Công điện của của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 40/CĐ-TTg ngày 25/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố chìm thuyền trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng các Bộ: Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Báo cáo nhanh số 17/BC-VP ngày 25 tháng 4 năm 2024 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh: sáng ngày 25 tháng 4 năm 2024 trên sông Chanh thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra sự cố chìm thuyền, làm 04 người mất tích (02 người còn lại tự bơi được vào bờ).
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình người bị nạn, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan có liên quan tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục sự cố, tập trung một số nhiệm vụ sau:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung tìm kiếm những người còn mất tích với tinh thần khẩn trương nhất, kịp thời nhất.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị nạn theo đúng quy định; chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra cụ thể nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm để kịp thời rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
3. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an theo chức năng quản lý nhà nước được giao chủ động chỉ đạo các địa phương trong cả nước và cơ quan chức năng tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc các chủ phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu, thuyền du lịch, đánh cá và vận tải) triển khai công tác bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên sông, trên biển, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa thường xảy ra dông, lốc bất ngờ; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn, không trang bị phao cứu sinh, không mặc áo phao theo quy định.
4. Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi tình hình, chủ động phối hợp, hỗ trợ địa phương triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn theo quy định.
5. Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền.
6. Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện Công điện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời, xác định các danh mục dự án cụ thể, xác định tiến độ thực hiện các chương trình, dự án theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.
Định hướng cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.
Quyết định nêu: Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm các phân ngành: dầu khí, than, điện, năng lượng mới và tái tạo với các nhiệm vụ từ điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò, khai thác, sản xuất, tồn trữ, phân phối đến sử dụng và các hoạt động khác có liên quan.
Các quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng tại Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 2/12/2019 của Chính phủ được tích hợp vào Quy hoạch năng lượng quốc gia bao gồm Quy hoạch phát triển ngành dầu khí, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí, Quy hoạch phát triển ngành than, Quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ không được tiếp tục thực hiện như quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch.
- Phân ngành dầu khí: Phân ngành dầu khí bao gồm các lĩnh vực sau: (i) tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; (ii) công nghiệp khí; (iii) chế biến dầu khí; (iv) vận chuyển, tồn trữ và phân phối sản phẩm dầu khí.
- Phân ngành than: Phân ngành than bao gồm các đề án/dự án về: (i) thăm dò than; (ii) khai thác than; (iii) sàng tuyển, chế biến than; (iv) hạ tầng phục vụ phát triển ngành than (bao gồm cảng xuất, nhập than và các dự án hạ tầng khác); (v) đóng cửa mỏ.
- Phân ngành năng lượng mới và tái tạo: Phân ngành năng lượng mới và tái tạo gồm các lĩnh vực sau: (i) năng lượng gió; (ii) năng lượng mặt trời; (iii) năng lượng sinh khối, nhiên liệu sinh học, khí sinh học; (iv) năng lượng chất thải rắn; (v) thủy điện nhỏ; (vi) năng lượng tái tạo khác (thủy triều, sóng biển, địa nhiệt); (vii) năng lượng mới (hydro, amoniac, các nhiên liệu có nguồn gốc từ hydro, nhiên liệu tổng hợp...).
Định hướng phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ,...) để sản xuất năng lượng mới (hydro, amoniac xanh,...) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Các nguồn điện năng lượng tái tạo sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu được ưu tiên/cho phép phát triển không giới hạn trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành một ngành kinh tế mới của đất nước.
- Phân ngành điện: Phân ngành điện thực hiện theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quyết định cũng ban hành Danh mục dự án và tiến độ cụ thể đối với các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư trong lĩnh vực năng lượng; Danh mục các dự án quan trọng có tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng và Danh mục các dự án khác (ngoài các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư).
Dự kiến nhu cầu sử dụng đất, vốn đầu tư
Nhu cầu đất cho phát triển cơ sở và kết cấu hạ tầng ngành năng lượng khoảng 93,54 - 97,24 nghìn ha trong giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng khoảng 171,41 - 196,76 nghìn ha giai đoạn 2031 - 2050. Diện tích mặt biển cho các công trình ngoài khơi, đến năm 2030 ước tính khoảng 334.800 ha, đến năm 2050 khoảng 1.302.000 - 1.701.900 ha.
Quyết định nêu rõ toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án ngành năng lượng sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công. Tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư các giai đoạn như sau: Giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.640 - 1.887 nghìn tỷ đồng; Giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 2.493 - 2.921 nghìn tỷ đồng.
Các đề án về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường năng lực của ngành điện sử dụng nguồn vốn đầu tư công (theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Xây dựng chính sách đầu tư, phát triển ngành năng lượng cân đối và bền vững
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch hiệu quả tuân thủ theo đúng quy định của Luật Quy hoạch và pháp luật có liên quan, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng cơ sở dữ liệu năng lượng, bao gồm dữ liệu về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch để làm cơ sở giám sát tình hình thực hiện quy hoạch. Thường xuyên rà soát tình hình phát triển cung cầu năng lượng, tiến độ thực hiện các dự án năng lượng để đề xuất các giải pháp điều chỉnh cung ứng năng lượng, tiến độ nêu cần thiết, đảm bảo cung cầu năng lượng của nền kinh tế. Cung cấp các dữ liệu Quy hoạch năng lượng quốc gia phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các phân ngành năng lượng (dầu khí, than, điện lực, năng lượng tái tạo) nhằm tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, đảm bảo nguyên tắc: Đối với các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đã quyết định đầu tư nhưng nếu đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, thi hành bản án (nếu có) thì chỉ được tiếp tục triển khai thực hiện sau khi đã thực hiện đầy đủ theo các kết luận của thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán và thi hành bản án (nếu có) và phải được cấp thẩm quyền chấp thuận theo quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, vốn ODA và vốn đầu tư tư nhân cho phát triển ngành năng lượng đồng bộ, cân đối và bền vững...
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 336/QĐ-TTg ngày 24/4/2024 thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Festival Huế trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại trực thuộc Sở Công Thương.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện chức năng xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
Trung tâm có tư cách pháp nhân, con dấu, trụ sở làm việc đặt tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm; chỉ đạo việc tổ chức thực hiện điều chuyển tài sản, tài chính và viên chức, người lao động từ Trung tâm Festival Huế, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại về Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Trung tâm xây dựng lộ trình thực hiện tự chủ tài chính theo quy định của pháp luật.
Chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu dân cư-tái định cư Long Hậu 3
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 260/TTg-NN chấp thuận UBND tỉnh Long An quyết định chuyển mục đích sử dụng 14,80 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp để thực hiện Dự án Khu dân cư - tái định cư Long Hậu 3 trên địa bàn huyện Cần Giuộc.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chịu trách nhiệm về nội dung và số liệu báo cáo, tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đảm bảo thống nhất hồ sơ và thực địa, đảm bảo chỉ tiêu đất trồng lúa được Thủ tướng Chính phủ phân bổ; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm và hiệu quả, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc bóc tách sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật; thường xuyên kiểm tra, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa khi dự án đủ điều kiện và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thẩm định, kết quả thẩm định và nội dung kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án Khu dân cư - tái định cư Long Hậu 3 trên địa bàn huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, bảo đảm theo đúng quy định./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-25-4-102240426084654021.htm