Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2024

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2024
Văn phòng Chính phủ vừa có thông cáo báo chí Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2/2024.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương

Chính phủ ban hành Nghị định 14/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

Trong đó, bổ sung thêm khoản 1a vào sau khoản 1 Điều 28.

Cụ thể, Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được cấp lại trong các trường hợp sau:

1- Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện bị mất, cháy, rách, nát hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác;

2- Thay đổi địa điểm đặt trụ sở Văn phòng đại diện sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Chậm nhất 90 ngày trước ngày dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở, tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài hoặc Văn phòng đại diện phải gửi thông báo về việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở đến các chủ nợ, người lao động trong Văn phòng đại diện, người có quyền, nghĩa vụ và lợi ích liên quan khác. Thông báo này phải nêu rõ thời điểm dự kiến thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện, phải niêm yết công khai tại trụ sở của Văn phòng đại diện và đăng báo viết hoặc báo điện tử được phép phát hành tại Việt Nam trong 03 số liên tiếp.

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 49/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên.

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Điện Biên và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã chủ động triển khai khá toàn diện công tác chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ theo chủ trương của Ban Bí thư tại văn bản số 8567-CV/VPTW ngày 29/11/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Đồng thời, biểu dương tỉnh Điện Biên thời gian qua đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường; trong điều kiện còn nhiều khó khăn đã nỗ lực, cố gắng trong việc cân đối nguồn lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên vào cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức Lễ kỷ niệm và đã cơ bản hoàn thành Đề án xây dựng 5.000 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.

Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, là lễ kỷ niệm cấp quốc gia đặc biệt quan trọng. Thời gian từ nay tới ngày tổ chức Lễ kỷ niệm không còn nhiều, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trực tiếp chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương, chủ động và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các công việc theo Đề án tổng thể các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên phát động, triển khai phong trào thi đua yêu nước chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; tăng cường các hoạt động truyền thông, thường xuyên họp báo cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, tăng cường giáo dục truyền thống cho Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; tổ chức tốt các hoạt động gặp gỡ, tri ân các chiến sĩ, dân công tham gia chiến dịch; tổ chức viết hồi ký, sưu tầm các tư liệu, hiện vật, câu chuyện về chiến thắng Điện Biên Phủ (bao gồm cả lực lượng vũ trang và dân công phục vụ) để mỗi người dân Điện Biên và cả nước tự hào với quê hương, đất nước, với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tạo khí thế mới, động lực mới, thắng lợi mới.

Thời gian tới cần nghiên cứu, tham khảo các nước trong việc xây dựng, thực hiện các dự án để ghi lại lịch sử và bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị chiến trường Điện Biên Phủ, xứng đáng với tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao, Đài truyền hình Việt Nam tổ chức họp báo trong nước và quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về Lễ kỷ niệm, về lễ hội và tết truyền thống, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, các điểm du lịch tiêu biểu…vv.

Ngoài các dự án, công trình do Trung ương hỗ trợ đầu tư, tỉnh Điện Biên lựa chọn một số công trình, dự án của địa phương để khởi động, công bố trước khi Lễ kỷ niệm diễn ra. Thời gian tới, Tỉnh cần nghiên cứu, triển khai việc trồng và phát triển cây hoa ban; phát động phong trào mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan cùng trồng hoa ban để tạo cảnh quan, môi trường và phát triển du lịch; đưa hoa ban trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và đưa Lễ hội hoa ban trở thành thương hiệu riêng có của tỉnh Điện Biên, tạo sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình "Mái ấm tình nghĩa, an sinh ", thực hiện dứt điểm và hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh trước ngày 30 tháng 4 năm 2024.

Bộ Quốc phòng chủ động và phối hợp chặt chẽ với tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan tổ chức tốt lễ diễu binh, diễu hành; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan xây dựng chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ Lễ kỷ niệm, trong đó cần chú trọng văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với tỉnh Điện Biên và các cơ quan liên quan tổ chức họp báo quốc tế về Lễ kỷ niệm trong tháng 3 năm 2024.

Về kinh phí thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và các bộ, cơ quan liên quan rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện Đề án theo đúng chủ trương của Ban Bí thư tại văn bản số 8567-CV/VPTW ngày 29/11/2023; đề xuất phương án hỗ trợ đối với nhu cầu kinh phí còn thiếu (nếu có) theo tinh thần tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và không trùng lắp với các nội dung đã hỗ trợ cho tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 1751/QĐ-TTg ngày 21/12/2023; kịp thời Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xác định cụ thể nội dung, quy mô, dự toán kinh phí cho các hoạt động thực hiện Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thuộc nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng mà chưa được dự toán, đảm bảo theo đúng quy định và chủ trương của Ban Bí thư tại văn bản số 8567-CV/VPTW ngày 29/11/2023; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bảo tồn, tôn tạo Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Về 02 dự án lựa chọn để khởi động, công bố trước khi Lễ kỷ niệm diễn ra theo ý kiến của Ban Bí thư tại văn bản số 8567-CV/VPTW ngày 29 tháng 11 năm 2023:

- Đối với Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia, Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương triển khai lập dự án; trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của các tập đoàn, doanh nghiệp khác) và phân kỳ đầu tư cho giai đoạn 2023 - 2025, hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2024.

Trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15 tháng 04 năm 2024 để tỉnh Điện Biên khởi động, công bố trước khi Lễ kỷ niệm diễn ra.

- Đối với Dự án bảo tồn, tôn tạo Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết hợp với cải tạo lại hệ thống cây xanh tại các điểm di tích, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên chủ trì phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai lập dự án; trong đó xác định rõ cơ cấu nguồn vốn (bao gồm vốn ngân sách địa phương, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn xã hội hóa) và phân kỳ đầu tư cho giai đoạn 2023 - 2025, hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2024.

Trên cơ sở đó, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất cụ thể phương án hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 15 tháng 04 năm 2024 để tỉnh Điện Biên khởi động, công bố trước khi Lễ kỷ niệm diễn ra.

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thành lập Tổ công tác để trực tiếp làm việc, hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Điện Biên triển khai lập 02 dự án nêu trên, đảm bảo tiến độ và chất lượng.

Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 171/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Đề án là nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên nhằm phát huy tốt chức năng của từng loại rừng, bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, tăng cường trữ lượng các - bon của rừng và phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, .

Đề án đặt mục tiêu cụ thể tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha, trong đó, rừng đặc dụng 36.000 ha; rừng phòng hộ 138.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 66.000 ha.

Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Đề án được triển khai, thực hiện trên phạm vi của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực trung du và miền núi thường xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, có diện tích rừng cần nâng cao chất lượng góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai thuộc 03 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Khuyến khích các địa phương khác có điều kiện phù hợp thực hiện các nội dung của Đề án này.

Đối với việc nâng cao chất lượng rừng ven biển (bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) thì thực hiện theo Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021.

Xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng rừng

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là rà soát hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng rừng.

Theo đó, rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo chủ quản lý rừng theo hướng sau:

Rừng đặc dụng: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng thuộc khu vực đại diện cho hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng còn diện tích ít, bị suy giảm về đa dạng sinh học.

Rừng phòng hộ: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng trồng chất lượng thấp thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; lưu vực của con sông, hồ lớn, đập thủy điện, thủy lợi; nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao.

Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng; ưu tiên đối với khu vực có địa hình dốc, nguy cơ sạt lở cao, lưu vực của sông, hồ, đập thủy điện, thủy lợi.

Xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng

Nhiệm vụ khác của Đề án là xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng. Cụ thể, trên cơ sở rà soát, xác định cụ thể về hiện trạng, đối tượng, diện tích, loại rừng theo chủ quản lý rừng, xây dựng dự án, phương án, kế hoạch nâng cao chất lượng rừng; trong đó xác định cụ thể các biện pháp kỹ thuật lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; làm giàu rừng và nuôi dưỡng rừng cho từng đối tượng rừng.

Lựa chọn loài cây trồng để nâng cao chất lượng rừng phù hợp với chức năng của từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) cho từng vùng sinh thái để bảo tồn hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng khả năng phòng hộ của rừng. Ưu tiên lựa chọn các loài cây bản địa; loài cây đa ; loài có sức chống chịu ở những điều kiện lập địa khác nhau; loài quý, hiếm có giá trị kinh tế, bảo tồn cao.

Về nhiệm vụ xây dựng mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng cho từng vùng, xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, đa loài, nâng cao khả năng bảo tồn của hệ sinh thái rừng và chức năng phòng hộ của rừng trên điều kiện lập địa khó khăn, vùng đất dốc, vùng khô hạn, cho từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên) và theo từng vùng sinh thái để triển khai, thực hiện; trên cơ sở theo dõi, đánh giá kết quả sẽ tổng kết, tài liệu hóa và nhân rộng mô hình ra các vùng, khu vực khác trên phạm vi cả nước.

Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 47/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Năm 2023, các cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia và các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các mặt công tác; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình công tác của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần bảo đảm cuộc sống người dân, ổn định an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, tình hình ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, đối tượng phạm tội về ma túy được lực lượng chức năng bắt giữ ngày càng tăng, vụ sau lớn hơn vụ trước; xuất hiện nhiều loại ma túy mới chưa có trong danh mục quản lý, ma túy pha trộn trong thuốc lá điện tử, các loại thực phẩm, nước uống; người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý không giảm, số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao phạm tội về ma túy và các tội phạm khác. Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam tình dục đồng giới vẫn gia tăng. Tình trạng môi giới, tổ chức các hoạt động mại dâm sử dụng công nghệ cao, xuyên biên giới ngày càng tinh vi, khó kiểm soát...

Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, khó khăn, trong khi một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đầy đủ, đúng mức đến công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS; việc bố trí kinh phí chưa tương xứng; cơ sở vật chất và nhân lực cho công tác cai nghiện ma túy chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều văn bản pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời…

Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia

Công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng, lâu dài, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là các cấp chính quyền địa phương, không phó mặc cho các lực lượng chức năng. Trong năm 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác này, trong đó tập trung một số nhiệm vụ sau:

Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan:

- Thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tại Thông báo kết luận số 154/TB-VPCP ngày 26 tháng 4 năm 2023 và số 411/TB-VPCP ngày 12 tháng 10 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

- Rà soát các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; kịp thời sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, bảo đảm đồng bộ, xuyên suốt.

- Chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ủy ban Quốc gia; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS.

- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ để kiểm soát người nghiện ma túy và tội phạm ma túy sử dụng công nghệ cao.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng "Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống, nâng cao hiệu quả cai nghiện ma túy" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 10058/VPCP-KGVX ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ.

Nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm vào chương trình giáo dục trong trường học

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Công an, Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan tăng cường phối hợp ở cả cấp trung ương và địa phương; đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan chức năng đồng cấp của nước ngoài để trao đổi thông tin, kinh nghiệm, vận động nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống ma tuý và mại dâm.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông có những hình thức tuyên truyền mới mẻ, sinh động, hấp dẫn để cho thấm, ngấm sâu vào từng người dân, đặc biệt là giới trẻ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để tuyên truyền.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm vào chương trình giáo dục trong trường học.

Quan tâm hơn nữa đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo, quan tâm hơn nữa đối với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS; chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia đối với công tác này.

Chủ động tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác để có những giải pháp riêng phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực của từng địa phương. Tăng cường phối hợp với các cơ quan trung ương và giữa các địa phương.

Rà soát, thống kê số người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy đúng với tình hình thực tế để có giải pháp và bố trí nguồn lực phù hợp đối với từng địa phương.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Đắk Nông và Kon Tum chủ động bố trí đất xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy, kịp thời báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan để bố trí vốn xây dựng cơ sở cai nghiện ma túy công lập cho 03 địa phương chưa có cơ sở cai nghiện ma túy.

Kế hoạch thực hiện Hiệp định công nhận lẫn nhau giấy phép lái xe quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 163/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về việc công nhận lẫn nhau giấy phép lái xe quốc tế.

Mục đích của phê duyệt Kế hoạch trên là nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Đại Hàn Dân Quốc về việc công nhận lẫn nhau giấy phép lái xe quốc tế (Hiệp định) phù hợp với các nguyên tắc của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp; giám sát và xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan.

Trong quá trình triển khai Hiệp định, đảm bảo hai bên thực hiện đầy đủ, đúng cam kết, trách nhiệm và nghĩa vụ, đảm bảo quyền lợi của người lái xe thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định.

Đồng thời, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức liên quan quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả Hiệp định.

Nội dung Kế hoạch gồm: Xây dựng pháp luật, thể chế; tổ chức thực hiện Hiệp định; thông tin, tuyên truyền, phổ biến về nội dung Hiệp định.

Trong đó, các Bộ ngành, địa phương liên quan sẽ sửa đổi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; sửa đổi Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 29/2015/TT-BGTVT ngày 06 tháng 7 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế và Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Công nhận giấy phép lái xe của phía Hàn Quốc, xử lý vi phạm và thiết lập kênh thông tin phối hợp thực hiện Hiệp định; xây dựng sổ tay hướng dẫn thực hiện Hiệp định.

Phổ biến tuyên truyền về Hiệp định và các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới để thực hiện Hiệp định cho các đối tượng có liên quan đặc biệt là các đối tượng có thể chịu tác động; chú trọng tập huấn cho đội ngũ công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan về các quy định liên quan đến việc cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế, bảo đảm đội ngũ công chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân, hiểu rõ, hiểu đúng, nhằm thực hiện Hiệp định đầy đủ và hiệu quả...

Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 16/QĐ-TCTCCTTHC ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Tổ công tác này.

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024 theo các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Kịp thời nắm bắt, chỉ đạo xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và của người dân thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.

Đồng thời, phát huy vai trò, công tác phối hợp chặt chẽ giữa Tổ công tác và Hội đồng cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, huy động sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải cách, nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Tổ chức đối thoại để lắng nghe, nhận diện các khó khăn thủ tục hành chính

Theo Kế hoạch, trong năm 2024, Tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc hoặc phối hợp chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính theo Kế hoạch cải cách thủ tục hành chính trọng tâm năm 2024; nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách.

Tổ chức hoặc tham gia đối thoại, làm việc bằng hình thức phù hợp với các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, nhận diện các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính là rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Đồng thời, tiếp nhận, tổng hợp các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, các thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (bao gồm cả những quy định trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật), báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo xử lý hoặc đề nghị bộ, ngành, địa phương xử lý theo thẩm quyền.

Chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng Mô hình mẫu về Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp Bộ phận Một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn...

Huyện Diễn Châu (Nghệ An) đạt chuẩn nông thôn mới

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 173/QĐ-TTg công nhận huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Phê chuẩn kết quả bãi nhiệm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 167/QĐ-TTg ngày 7/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bãi nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Trần Văn Tân./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-7-2-2024-102240208082850636.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.5 15 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26781 sec| 754.109 kb