Luôn chủ động trong công tác xây dựng chính sách pháp luật
Ông Trần Hữu Thanh – Chi hội trưởng Chi hội Luật gia VKSND Tối cao cho biết, Chi hội luôn xác định công tham gia xây dựng chính sách pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Luật gia Việt Nam. Vì vậy, là đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, Chi hội luôn chủ động, tích cực tham gia vào hoạt động xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện tốt các chủ trương, yêu cầu của Đảng về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chi hội đã phối hợp cùng với các đơn vị trực thuộc VKSND Tối cao rà soát các văn bản pháp luật cần sửa đổi bổ sung, ban hành mới để sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành kiểm sát nhân dân.
Qua rà soát, VKSND Tối cao có trách nhiệm chủ trì tham mưu sửa đổi, bổ sung 3 Luật (Luật Tổ chức VKSND, Bộ Luật hình sự, Luật tương trợ tư pháp hình sự), đồng thời tham gia, phối hợp góp ý sửa đổi, bổ sung hàng chục Luật khác có liên quan đến VKSND (Luật tổ chức TAND, Luật Tổ chức CQĐT hình sự, Luật Thi hành án hình sự,…) để đảm bảo sự thống nhất, liên thông, đồng bộ.
Trong quá trình triển khai xây dựng chính sách pháp luật, ngoài Tổ luật gia Vụ Pháp chế thuộc Chi hội trực tiếp tham mưu, tham gia đề xuất các nội dung, chính sách cụ thể của pháp luật thì các Tổ luật gia khác đều được lấy ý kiến tham gia góp ý cho các chính sách pháp luật đảm bảo sự dân chủ, công khai.
Chi hội luôn quán triệt và nâng cao nhận thức của các hội viên trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật, luôn coi hoạt động xây chính sách pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong hoạt động của Hội và của mỗi một Luật gia trong Chi hội.
Đồng thời, Chi hội luôn ý thức rằng khi chính sách pháp luật được ban hành có tác động rất lớn đến toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội và trực tiếp đến người dân.
Do đó, Chi hội đã bám sát chủ trương, yêu cầu Đảng của ngành kiểm sát nhân dân để nghiên cứu và đề xuất xây dựng các văn bản luật phù hợp với thực tiễn.
Ông Thanh cho biết thêm, quá trình triển khai xây dựng chính sách pháp luật phải được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi dân chủ; đặc biệt là các Luật gia đều phải có trách nhiệm tham gia góp ý.
Trong triển khai xây dựng chính sách pháp luật luôn tăng cường trách nhiệm kỷ luật, kỷ cương và phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền; đặc biệt các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật,…
Đảm bảo chính sách pháp luật ban hành đi ngay vào thực tiễn
Chi hội trưởng Chi hội luật gia VKSND Tối cao cũng cho biết, trong thời gian tới để đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách pháp luật, Chi hội tiếp tục bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị và sự chỉ đạo của lãnh đạo VKSND Tối cao và Trung ương Hội luật gia Việt Nam.
Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt đến các hội viên về trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, góp ý hoàn thiện hệ thống chính chính sách pháp luật của nhà nước.
Đặc biệt thời gian tới, khi Đảng, Nhà nước tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Hiến pháp năm 2013 sửa đổi, bổ sung 1 số điều và các dự luật có liên quan đến việc sắp xếp bộ máy tổ chức hệ thống chính trị, Chi hội sẽ chủ động triển khai góp ý nghiêm túc, cụ thể.
Chi hội cũng chủ động tổ chức nghiên cứu để có ý kiến góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của VKSND Tối cao chủ trì và các luật liên quan đến tố tụng tư pháp mà đơn vị có trách nhiệm tham gia, góp ý.
Ông Thanh nhấn mạnh, Chi hội sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn để từ đó đề xuất các giải pháp đổi mới trong công tác xây dựng chính sách pháp luật; đảm bảo khi chính sách pháp luật được ban hành có hiệu quả cao và đi ngay vào thực tiễn cuộc sống.
Đặng Ngọc Thủy/Người Đưa tin