Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam
Sáng 21/4, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Cải cách tư pháp đã có buổi làm việc với Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tham gia và đồng chủ trì buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Dự hội nghị còn có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính TW; Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh văn phòng TW Đảng; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận TW; Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam; Phạm Thanh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Thành, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Luật gia Việt Nam; Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính; Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Cấn Đình Tài, Trợ lý Chủ tịch nước cùng các đồng chí giúp việc Chủ tịch nước cùng đại diện một số ban, Bộ, ngành hữu quan.
Về phía Hội Luật gia Việt Nam có các đồng chí: Trần Công Phàn, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội; Lê Thị Kim Thanh, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội; Trần Đức Long, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội; Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Luật gia Việt Nam; Nguyễn Quang Dũng, Ủy viên Đảng đoàn, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Hội Luật gia Việt Nam cùng các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội và lãnh đạo các ban chuyên môn, văn phòng, đơn vị trực thuộc cơ quan Trung ương Hội Luật gia Việt Nam.
Tại buổi làm việc với Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Sẽ tập trung lắng nghe ý kiến của đại diện các cấp Hội Luật gia ở cả Trung ương và địa phương, từ đó sẽ đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam - TS. Nguyễn Văn Quyền đã báo cáo về tổ chức và hoạt động của Hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.
Trong báo cáo, TS.Nguyễn Văn Quyền cho biết, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Lịch sử và truyền thống của Hội đã có những đóng góp rất xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân trong kháng chiến cũng như trong thời kỳ xây dựng Tổ quốc.
Được thành lập ngày 4/4/1955, từ khi thành lập, Hội Luật gia Việt Nam đã lấy tôn chỉ, mục đích là đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật, tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong quá trình phát triển, Hội Luật gia Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ban, ngành hữu quan và các cấp ủy, chính quyền địa phương...
Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, từ sau khi có Chỉ thị 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam” đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, được thể hiện qua công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội và phát triển hội viên;
Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, Hội đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Trưng cầu ý dân; tổ chức nhiều hoạt động góp phần xây dựng Hiến pháp năm 2013; tham gia Ban soạn thảo và tổ biên tập 47 dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác; tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước văn hoá và các quy định tự quản khác ở địa phương, đơn vị, cơ sở.
Một số kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch nước
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch nước. Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị 56 – CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó tiếp tục khẳng định Hội Luật gia Việt Nam là một tổ chức mang đậm tính chất chính trị, là Hội được Đảng, Bác Hồ thành lập và giao nhiệm vụ.
Đồng thời, Đảng đoàn cũng đề nghị giao cho Hội Luật gia Việt Nam tổ chức lấy ý kiến luật gia cả nước về các nội dung liên quan đến nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo kế hoạch chung của Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chỉ đạo các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức triển khai khảo sát ý kiến người dân đánh giá về hoạt động tư pháp đảm bảo khách quan, trung thực sau khi “Đề án xây dựng bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp” được Ban Bí thư phê duyệt, đồng thời tiếp tục giao cho Hội Luật gia Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
TS. Nguyễn Văn Quyền cũng đề xuất Chủ tịch nước cho phép Hội Luật gia Việt Nam tham gia tư vấn trong công tác đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng đối với phạm nhân; công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng hội thẩm nhân dân; tham gia đánh giá, thẩm định độc lập về chương trình đào tạo và chất lượng đào tạo cử nhân luật.
Tham gia giải quyết các tranh chấp pháp lý (ngoài cơ chế Nhà nước); hòa giải cơ sở và các thiết chế hòa giải khác theo quy định pháp luật; giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật; tham gia với các cơ quan Nhà nước trong quản lý, định hướng một số thiết chế bổ trợ tư pháp; huy động các cấp hội và hội viên tham gia tích cực vào xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực pháp luật, cũng là một trong những nội dung quan trọng được Hội Luật gia Việt Nam đề xuất tại buổi làm việc.
Tiếp đó, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về nội dung của buổi làm việc, các đại biểu bày tỏ sự nhất trí với báo cáo về tổ chức và hoạt động của Hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay. Các ý kiến của đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận, Tòa án Nhân dân Tối cao, các Bộ: Công an, Tư pháp, Nội vụ, đại diện lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều nhất trí đánh giá từ khi thành lập cho đến nay, Hội Luật gia là một Hội tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, tham gia rất tích cực vào các hoạt động về xây dựng Nhà nước pháp luật và đặc biệt, Hội có vai trò quan trọng vào công tác đối ngoại nhân dân... Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến về kinh phí hoạt động Hội, tinh giản biên chế của Hội...
Tính chất, vị trí, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam thể hiện rõ trong 3 yếu tố: Chính trị - xã hội – nghề nghiệp
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng khi đến thăm và làm việc với Hội Luật gia Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (4/4/1955 - 4/4/2022).
Chủ tịch nước đánh giá cao báo cáo của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, đặc biệt là ý kiến phát biểu, các ý kiến đóng góp với những vấn đề đặt ra của Hội Luật gia Việt Nam rất xác đáng.
“Gần 70 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định lịch sử của Hội Luật gia Việt Nam luôn đồng hành, gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật của Nhà nước. Quá trình ấy là quá trình tham gia, tư vấn, đóng góp, trực tiếp xây dựng các Bộ luật quan trọng...”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thực hiện tinh thần đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua Hội Luật gia Việt Nam tập hợp được rộng rãi đội ngũ cán bộ công chức làm công tác pháp luật, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia pháp luật trong nước tham gia hoạt động của Hội, điều này rất quan trọng và Hội đã trở thành tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp vững mạnh.
