nền tảng số.

Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn triển khai chính sách mới về bảo hiểm vi mô; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tính chất cho vay và bảo lãnh tín dụng; phổ biến kiến thức, chính sách có liên quan đến tài chính, ý thức tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thu, nộp thuế, phí, lệ phí...

Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các quy định về thông tin, kết nối, làm cơ sở quan trọng, nền tảng cho các bộ ngành khác khai thác, sử dụng.

Đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia

Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy nhanh tiến độ lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia để góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, tạo ra phong trào thiết thực, hiệu quả đối với sinh viên, học sinh, hài hòa lợi ích của cá nhân và lợi ích quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để người nông dân dễ dàng tiếp cận với khoa học, công nghệ, nguồn vốn, dịch vụ tài chính để phát triển nông nghiệp.

Bộ Ngoại giao tham khảo quốc tế, phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các chương trình, quốc tế có nội dung về tài chính toàn diện, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính toàn diện.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội, trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về tài chính toàn diện.

Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tích cực triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược, cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược tại địa phương mình; chủ động lồng ghép các mục tiêu về tài chính toàn diện vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tài chính toàn diện để người dân và doanh nghiệp hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện; chỉ đạo nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, nhất là các đối tượng người nghèo, người thu nhập thấp, những đối tượng yếu thế trong xã hội, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để thực hiện thành công công cuộc xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 23/8/2022 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch năm 2022 bàn về tình hình triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi du lịch.

Tại Thông báo trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức rà soát, đánh giá lại tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp; chủ động phối hợp, hỗ trợ các nhóm doanh nghiệp du lịch nòng cốt để tăng cường liên kết giữa các địa phương và triển khai các hoạt động định hướng cho việc thúc đẩy phục hồi du lịch trên phạm vi cả nước; khởi động lại hoạt động số hoá di sản với sự tham gia của doanh nghiệp du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc kiện toàn nhân sự tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch; có thể xem xét, bổ sung thêm cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo (nếu cần thiết), bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương liên quan đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết những vấn đề vướng mắc để giải ngân nguồn kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch phục vụ các nhiệm vụ tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và cơ quan liên quan rà soát, đề xuất việc kiến nghị mở rộng danh sách các nước, vùng lãnh thổ có tiềm năng gửi khách du lịch đến Việt Nam được xét cấp thị thực điện tử.

Đồng thời, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả triển khai các đề án, nhiệm vụ được giao tại Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2017); chủ trì sơ kết, đánh giá 05 năm thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW trong Quý IV năm 2022, đề xuất việc điều chỉnh, bổ sung (nếu cần thiết) bảo đảm phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam; nghiên cứu mở rộng danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ được cấp thị thực điện tử, báo cáo Chính phủ trong năm 2022.

Điều chỉnh giá điện cho cơ sở lưu trú bằng giá điện sản xuất

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; nghiên cứu phương án sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ cho các hoạt động xúc tiến du lịch tại nước ngoài.

Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện phương án điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2022./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-23-8-102220824085127969.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 27 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25421 sec| 729.609 kb