Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/5

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/5
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông cáo báo chí chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 5/5.

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 21/2023/NĐ-CP ngày 5/5/2023 quy định về bảo hiểm vi mô.

Theo quy định, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô bao gồm:

- Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe (doanh nghiệp bảo hiểm), chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam;

- Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

Số tiền bảo hiểm và số phí bảo hiểm tối đa của sản phẩm bảo hiểm vi mô

Nghị định quy định số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng và sức khỏe không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

Số tiền bảo hiểm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm và không vượt quá 05 lần thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm.

Phí bảo hiểm năm của từng hợp đồng bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm vi mô không vượt quá 5% thu nhập bình quân đầu người hàng năm của chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực thành thị theo quy định của Chính phủ tại thời điểm triển khai sản phẩm. Phí bảo hiểm phải tương ứng với quyền lợi bảo hiểm.

Nghị định cũng quy định rõ sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai và sản phẩm bảo hiểm vi mô do Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô triển khai.

Sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ rủi ro sức khỏe có thời hạn không quá 5 năm

Đối với sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai, Nghị định quy định doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai sản phẩm bảo hiểm vi mô cần đáp ứng quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm; Điều 3, Điều 4 và Điều 6 Nghị định này.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ được cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng, sức khỏe có thời hạn không quá 05 năm.

Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được cung cấp: Các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng, sức khỏe có thời hạn từ 01 năm trở xuống; các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tài sản có thời hạn không quá 05 năm.

Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe được cung cấp: Các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về tính mạng có thời hạn từ 01 năm trở xuống; các sản phẩm bảo hiểm vi mô bảo vệ các rủi ro về sức khỏe có thời hạn không quá 05 năm.

Nghị định nêu rõ, tên của sản phẩm bảo hiểm vi mô do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài triển khai phải có thành tố "Sản phẩm bảo hiểm vi mô" để phân biệt với các sản phẩm bảo hiểm khác của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Đối với sản phẩm bảo hiểm vi mô do Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô triển khai, Nghị định quy định, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chỉ được triển khai các sản phẩm bảo hiểm vi mô có thời hạn từ 01 năm trở xuống nhằm đáp ứng nhu cầu của thành viên. Sản phẩm bảo hiểm bao gồm một hoặc một số quyền lợi cụ thể như sau:

1- Quyền lợi chăm sóc sức khỏe: Hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí nằm viện, phẫu thuật cho người được bảo hiểm khi người được bảo hiểm nằm viện hoặc phẫu thuật thuộc phạm vi bảo hiểm.

2- Quyền lợi bảo hiểm tai nạn: Chi trả số tiền bảo hiểm tương ứng với tỷ lệ thương tật do tai nạn của người được bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm vi mô khi người được bảo hiểm bị thương tật do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm.

3- Quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn: Chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm vi mô khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm.

4- Quyền lợi trợ cấp mai táng: Chi trả thêm một khoản hỗ trợ mai táng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm vi mô khi quyền lợi bảo hiểm tử vong được chi trả.

5- Quyền lợi bảo hiểm tài sản: Chi trả bồi thường bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm vi mô khi tài sản được bảo hiểm bị thiệt hại do các nguyên nhân thuộc phạm vi bảo hiểm.

Công điện của Thủ tướng Chính phủ về khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 365/CĐ-TTg ngày 4/5/2023 chỉ đạo khẩn trương rà soát, kịp thời xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Công điện nêu rõ:

Thời gian qua, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy chế làm việc của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (gọi chung là bộ, cơ quan) và các địa phương đã tăng cường quan hệ công tác, phối hợp giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, góp phần tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - của các địa phương và cả nước.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng nhiều kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi các bộ, cơ quan chưa được giải quyết, trả lời, hướng dẫn kịp thời, cá biệt có một số trường hợp rất chậm trễ, để tồn đọng kéo dài; có trường hợp trả lời, hướng dẫn nhưng còn chung chung, né tránh, không rõ quan điểm, không đúng vấn đề cần được giải quyết; việc phối hợp giữa một số bộ, cơ quan để giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương nhiều lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; một số cơ quan chủ trì lạm dụng việc lấy ý kiến phối hợp để né tránh trách nhiệm của bộ, cơ quan mình …

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu quả và kịp thời xử lý công việc, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước; Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022; tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2023, tăng cường quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ với chính quyền địa phương trong xử lý công việc; trong đó khẩn trương, nghiêm túc thực hiện ngay các nội dung sau:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ:

a) Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đồng thời phát huy trách nhiệm của lãnh đạo Bộ, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức trong giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, các bộ, ngành và phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần giải quyết kịp thời, dứt điểm nhằm góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành, phục vụ lợi ích của Nhân dân và đất nước.

b) Tập trung, khẩn trương rà soát các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, ngành đã được gửi đến các bộ, cơ quan và chịu trách nhiệm giải quyết theo thẩm quyền, đúng thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ, đặc biệt phải giải quyết ngay những vấn đề tồn đọng, quá thời hạn chưa được xử lý, không để tiếp tục chậm trễ, kéo dài.

