Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu cho rằng, có cơ chế, chính sách đặc thù vẫn cần phân cấp và trao quyền cho các địa phương. Có như vậy, địa phương mới được quyền vận dụng chính sách, pháp luật hiện hành và vận dụng một cách sáng tạo, quyết định cách thức xử lý phù hợp nhất để đạt kết quả tích cực. Qua đó cũng gắn trách nhiệm trực tiếp của các địa phương khi thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội): Tránh tình trạng có chính sách đặc thù vẫn phải đợi hướng dẫn
Tại Kỳ họp lần thứ 7 này Quốc hội thảo luận 2 chính sách đặc thù với tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng. Việc ban hành chính sách đặc thù cho các địa phương này, thậm chí là đặc thù cho các chương trình, dự án là để được áp dụng những cơ chế khác biệt so với các quy định hiện hành của pháp luật.
Như vậy, gắn liền với cơ chế đặc thù này thì nên trao cho các địa phương được quyền vận dụng chính sách, pháp luật hiện hành và vận dụng một cách sáng tạo. Tránh tình trạng đã có chính sách đặc thù rồi những vẫn phải tiếp tục là xin ý kiến của các bộ, ngành rồi mới thực hiện.
Nếu vậy, sẽ không phát huy được vai trò của các cơ chế, chính sách đặc thù. Tôi cho rằng, rất cần tổng kết, đánh giá những cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành hiện nay để trong tương lai sẽ thay đổi về phương thức thực thi và vận dụng pháp luật.
Khi đó, không còn việc cứ địa phương hay ngành nào khó khăn lại đi “xin” cơ chế đặc thù nữa mà sẽ được tự mình quyết định cách thức xử lý hiệu quả nhất, phù hợp nhất.
Đơn cử như đề xuất tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để có thể chủ động trong thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tại một số địa phương đã được áp dụng cơ chế đặc thù. Từ kinh nghiệm thực tế, thời gian qua đã có một số các dự án đầu tư công thuộc dự án quan trọng quốc gia đã phân cấp, phân quyền trao cho các địa phương thực hiện. Kết quả của dự án này khá hiệu quả vì đã gắn trực tiếp trách nhiệm của địa phương với công tác chuẩn bị mặt bằng, khai thác mỏ vật liệu…
Những bài học đó cần phải tiếp tục phát huy để trao quyền nhiều hơn, phân cấp nhiều hơn cho các địa phương. Khi đó vừa phát huy được vai trò của các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhưng đồng thời cũng thực hiện được chức năng giữa cơ quan thực hiện dự án của địa phương với cơ quan kiểm tra, giám sát từ phía Trung ương, các bộ, ngành. Câu chuyện không chỉ là giải quyết cho những dự án đấy “chạy nhanh” mà còn gắn liền với đó là kiểm tra, đánh giá, giám sát chất lượng các dự án được tốt hơn.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh): Phân cấp, phân quyền phải “trọn gói”
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những kết quả tích cực. Giai đoạn đầu tiên triển khai Nghị quyết là phải cụ thể hóa Nghị quyết bằng những Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Nghị định của Chính phủ thì lúc đó Nghị quyết 98 mới đi vào được cuộc sống. Từ đó thúc đẩy kinh tế thành phố phục hồi rất nhanh trong năm 2023, tăng trưởng đến 9,26% và 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng 6,54%.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số tồn tại trong việc triển khai với Nghị quyết 98; trong đó liên quan đến Nghị định của Chính phủ về phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực trong quản lý nhà nước cho TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các chính sách đặc thù nói chung đối với một số địa phương đang được xem xét chờ thông qua cơ chế này.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới hiện nay biến đổi bất ngờ, bất định, theo tôi việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương là rất cần thiết. Nhưng điều quan trọng hơn là phải phân cấp trọn gói. Bởi nếu như chỉ phân cấp một nội dung thì trong quá trình triển khai vẫn lại phải xin ý kiến của bộ, ngành và sẽ khiến công việc “bị vướng”. Hiện TP Hồ Chí Minh cũng đang vướng vì còn “dính” những quy định ràng buộc với nhiều bộ, ngành mà chưa phân cấp trọn gói.
Theo đó, địa phương cần được sớm ban hành nghị định, phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa trong thời gian tới, nhất là để khắc phục việc giải ngân đầu tư công chậm, nhiều dự án đầu tư đang triển khai lại phải tạm dừng.
Một trong những nguyên nhân là do những quy định về giá cả nguyên vật liệu, vật tư, sắt thép. Bởi giá những vật liệu này thay đổi rất nhanh, làm thay đổi về tổng vốn đầu tư. Mà khi thay đổi tổng vốn đầu tư thì phải làm quy trình để điều chỉnh vốn; trong khi những thủ tục này mất nhiều thời gian. Chưa kể, khi làm xong quy trình, giá cả tiếp tục biến động, lại phải làm điều chỉnh lại tổng vốn đầu tư. Nếu phân cấp, phân quyền cho các địa phương thì những quyết định sẽ sớm được triển khai, hạn chế phần nào tình trạng này.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/co-chinh-sach-dac-thu-van-can-phan-cap-va-trao-quyen-cho-cac-dia-phuong-20240531193311273.htm