Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/7/2023

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/7/2023
Đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi; Công an cấp xã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/7/2023.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/7/2023
Đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.

Đề xuất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xuống 75 tuổi

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 114/NQ-CP ngày 28/7/2023 phiên họp Chính phủ tháng 7 năm 2023 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trong đó, Chính phủ cơ bản thống nhất đối với các vấn đề như giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi; mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc…

Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Công an cấp xã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về , trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh

Chính phủ ban hành Nghị định 56/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Nghị định số 96/2016/NĐ-CP).

Trong đó, Nghị định bổ sung quy định Công an cấp xã chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý các cơ sở kinh doanh, bao gồm: Cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú có quy mô kinh doanh dưới 10 phòng, cơ sở kinh doanh khí là hộ kinh doanh. 

Thủ tướng chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký văn bản 687/TTg-KTTH ngày 27/7/2023 về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là suất cho vay.

Đồng thời, khẩn trương thanh tra, kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong hoạt động cấp tín dụng, rà soát lại toàn bộ các thủ tục, điều kiện cấp tín dụng và có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời, thực chất, hiệu quả để tăng nhanh khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hoàn thành trong tháng 7 năm 2023. 

Trước 5/8, hoàn thành đề xuất thành lập BCĐ xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao

Tại văn bản 5676/VPCP-CN ngày 26/7/2023, về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trước ngày 05/8/2023, hoàn thành việc đề xuất thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (Đề án) và các dự án đường sắt tốc độ cao khác kết nối liên vùng và quốc tế trong hệ thống đường sắt quốc gia (Ban chỉ đạo) theo đúng quy định.

Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Phó Trưởng Ban; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội là thành viên Ban chỉ đạo.

Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 893/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, về bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050: Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 107 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 165 - 184 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050. Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 294 -311 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.

Nâng tổng mức dự trữ xăng dầu cả nước (bao gồm cả dầu thô và sản phẩm) lên 75 - 80 ngày nhập ròng vào năm 2030. Định hướng sau năm 2030, xem xét tăng dần mức dự trữ lên 90 ngày nhập ròng. 

Tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm động vật

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”. 

Mục tiêu chung là xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định các nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các Bộ, ngành, địa phương; xác định rõ phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc triển khai thực hiện.

Đồng thời, định hướng cho các bộ, ban ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc xây dựng kế hoạch, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy hoạch trong từng giai đoạn.

Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế của thế giới.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bô-xít, titan, đất hiếm, crômit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững.

Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-noi-bat-tuan-tu-24-28-7-2023-102230729214851295.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 21 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.24549 sec| 671.023 kb