Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí
Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, việc xây dựng chương trình đào tạo báo chí, nâng cao nghiệp vụ rất cần có sự đổi mới, bắt kịp xu thế.

Hội thảo khoa học Quốc gia về “Đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay” đã diễn ra chiều nay 5/6.

Tại hội thảo, ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, tác động sâu rộng, làm thay đổi căn bản nhiều mặt hoạt động của , trong đó có hoạt động báo chí - truyền thông.

“Chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí, cơ sở truyền thông, để vừa phục vụ tốt nhất, nhanh nhất nhu cầu thông tin của công chúng, vừa phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại, đồng thời tối ưu hóa các nguồn lực cho sự phát triển của báo chí - truyền thông nước nhà”, ông Lê Quốc Minh bày tỏ.

Chính điều này, đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao hơn đối với công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay, để có thể theo kịp xu thế phát triển chung và đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao kịp thời cho xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí
Ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Dưới góc độ đào tạo GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá hiện công tác hoạt động đào tạo báo chí - truyền thông diễn ra dưới nhiều hình thức, từ đào tạo chính quy ở các trường đại học, cao đẳng đến đào tạo nội bộ ngay trong các cơ quan báo chí - truyền thông.

Trên cả nước hiện có 9 cơ sở đào tạo báo chí - truyền thông chủ lực là các trường đại học, học viện công lập… Ngoài ra, còn có các cơ sở dân lập, trường liên kết quốc tế đào tạo ngành truyền thông, quan hệ công chúng, - những lĩnh vực gần với đào tạo báo chí.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Lợi cũng nhận thấy công tác đào tạo báo chí - truyền thông hiện nay cũng đôi diện nhiều thách thức, khó khăn. Báo chí, truyền thông là lĩnh vực rất đặc thù, đòi hỏi cần có chính sách riêng để đầu tư phát triển.

“Chưa hình thành được một chuẩn chương trình đào tạo khối ngành báo chí và truyền thông ở các trình độ khác nhau gắn với yêu cầu chuyển đổi số hiện nay để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Nhu cầu đào tạo ngành báo chí truyền thông tăng cao dẫn đến một thực trạng đáng lo ngại là nhiều cơ sở ngoài công lập đào tạo ồ ạt, không giới hạn chỉ tiêu, gây ra hiện tượng vừa dư thừa đầu ra của chuyên ngành, vừa không đảm bảo chất lượng đào tạo, ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín đào tạo nghề nghiệp nói chung”, ông Lợi nói về những hạn chế hiện nay.

Chuyển đổi số là nhiệm vụ đặt ra đối với từng cơ quan báo chí
GS.TS Lê Văn Lợi đưa ra những thách thức đào tạo báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số.

Cũng theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, vấn đề đặt ra trong đào tạo báo chí số hiện nay là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực có chuyên môn cao với năng lực đáp ứng của các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đào tạo còn lúng túng trong việc xác định đầu vào và mô hình đào tạo; chương trình đào tạo chưa đáp ứng thực tế cũng như thiếu giảng viên chuyên ngành chất lượng cao.

Trước những vấn đề đặt ra, tại hội thảo đã có 62 tham luận góp ý, đưa ra giải pháp về công tác đào tạo báo chí - truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.

Cụ thể, PGS.TS Hà Huy Phượng - Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, cần có sự tham gia phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo để sớm ban hành khung chương trình chung về đào tạo bồi dưỡng báo chí, truyền thông.

Tiếp tục có phương thức để tuyển chọn đầu vào như tổ chức thi năng khiếu báo chí, cùng với đó xây dựng chuẩn đầu ra và chuẩn vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp.

Ông Phượng cũng cho rằng việc xây dựng chương trình đào tạo hiện nay cũng đặt ra những thách thức lớn khi cần sát và bắt nguồn từ thực tiễn nhưng vẫn phải thu hút người học. Tránh trường hợp đào tạo đi sau thực tế sẽ khó có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xuất phát từ thực tiễn, tại hội thảo Nhà báo Nguyễn Thu Hà – Phó Giám đốc Trung tâm sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng chính các cơ quan báo chí hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức khi chuyển đổi số.

“Chúng ta đang ở giai đoạn đang tìm đường để đi, tìm lời giải cho chuyển đổi số. Cần phải tìm đúng đường và đi đến đích”, bà Nguyễn Thu Hà tại hội thảo.

Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra rất nhiều mục tiêu cho nền báo chí Việt Nam đến năm 2025: “70% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 50% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số…”.

Theo Người Đưa Tin Pháp luật

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-doi-so-la-nhiem-vu-dat-ra-doi-voi-tung-co-quan-bao-chi-a667037.html#google_vignette

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 17 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.44422 sec| 654.531 kb