Khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của cán bộ, công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình; tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đối với các đối tượng trên địa bàn, chú trọng đến các tầng lớp Nhân dân, chính sách về đất đai có tính đặc trưng của vùng, miền. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng thời hạn trong Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ.
Tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Công điện yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương là chủ dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia tích cực giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các "nút thắt" tạo điều kiện cho các địa phương.
Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25/2/2023 về việc tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý triển khai quyết liệt các giải pháp cần thiết để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt trong việc lập kế hoạch mua sắm, đấu thầu và tổ chức các giải pháp để có đủ thuốc, trang thiết bị y tế cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu, cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu giấy
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 28/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh thực hiện quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành kết nối và thực hiện tái cấu trúc quy trình, hoàn thiện quy trình nội bộ để khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, không yêu cầu người dân xuất trình hoặc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành trong Quý I năm 2023.
Định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, bổ sung các thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng, như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng…
Nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn…
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/2/2023 chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát đánh giá và tái cấu trúc toàn bộ quy trình nghiệp vụ các dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, hoàn thành trong tháng 9 năm 2023; đối với 53 dịch vụ công thiết yếu (tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ), hoàn thành trong tháng 6 năm 2023.
Tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn, hoàn thành trong tháng 6 năm 2023; lựa chọn những nhóm thủ tục hành chính gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ "làm thay, làm hộ" sang hỗ trợ, hướng dẫn để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật,…).
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 6/CT-TTg ngày 24/2/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, các bộ, ngành, địa phương phải quán triệt, thực hiện nghiêm mục tiêu, nguyên tắc bảo đảm an ninh hàng không (ANHK) như sau: ANHK là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành hàng không dân dụng Việt Nam, cần được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, phù hợp với tình hình an ninh quốc tế ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Xây dựng hệ thống bảo đảm ANHK vững mạnh, hiệu quả; lực lượng kiểm soát ANHK có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động thống nhất, chuyên nghiệp, đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm ANHK đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam; xây dựng kết cấu hạ tầng bảo đảm ANHK đồng bộ, hiện đại, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng
Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác ngoại giao kinh tế
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế để phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chương trình).
Mục tiêu của Chương trình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác ngoại giao kinh tế, trong đó cần quán triệt ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Thí điểm tác động vào rừng tự nhiên để làm các công trình tạm phục vụ thi công đường dây tải điện
Tại Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 23/2/2023, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thí điểm cho phép tác động vào rừng tự nhiên tại các xã: La Dêê, Chà Val, Tà Bhinh, Tà Pơơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam để làm các công trình tạm (đường công vụ và bãi tập kết vật liệu) phục vụ thi công các móng trụ của Dự án đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam).
Thay đổi thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Ngày 13/2/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 4/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Trong đó, Nghị định 4/2023/NĐ-CP sửa đổi thủ tục cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động kiểm định.
Tăng phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở
Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15/2/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Cụ thể, bổ sung khoản 7 vào Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau: Mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023:
Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Từ 01/8/2024, chỉ tuyển công chức đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào
Theo Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
Quy định mới về khung giá bán lẻ điện bình quân
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15/2/2023 ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia.
Theo Quyết định, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 03 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia (Tổng điều tra dân số và nhà ở; Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp; Tổng điều tra kinh tế) và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau.
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số xây nhà, khai hoang, phục hóa, cải tạo đất
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/2/2023 về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 và Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Theo quy định, ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để tạo mặt bằng, làm hạ tầng kỹ thuật đất ở hoặc để người dân tự ổn định chỗ ở theo hình thức xen ghép.
Ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng 01 căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng).
Ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 5/2023/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Theo Quyết định, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh gồm danh mục và nội dung của 154 chỉ tiêu thống kê.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp huyện gồm danh mục và nội dung của 51 chỉ tiêu thống kê.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp xã gồm danh mục và nội dung của 26 chỉ tiêu thống kê.
Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định số 80/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.
Về mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 là 10%/năm, cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 3 - 4%; công nghiệp xây dựng chiếm khoảng 47 - 48%; dịch vụ chiếm khoảng 38 - 39% và Thuế sản phẩm 9 - 10%; GRDP bình quân đầu người đạt 19.000 - 20.000 USD.
Tập trung nguồn lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng"
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/2/2023 ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".
Mục tiêu của Kế hoạch là triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" trong năm 2023.
Thống nhất nhận thức, hành động và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống khai thác IUU. Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng".
Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành. Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất mô hình tăng trưởng của ngành Công Thương cùng một mô hình quản trị nhà nước năng động, hiệu quả, hiện đại và có tính thích ứng cao để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững. Phấn đấu đến năm 2030 là nước có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao.
Về mục tiêu cụ thể, Đề án đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030.
Theo Báo Chính phủ
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-thang-2-2023-102230228173822783.htm