Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 3 trong năm 2022.
Theo chương trình, phiên họp sẽ cho ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông trình); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình); dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở (Bộ Công an trình); dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Bộ Công an trình); dự án Luật Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải trình); dự thảo Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (Bộ Công an trình).
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chính phủ tiến hành phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế - một trong ba đột phá chiến lược.
Thời gian phiên họp có hạn, nội dung nhiều, phức tạp, yêu cầu cao, Thủ tướng đề nghị các báo cáo trình bày, ý kiến phát biểu ngắn gọn, đúng trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Từ đầu năm tới nay, Chính phủ đã tổ chức 2 phiên họp chuyên đề, cho ý kiến, thông qua đối với 16 dự án luật, đề nghị xây dựng luật và đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; thể hiện quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Chính phủ, Thủ tướng đã phân công các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, nên công việc trôi chảy hơn, nhanh hơn. Nhìn chung, các bộ ngành đã nỗ lực, quyết tâm; tập trung lãnh đạo chỉ đạo; tập trung nguồn lực con người, công sức; tích cực chuẩn bị, trình các dự án, đề xuất xây dựng luật bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Tại các phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần phải đầu tư cho công tác xây dựng thể chế tương xứng với một trong ba đột phá chiến lược. Cần tập trung hơn nữa cho việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.
Theo baochinhphu.vn