Trường hợp vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, bộ, ngành thì các bộ, cơ quan nhận được kiến nghị, đề xuất phải có văn bản trả lại ngay, nêu rõ lý do và căn cứ của việc không xem xét, giải quyết, không phải thẩm quyền; đồng thời có hướng dẫn phù hợp (nếu cần thiết).

c) Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành cần phải lấy ý kiến các bộ, cơ quan liên quan:

- Khi nhận được kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành; các bộ, cơ quan chủ trì phải có ngay văn bản gửi các bộ, cơ quan liên quan để lấy ý kiến, trong đó nêu rõ vấn đề lấy ý kiến, thời hạn trả lời. Tuyệt đối không lấy ý kiến phối hợp của bộ, cơ quan không liên quan. Quá trình lấy ý kiến, bộ, cơ quan chủ trì cần chủ động, tích cực phối hợp, đôn đốc, trao đổi trực tiếp để bộ, cơ quan phối hợp có ý kiến trả lời kịp thời, đúng hạn.

Sau khi nhận được ý kiến của bộ, cơ quan phối hợp; bộ, cơ quan chủ trì có trách nhiệm xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc có văn bản trả lời, hướng dẫn ngay, rõ ràng, dứt khoát, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

- Trường hợp quá hạn mà bộ, cơ quan được lấy ý kiến không trả lời hoặc chậm trả lời thì xử lý theo đúng quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm c Khoản 1 Công điện số 280/CĐ-TTg.

d) Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, bộ, ngành bảo đảm không bỏ sót, chậm trễ trong xử lý công việc.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

a) Chủ động, tích cực thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn; chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật; không trình, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Trung ương theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 280/CĐ-TTg.

b) Rà soát các văn bản đề nghị của địa phương đã gửi đến các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương mà chưa được giải quyết; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tích cực, chủ động phối hợp, trao đổi và thường xuyên đôn đốc. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị làm việc với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan để xử lý kịp thời các kiến nghị, đề xuất của địa phương theo đúng quy định tại Khoản 4 Điều 11 Quy chế làm việc của Chính phủ.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Công điện này; báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách trước ngày 15 tháng 5 năm 2023 về những đề nghị của địa phương, bộ, ngành vẫn chưa được các bộ, cơ quan xem xét, giải quyết để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

4. Văn phòng Chính phủ chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có liên quan đến địa phương. Trên cơ sở báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, hằng tháng, Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của bộ ngành, địa phương và có biện pháp chỉ đạo, đôn đốc kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 5/5/2023 chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

Cụ thể, Phó Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 2579/TTg-KTN ngày 16/12/2014, được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phê duyệt tại Quyết định số 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014; được Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 0551553522 ngày 21/6/2016.

Điều chỉnh thông tin của Nhà đầu tư 

- Tên nhà đầu tư: Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn.

- Địa chỉ trụ sở: số 208 đại lộ Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

- Đăng ký kinh doanh: số 4300378569 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi cấp lần đầu ngày 5/6/2008, đăng ký thay đổi lần thứ 14 ngày 8/11/2021.

- Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Ngọc Dương, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Điều chỉnh mục tiêu đầu tư

Đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện hữu để nâng công suất chế biến của nhà máy từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ; nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho Nhà máy; nâng cao hiệu quả đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, đặc biệt khu vực Trung bộ.

Điều chỉnh quy mô đầu tư

- Bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi để đáp ứng công suất nhà máy 171.000 thùng/ngày, gồm:

+ Bổ sung 05 phân xưởng công nghệ bản quyền mới gồm: (1) Phân xưởng xử lý xăng bằng hydro (GHDT); (2) Phân xưởng xử lý diesel bằng hydro (DHDT); (3) Phân xưởng Alkyl hoá (ALK); (4) Phân xưởng sản xuất hydro (HGU); (5) Phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (SRU3/4).

+ Bổ sung 02 phân xưởng công nghệ không bản quyền gồm: (1) Phân xưởng xử lý nước chua (SWS2) và (2) Phân xưởng tái sinh Amin (ARU2).

+ Các phân xưởng công nghệ cần hiệu chỉnh, cải hoán: (1) Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU); (2) Phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi (RFCC); (3) Phân xưởng xử lý Naptha bằng Hydro (NHT); (4) Phân xưởng Isome hóa (ISOM); (5) Phân xưởng reforming xúc tác liên tục (CCR); (6) Phân xưởng thu hồi propylen (PRU); (7) Phân xưởng xử lý dầu hỏa (KTU); (8) Phân xưởng xử lý khí hóa lỏng (LTU); (9) Phân xưởng xử lý dầu nhẹ bằng Hydro (LCO-HDT).

