Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 30/1/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 07/NQ-CP giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức thuê đất trả tiền hằng năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo nội dung quy định trên.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế gạch đầu dòng thứ tư điểm a mục 3 phần II Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 18/TB-VPCP ngày 30/1/2023 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.
Thông báo nêu rõ, Quảng Ngãi là vùng đất có bề dày lịch sử với nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, giàu truyền thống cách mạng, anh hùng, bất khuất; là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sinh ra nhiều danh tướng, chí sĩ và lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Quảng Ngãi thuộc vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, biển, đảo, bảo đảm quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước. Tỉnh Quảng Ngãi có hệ thống giao thông thuận lợi (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không, Cảng Dung Quất), là cửa ngõ ra biển của hành lang Đông - Tây nối với tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Con người Quảng Ngãi có nghị lực, có ý chí vươn lên mạnh mẽ, có sức sáng tạo và truyền thống hiếu học, lao động cần cù. Quảng Ngãi có tiềm năng phát triển du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quảng Ngãi tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra, nhất là trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh, thúc đẩy tham gia nhanh vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao
Quảng Ngãi cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn...; nâng cao hiệu quả khu kinh tế, khu công nghiệp. Tập trung xây dựng và phát triển Khu kinh tế Dung Quất theo điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 và Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi giai đoạn 2 (chú trọng công nghệ cao) để tạo động lực phát triển mới trong giai đoạn tới.
Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức đối tác công tư, xây dựng cơ chế chính sách để tăng cường huy động mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục rà soát lại kế hoạch đầu tư công, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún, chia cắt.
Tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Quảng Ngãi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, thích ứng biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tăng cường kết nối, hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu, khả năng cạnh tranh cao. Phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, điều kiện tự nhiên, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn. Chú trọng liên kết tạo chuỗi giá trị giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực khác. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại như vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm; quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế; tạo không gian và động lực phát triển mới. Khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học
Tỉnh cần chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên nền tảng phát triển chính quyền số, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh.
Bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và các di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc và con người Quảng Ngãi. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Đẩy mạnh truyền thông chính sách, triển khai có hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027"; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Công nhận 27 bảo vật quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 30/1/2023 công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11, năm 2022).
Cụ thể, 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia gồm:
1- Sưu tập công cụ sơ kỳ đá cũ An Khê, niên đại: 800.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai.
2- Trống đồng Tiên Nội I, niên đại: Văn hoá Đông Sơn (khoảng thế kỷ IV - III trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.
3- Trống đồng Kính Hoa II, niên đại: Thế kỷ II - I trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.
4- Thạp đồng Văn hoá Đông Sơn, niên đại: Cách ngày nay 2200 - 2300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên); hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
5- Thạp đồng Kính Hoa, niên đại: Thế kỷ III - II trước Công nguyên; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính, thành phố Hà Nội.
6- Sưu tập đàn đá Bình Đa, niên đại: Từ 3000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai.
7- Mukhalinga Ba Thê, niên đại: Thế kỷ VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang.
8- Cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn, niên đại: Nửa sau thế kỷ XII; hiện lưu giữ tại Khu di tích Thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
9- Hai chiếc đĩa gốm men ngọc, niên đại: Thời Lý, thế kỷ XI - XII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
10- Đĩa gốm men lam tím; niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
11- Đầu rồng thời Trần, niên đại: Thế kỷ XIII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
12- Bia chùa Giàu (Ngô gia thị bi), niên đại: Năm Bính Ngọ (1366), niên hiệu Đại Trị thứ 9; hiện lưu giữ tại chùa Giàu, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.
13- Bia đá chùa Tĩnh Lự, niên đại: Ngày 28 tháng Tám năm Mậu Tý (1648), niên hiệu Phúc Thái thứ 6; hiện lưu giữ tại chùa Tĩnh Lự, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
14- Chuông chùa Rối, niên đại: Nửa cuối thế kỷ XIV; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.
15- Lư hương gốm hoa lam, niên đại: Thời Lê sơ, thế kỷ XV; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
16- Tượng Quan Thế Âm chùa Cung Kiệm, niên đại: Năm Kỷ Tỵ (1449), niên hiệu Thái Hoà thứ 7; hiện được thờ tại chùa Cung Kiệm - Thượng Phúc tự, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
17- Sưu tập bát, đĩa gốm hoa lam ngự dụng thời Lê sơ, niên đại: Thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
18- Sưu tập vũ khí Trường Giảng Võ, niên đại: Thế kỷ XV - XVIII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội.
19- Bệ thờ đất nung đền An Xá, niên đại: Khoảng thế kỷ XVI; hiện lưu giữ tại đền An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
20- Hai đài đồng đốt trầm, nắp tượng nghê, niên đại: Thế kỷ XVI - XVII; hiện lưu giữ tại Sưu tập tư nhân An Biên, thành phố Hải Phòng.
21- Bộ thành bậc Điện Kính Thiên, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
22- Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Phổ Minh, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện được thờ tại chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
23- Súng Thần công thời Lê Trung hưng, niên đại: Thế kỷ XVII; hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
24- Kim sách tấn phong Quốc mẫu Vương Thái phi, niên đại: Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 57 (1796), hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
25- Tượng An Dương Vương, niên đại: Ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1897); hiện được thờ tại Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.
26- Tượng "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh", niên đại: Năm 1946; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
27- Xe tăng T59 số hiệu 377, niên đại: Năm 1972; hiện lưu giữ tại Ủy ban nhân dân huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có bảo vật quốc gia, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, người đứng đầu ngành, tổ chức được giao quản lý bảo vật quốc gia được công nhận ở trên trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý đối với bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa./.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-30-1-102230131084917274.htm