“Thêm nữa, có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, đóng góp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Những định hướng chiến lược ấy của Hội rất quan trọng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tổ chức hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong suốt quá trình phát triển, thể hiện qua nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo hoạt động của Hội.
Đặc biệt, ngày 18/8/2000, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 56 – CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam nhằm khẳng định tính chất, vị trí, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam trong hệ thống chính trị, làm kim chỉ nam cho tổ chức và hoạt động của Hội.
“Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đã có sự phát triển vượt bậc, hoạt động nề nếp, chỉn chu và có ý thức cao. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong những năm qua”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước đánh giá cao công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội thể hiện qua việc phát triển hội viên được củng cố, kiện toàn và có bước phát triển mới, tổ chức Hội đã phát triển mạnh mẽ từ Trung ương xuống cơ sở, số hội viên đã phát triển đến 67.640 người. Về cơ bản chất lượng hội viên tốt, nghiệp vụ chuyên môn, ý thức chính trị cao.
Công tác tham gia xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Hội chủ trì xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Trọng tài thương mại và Luật Trưng cầu ý dân...
Chủ tịch nước giao 5 nhiệm vụ cho Hội Luật gia Việt Nam
Đất nước đang phát triển và đổi mới theo đúng tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII, một đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì vậy, Chủ tịch nước yêu cầu Hội Luật gia Việt Nam tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, Hội Luật gia Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cấp quán triệt sâu sắc và hoạt động có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, trọng tâm là Chỉ thị số 56 – CT/TW của Bộ Chính trị, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng đối với Hội Luật gia.
Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, vì vậy tôn chỉ mục đích hoạt động rất quan trọng. Lấy dẫn chứng về tờ Tạp chí Đời sống và Pháp luật, Chủ tịch nước nhấn mạnh rằng Tạp chí cần bám sát tôn chỉ mục đích hoạt động, để thực hiện là sứ mệnh là tiếng nói của giới luật gia Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hội Luật gia Việt Nam.
Chủ tịch nước gợi ý Tạp chí Đời sống và Pháp luật nên mở chuyên mục “Nhà nước pháp quyền” để tuyên truyền và cung cấp thông tin đến bạn đọc về công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, Hội Luật gia Việt Nam phải làm tốt hơn nữa, cần phấn đấu trở thành “nòng cốt” trong việc thực hiện một số hoạt động trong khối Đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Hiện nay, nước ta có nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, khá đa dạng, do vậy, với tính chất là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, có phạm vi tổ chức, hoạt động rộng, chuyên sâu, Hội Luật gia Việt Nam cần phấn đấu để có thể định hướng các tổ chức nghề luật, phản bác quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm của Đảng, là cánh tay nối dài của Đảng, giúp cho Đảng, Nhà nước trong vấn đề này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Thứ ba, Hội cần đổi mới nâng cao chất lượng, tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, cũng như công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính...
Chủ tịch nước nhấn mạnh Hội Luật gia Việt Nam có đầy đủ tư cách tham gia, xây dựng đóng góp ý kiến trong hoạt động của cải cách tư pháp. Theo đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội Luật gia phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là thành viên của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Hội Luật gia Việt Nam để tham gia tích cực chủ động vào các đề án, báo cáo hoạt động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
Tiếp đó, Chủ tịch nước đề nghị Hội Luật gia thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội, bởi việc phản biện, hòa giải, tư vấn pháp lý, quan tâm đến người nghèo, người yếu thế... là trách nhiệm rất lớn.
Thứ tư, về phương hướng tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong vấn đề hòa bình quốc tế, Chủ tịch nước mong muốn Hội Luật gia Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận, hợp tác đối ngoại bằng nhiều hình thức với các tổ chức luật gia tiến bộ các nước, nhằm tạo niềm tin và sự ủng hộ của giới luật gia và bạn bè quốc tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước gợi ý, Hội nên có một chương trình cụ thể hóa luật vận động luật gia là người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Thứ năm, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục chăm lo xây dựng, phát triển, củng cố, kiện toàn tổ chức các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội cần tập trung giáo dục tư tưởng Hội viên, quán triệt hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ các cấp Hội, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Về một số kiến nghị, đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến này.
Về việc đề nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, Chủ tịch nước ủng hộ nên có một Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới, trên tinh thần là tổ chức chính trị- xã hội - nghề nghiệp.
“Chính trị - xã hội - nghề nghiệp là các thành tố quan trọng đảm bảo Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục hoạt động thời gian tới...”, Chủ tịch nước nêu rõ.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cảm ơn Chủ tịch nước đã dành thời gian quý báu đến làm việc với Hội Luật gia Việt Nam. “Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và cá nhân đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đối với giới luật gia”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền bày tỏ.
Thay mặt Đảng đoàn, Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia Việt Nam và hơn 67.000 hội viên Hội Luật gia trên cả nước, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định Đảng đoàn, Ban Thường vụ và các cấp Hội Luật gia Việt Nam sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, đồng thời, sẽ cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước thành chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để tổ chức thực hiện trong những năm tới.
Theo nguoiduatin.vn