+ Các phân xưởng phụ trợ, ngoại vi: thực hiện cải hoán, lắp mới một số hạng mục, thiết bị hoặc cụm phân xưởng để đáp ứng công suất tăng thêm của nhà máy.

Điều chỉnh vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn được Nhà đầu tư đăng ký

Tổng vốn đầu tư khoảng 31.235 tỷ đồng, tương đương 1,257 tỷ USD (theo tỷ giá: 01 USD = 24.858 VND).

Nguồn vốn (theo cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay: 40/60, Nhà đầu tư được xem xét điều chỉnh cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay cho phù hợp với thực tế khả năng cân đối nguồn và đem lại hiệu quả cao hơn):

+ Vốn chủ sở hữu: 12.494 tỷ đồng, tương đương: 503 triệu USD.

+ Vốn vay: 18.741 tỷ đồng, tương đương 754 triệu USD.

Vốn cần phải cân đối nguồn là: 27.299 tỷ đồng (được tính từ sơ bộ tổng mức đầu tư trừ (-) thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện), gồm:

+ Vốn chủ sở hữu: 10.920 tỷ đồng.

+ Vốn vay: 16.379 tỷ đồng.

Điều chỉnh tiến độ thực hiện

Dự án triển khai Hợp đồng EPC dự kiến 37 tháng. Nhà máy đưa vào vận hành Quý I năm 2028.

Thủ tướng Chính phủ quyết định về nhân sự 3 cơ quan 

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành các quyết định về nhân sự 3 cơ quan: Bộ Y tế, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam.

Cụ thể, tại Quyết định 480/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 1/4/2023 và hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành.

Tại Quyết định 481/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tại Quyết định 479/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Thu Hiền kể từ ngày 26/7/2023 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ tư ngày 19/4/2023

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 169/TB-VPCP ngày 5/5/2023 kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tại Phiên họp thứ tư ngày 19/4/2023.

Tại Thông báo nêu, về công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo các cấp luôn coi cải cách hành chính (CCHC) là đột phá chiến lược trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nhiệm vụ chính trị của mình hàng năm, thường xuyên chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá về các kết quả đạt được trong CCHC nói chung, cải cách TTHC nói riêng.

Cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh

Nhận thức và hành động về CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt phương châm: Cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, lấy con người là trung tâm, cải cách đóng vai trò dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ và thúc đẩy.

Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với chuyển đổi số được chú trọng, đẩy mạnh hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành: Các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa gần 1,1 nghìn quy định của 10 bộ, cơ quan. Các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh .

Chất lượng dịch vụ công trực tuyến được cải thiện: Đã cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã có 250 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia.

Đơn giản hóa TTHC nội bộ gắn với chuyển đổi số, phân cấp trong giải quyết TTHC được quan tâm, chỉ đạo tích cực hơn; việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa chế độ báo cáo được đẩy mạnh.

Năm 2022, kết quả Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính đều đạt trên 80%, cơ bản phản ánh đúng thực trạng triển khai công tác CCHC tại các bộ, cơ quan, địa phương; trong đó, kết quả đánh giá một số lĩnh vực, tiêu chí đã cho thấy sự cải thiện rõ nét so với năm 2021.

TTHC một số lĩnh vực còn chồng chéo

Tuy nhiên, CCHC vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Tiến độ xử lý văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách tại một số nơi, một số bộ, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. TTHC trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, chưa sát thực tế, chưa đúng yêu cầu của Chính phủ, còn nhiều rào cản, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh còn chậm, thậm chí một số bộ chưa trình phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh; chưa huy động được sự tham gia tích cực của hiệp hội, doanh nghiệp, người dân, những đối tượng có liên quan trong quá trình CCHC cũng như cải cách TTHC….

Nhiều ách tắc, "điểm nghẽn" trong Đề án 06 vẫn chưa được các bộ, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế có cả chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như: Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục, chưa đúng tầm, chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Một số cơ quan, đơn vị chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhất là vai trò của người đứng đầu. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Việc công bố, công khai TTHC, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời. Việc thực hiện quy định không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy hoặc xác nhận thông tin về cư trú chưa nghiêm…

Quan điểm chỉ đạo, điều hành

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành CCHC, Thông báo nêu rõ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược được đề ra từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, vì vậy, cần xác định đầu tư cho CCHC, cải cách TTHC là đầu tư cho phát triển, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.

Mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi cá nhân, tập thể có liên quan phải bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, chính sách pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CCHC, cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số theo phương châm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ một cách thực chất và hiệu quả hơn; đẩy mạnh kết nối, dữ liệu, bảo đảm "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt" vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích người dân.

Thống nhất quan điểm gắn cải cách TTHC với chuyển đổi số; cải cách TTHC đóng vai trò dẫn dắt, ứng dụng CNTT là công cụ hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề ra, thực hiện hiện đại hóa nền hành chính quốc gia.

Tăng cường đoàn kết, kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tính quyết đoán, quyết liệt ở mỗi cấp, mỗi ngành; chú trọng công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai nhiệm vụ, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, đạt được mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường khả năng thực thi của cấp dưới, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chính xác, khách quan kết quả, hiệu quả đạt được trong công tác triển khai các đề án, nhiệm vụ đã đề ra.

Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, không dám đề xuất của một bộ phận cán bộ, công chức; đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, các bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương; dứt khoát không xử lý những nhiệm vụ không thuộc thẩm quyền, đồng thời không đẩy nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của mình lên cho cấp trên. Các bộ, ngành, địa phương phải có phản ứng chính sách, xử lý các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp một cách chủ động, nhanh chóng, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức chưa làm tốt trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, bên cạnh đó khuyến khích, bảo vệ, động viên, khen thưởng kịp thời những người làm tốt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác CCHC, cải cách TTHC, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, phường về trình độ, năng lực, phẩm chất, về trách nhiệm vì dân, vì nước, vì quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Chú trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách về những vấn đề mới, vấn đề sửa đổi, bổ sung, vấn đề còn có ý kiến khác nhau, những khó khăn, vướng mắc trong thực thi cần được chia sẻ.

Các nhiệm vụ trọng tâm

Ban chỉ đạo CCHC yêu cầu trong thời gian tới các thành viên của Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành, địa phương mình theo Kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá cán bộ. Đồng thời, chỉ đạo triển khai hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2023 của bộ, ngành, địa phương mình.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của mình để thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, cắt giảm các TTHC không cần thiết; nghiên cứu kỹ lưỡng việc áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; thực hiện tham vấn chính sách, tương tác với người dân, chuyên gia, nhà khoa học, các hiệp hội, doanh nghiệp đối với các quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm xây dựng chính sách sát với thực tế, có tính khả thi, dễ đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động ban hành hoặc đề xuất xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thúc đẩy CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Các bộ, ngành đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 Nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023.

Các bộ, ngành phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp. Kết nối, tích hợp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2021.

Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giải quyết TTHC; đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, "điểm nghẽn" về hoàn thiện thể chế.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, nhất là TTHC nội bộ, kịp thời sửa đổi những quy định chưa phù hợp, chưa sát thực tế, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, như: về phòng cháy, chữa cháy, đầu tư công, tài chính, ngân sách, định giá đất đai, giao đất, giao rừng...

Miễn, giảm lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.

Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền. Thúc đẩy tiến độ chuẩn hóa chế độ báo cáo, xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.

Nâng cao mức độ hài lòng của người dân trên 85%

Ban chỉ đạo CCHC yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phấn đấu một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

+ Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, phấn đấu năm 2023 đạt trên 85%, đến năm 2025 đạt 95%;

+ Tỷ lệ giải quyết đúng hạn TTHC đạt trên 90%;

+ Đến cuối năm 2023, 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.

+ Yêu cầu các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng; các tỉnh như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Hậu Giang... cần phải đi đầu về chuyển đổi số trong cải cách TTHC.

Đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện

Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những giải pháp mới, sáng tạo, đột phá để tổ chức thực hiện Chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức, phô trương.

Tăng cường công tác kiểm tra CCHC, thanh tra công vụ nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp. Đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện và triển khai, xác định rõ các chỉ số để bảo đảm khoa học, khách quan, toàn diện.

Bộ Công an phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ kiểm tra an toàn thông tin, mạng, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành đánh giá tình hình nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng số của các bộ ngành, địa phương. Chỉ đạo việc mở rộng dung lượng băng thông đường truyền xóa vùng lõm sóng di động, cung cấp dịch vụ Internet chất lượng cao cho các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, ban hành mô hình mẫu và yêu cầu kỹ thuật tối thiểu cho các Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh. Thời hạn hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.

Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Nghị định: (1) về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; (2) về kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia.

Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, điểm nghẽn về thể chế, chính sách trong triển khai Đề án 06, trong sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế số, xã hội số và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam đẩy mạnh đơn giản hóa quy định kinh doanh, cải cách TTHC, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy hấp thụ vốn cho người dân, doanh nghiệp./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-5-5-10223050610244932.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 11 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.27298 sec| 766.297 kb