Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Cử tri TP Hồ Chí Minh tin tưởng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ triển khai thành công

Cử tri TP Hồ Chí Minh tin tưởng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ triển khai thành công
Chiều 24/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, thay thế Nghị quyết 54.

Quyết định này thu hút sự quan tâm và đánh giá rất cao của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Cử tri cũng bày tỏ mong muốn các nội dung của Nghị quyết này sớm được Thành phố được cụ thể hóa và triển khai đạt hiệu quả cao, tạo động lực mới cho sự phát triển của Thành phố trong thời gian tới.

Từ các yêu cầu đặt ra để Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước, các chuyên gia cho rằng, tới thời điểm này, Thành phố Hồ Chí Minh cần có thêm những chính sách đặc thù để có xung lực mới phát triển.

Cử tri TP Hồ Chí Minh tin tưởng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ triển khai thành công
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Đánh giá cao các nội dung của Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, Nghị quyết mới sẽ khắc phục kịp thời những khó khăn, hạn chế của Nghị quyết 54, giúp Thành phố giữ vị thế đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế cả nước phát triển đi lên. Trên cơ sở kế thừa, phát huy các nội dung được ghi nhận tại Nghị quyết 54, Nghị quyết mới tập trung 4 nhóm cơ chế đặc thù.

Trong đó, Nghị quyết mới quy định những cơ chế, chính sách đặc thù đã được ghi nhận ở Nghị quyết 54, sau một thời gian đưa vào thực tiễn có hiệu quả nên tiếp tục thực hiện như: HĐND Thành phố quyết định dự toán ngân sách Thành phố; quyết định phí, lệ phí mới… Quy định cơ chế chính sách có nội dung tương tự đã được quy định tại các Nghị quyết đặc thù của các địa phương khác như: HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị…

Bên cạnh đó, Nghị quyết còn cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với dự thảo của các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội trong thời gian sắp tới như: UBND Thành phố được ban hành và áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong một số trường hợp; Thành phố thực hiện thủ tục về giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với diện tích đất hình thành sau khi thực hiện lấn biển, tạo quỹ đất mới, không gian phát triển mới cho Thành phố.

Đặc biệt, Nghị quyết mới còn có những cơ chế mới như: Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa; BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ hiện hữu; thực hiện lại hình thức hợp đồng BT; trao quyền cho thành phố Thủ Đức nhiều hơn.

Từ yêu cầu thực tiễn đặt ra cũng như hướng tới thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn phát triển được đề cập trong Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc có một Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội là hoàn toàn chính đáng và thiết yếu. Với các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù này, Thành phố sẽ sớm tháo gỡ được nhiều vướng mắc về thể chế và tạo được động lực lớn để phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết mới sẽ giúp Thành phố phân cấp, ủy quyền kịp thời, chủ động hơn, tạo điều kiện, cơ sở chặt chẽ để thành phố Thủ Đức phát triển, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cử tri TP Hồ Chí Minh tin tưởng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ triển khai thành công
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Phân tích sâu hơn về nhóm nội dung được đề cập trong Nghị quyết mới về những cơ chế, chính sách có trong dự thảo của các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được xây dựng và hoàn thiện trong thời gian tới, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các cơ chế chính sách này sẽ khắc phục các vướng mắc trong thực tế triển khai, bảo đảm việc định giá đất công khai, đẩy nhanh quá trình xác định, phê duyệt giá đất cụ thể; hạn chế khiếu nại liên quan đến đất đai; bảo đảm người bị thu hồi đất có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, tạo điều kiện triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi phê duyệt chủ trương đầu tư.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, trao quyền nhiều hơn cho Thành phố Hồ Chí Minh được các chuyên gia đánh giá là một trong những nội dung mang tính đột phá trong Nghị quyết mới. Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, điều này vừa giúp các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền chủ động, giải quyết nhanh hơn các công việc đặc thù của từng địa phương. Đây cũng vừa là mô hình “thí điểm”, thử nghiệm để Trung ương có cơ sở đẩy mạnh việc áp dụng mô hình này trong cả nước, từ đó có các chính sách phù hợp đối với mỗi địa phương. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện nội dung này cần bảo đảm các điều kiện, nguồn lực cần thiết cả về tổ chức bộ máy, nhân lực, tài chính và xác định rõ cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan phân cấp và cơ quan được phân cấp. Làm được diều này sẽ giúp tránh được khó khăn, lúng túng khi tổ chức thực hiện cũng như tránh tình trạng chưa phát huy được sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhiệm vụ của cấp dưới đẩy lên cấp trên và cấp trên làm thay nhiệm vụ cấp dưới.

“Thời gian qua, nhất là từ thực tế phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, một số vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến các quy định pháp luật về phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương trong những tình huống thảm họa, thiên tai, dịch bệnh… Từ thực tế đó đòi hỏi các bộ, ngành phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng về phân cấp, phân quyền, để có kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp. Ngoài ra, cần phát huy mạnh mẽ vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện phân cấp, phân quyền”, Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.

Nhấn mạnh Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 sẽ tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho Thành phố Hồ Chí Minh về thể chế, đặc biệt huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, phân cấp phân quyền cho Thành phố chủ động hơn, các chuyên gia, cử tri Thành phố kỳ vọng Thành phố sẽ cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết mới ngay trong năm 2023, để tập trung thực hiện trong các năm tiếp theo đạt được kết quả cao nhất.

Theo TTXVN

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-tp-ho-chi-minh-tin-tuong-nghi-quyet-thay-the-nghi-quyet-54-se-trien-khai-thanh-cong-20230624161804710.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.39429 sec| 658.844 kb