Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 17/4
Thông cáo báo chí của VPCP về thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Ngày 17/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nghị định nêu rõ biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định nêu rõ, biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.

Các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm: 1- Biện pháp quản lý do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; 2- Biện pháp kỹ thuật do tổ chức, cá nhân có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân thực hiện; 3- Biện pháp do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; 4- Biện pháp điều tra, tố tụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; 5- Các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản là áp dụng các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nêu trên; xây dựng, ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, nêu rõ những việc cần thực hiện theo quy định của Nghị định này. Khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với lĩnh vực, ngành nghề, hoạt động có liên quan tới xử lý dữ liệu cá nhân. Kiểm tra mạng đối với hệ thống và phương tiện, thiết bị phục vụ xử lý dữ liệu cá nhân trước khi xử lý, xoá không thể khôi phục được hoặc huỷ các thiết bị chứa dữ liệu cá nhân.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm là áp dụng các biện pháp bảo dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân cơ bản nêu trên; chỉ định bộ phận có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân, chỉ định nhân sự phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trao đổi thông tin về bộ phận và cá nhân phụ trách bảo vệ dữ liệu cá nhân với cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trường hợp bên kiểm soát dữ liệu cá nhân, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, bên xử lý dữ liệu, bên thứ ba là cá nhân thì trao đổi thông tin của cá nhân thực hiện; thông báo cho chủ thể dữ liệu biết việc dữ liệu cá nhân nhạy cảm của chủ thể dữ liệu được xử lý, trừ một số trường hợp quy định.

Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định nêu rõ, cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao-Bộ Công an, có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Cổng Thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân: Cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cập nhật thông tin, tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân; tiếp nhận thông tin, hồ sơ, dữ liệu về hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân qua không gian mạng; cung cấp thông tin về kết quả đánh giá công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin quốc gia về bảo vệ dữ liệu cá nhân tiếp nhận thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; cảnh báo, phối hợp cảnh báo về nguy cơ, hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; xử lý vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật; thực hiện hoạt động khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nghị định nêu rõ, điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm:

1- Lực lượng bảo vệ dữ liệu cá nhân bao gồm: a- Lực lượng chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân được bố trí tại cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân; b- Bộ phận, nhân sự có chức năng bảo vệ dữ liệu cá nhân được chỉ định trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm bảo đảm thực hiện quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; c- Tổ chức, cá nhân được huy động tham gia bảo vệ dữ liệu cá nhân; d- Bộ Công an xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm phát triển nguồn nhân lực bảo vệ dữ liệu cá nhân.

2- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức kỹ năng, nâng cao nhận thức bảo vệ dữ liệu cá nhân cho cơ quan, tô chức, cá nhân.

3- Bảo đảm cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động cho cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Nghị định nêu rõ, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; ; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số , số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm , số thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng ; thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng; các thông tin khác gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.

Dữ liệu cá nhân nhạy cảm là dữ liệu cá nhân gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân gồm: Quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án, không bao gồm thông tin về nhóm máu; thông tin liên quan đến nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc; thông tin về đặc điểm di truyền được thừa hưởng hoặc có được của cá nhân; thông tin về thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học riêng của cá nhân; thông tin về tình dục, xu hướng tình dục của cá nhân…

Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 17/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Kế hoạch).

Mục đích của Kế hoạch là xây dựng lộ trình triển khai lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trong lĩnh vực đường sắt giai đoạn đến năm 2030 để cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch).

Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có và xây dựng các tuyến đường sắt mới theo quy hoạch, dự kiến nhu cầu sử dụng đất; cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển, quản lý, bảo trì, khai thác mạng lưới đường sắt.

Phạm vi thực hiện trong giai đoạn 2021-2030, phù hợp với thời kỳ quy hoạch mạng lưới đường sắt được duyệt.

Đối tượng là các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch đầu tư trong giai đoạn 2021-2030.

Ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030

Đối tượng của quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của quy hoạch tuyến, ga đường sắt thực hiện theo Điều 3 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến Luật Quy hoạch (Luật số 35/2018/QH14 ngày 1/1/2018).

Sẽ ưu tiên thực hiện đối với các tuyến đường sắt chưa chuẩn bị đầu tư, lộ trình đầu tư trước năm 2030; các tuyến đường sắt đang khai thác, việc quản lý được thực hiện theo hành lang an toàn đường sắt; các tuyến đường sắt mới đã, đang thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc thực hiện đầu tư sẽ được cập nhật và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Tổ chức triển khai lập quy hoạch đối với các tuyến, ga đường sắt được quy hoạch trong giai đoạn đến năm 2030, cụ thể như sau: 3 quy hoạch tuyến, ga đường sắt khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực đầu mối thành phố Hải Phòng; quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng (bao gồm cả đoạn nối đến Hạ Long); quy hoạch các ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối đường sắt quốc gia, ga liên vận quốc tế (trừ các ga đã có trong quy hoạch các khu đầu mối thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng); các tuyến đường sắt đang chuần bị đầu tư, thực hiện đầu tư được cập nhật thành quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành (tuyến Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, ...).

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm rà soát chi tiết các tuyến ga đường sắt để đưa vào các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành nêu trên cho phù hợp, bảo đảm tính đồng bộ của quy hoạch.

Sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện: Năm 2022-2025.

Tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam

Đối với đường sắt hiện có, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030; các dự án bảo đảm an toàn giao thông (xây dựng các đường ngang, hầm chui, xóa lối đi tự mở,... theo Quyết định số 358/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ).

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026-2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và huy động được nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Đối với đường sắt mới, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án); tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép-Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm-Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội-Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên-Phả Lại-Hạ Long-Cái Lân.

Các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Đối với đường sắt trong khu đầu mối thành phố Hà Nội: Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên-Ngọc Hồi cho UBND thành phố Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư; chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, các địa phương liên quan triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vận tải trong khu đầu mối; xác định lộ trình đầu tư Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho UBND thành phố Hà Nội đầu tư.

Đối với các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia: các địa phương triển khai đầu tư tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

Dự kiến nhu cầu (kế hoạch) sử dụng đất

Theo Kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836 ha, trong đó giai đoạn 2021-2030 là 16.377 ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644 ha.

Giao Bộ Giao thông vận tải trong quá trình lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và chuẩn bị đầu tư các dự án sẽ tiếp tục rà soát chuẩn xác chi tiết nhu cầu sử dụng đất, phân kỳ đầu tư phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghi quyết số 39/2021/QH15.

Bố trí 15.924 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025

Nhà nước ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia nhằm đảm bảo vận tải đường sắt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông vận tải cả nước.

Huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư kèm theo Quyết định này, cụ thể: Giai đoạn 2021-2025: Bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.

Giai đoạn 2026-2030: Dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021-2030.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 2635/VPCP-V.I ngày 17/4/2023 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2022.

Theo đó, xét Báo cáo số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về kết quả thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trong năm 2022, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia có ý kiến chỉ đạo như sau:

Cơ bản đồng ý các kiến nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Văn bản số 60/BC-VPTT ngày 05/4/2023. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị theo kiến nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại văn bản nêu trên.

Bộ Công Thương khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người trong thương mại điện tử đến năm 2025"; trong đó cần phối hợp với các bộ, cơ quan rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý việc bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp, báo cáo kết quả theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 17).

Kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Tại Công văn số 259/TTg-TCCB ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Lê Đình Thọ đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Kéo dài thời gian giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam

Tại Công văn số 263/TTg-TCCB ngày 17/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thời gian giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với ông Nguyễn Phú Cường đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

Công nhận huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 17/4/2023 công nhận huyện An Lão, thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Phó Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện An Lão tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.

Theo Báo Chính phủ

Link nguồn: https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-noi-bat-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-17-4-102230418090447349.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

3.8 19 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.25019 sec| 706.063 kb