Như vậy, một năm có khoảng gần 1.000 văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương, chưa kể văn bản của chính quyền địa phương. Vấn đề quan trọng là làm sao để các văn bản này đến được với người dân chứ không chỉ nằm trên giấy.
Không đi vào cuộc sống, luật chỉ là con chữ
Hệ thống pháp luật của Việt Nam từ thời kỳ bắt đầu tiến trình cải cách từ những năm 1980 cho đến nay cơ bản đầy đủ. Hệ thống này có Hiến pháp năm 1980, năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013; Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005 và 2015; Luật Đất đai năm 1987, 1993 (sửa đổi, bổ sung năm 1998, 2001), 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2008, 2009, 2010) và năm 2013; Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2013), 2014 và 2020; Bộ luật Lao động năm 1995 (sửa đổi, bổ sung vào các năm 2002, 2006, 2007), 2012, 2019…
Sự đầy đủ, đồng bộ của hệ thống pháp luật là điều hết sức quan trọng đối với một quốc gia bởi pháp luật điều tiết, định hướng sự phát triển của các mối quan hệ; là cơ sở để bảo đảm an toàn, giải quyết các tranh chấp trong xã hội; là phương tiện bảo đảm và bảo vệ quyền con người, dân chủ, công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội; đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Song nếu luật pháp chỉ là văn bản mà không đi vào cuộc sống, hình thành ý thức pháp luật của người dân thì đó chỉ là những con chữ, không phát huy được giá trị cần có của chúng.
Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và hình thành ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội ổn định, công bằng, dân chủ, văn minh. Phổ biến pháp luật là để người dân hiểu biết các quy định của pháp luật, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống, nhận thức được lợi ích của việc chấp hành pháp luật và tự giác thực hiện pháp luật, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật.
Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật gồm: họp báo; phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa nô, áp phích, tranh cổ động; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật, các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục.
Tuy có nhiều hình thức phổ biến pháp luật như vậy nhưng hiện tại chúng ta còn thiếu công cụ đo lường hiệu quả nên khó nắm bắt cụ thể số lượng người tiếp cận được thông tin cần tuyên truyền, nhất là thông qua các hình thức gián tiếp như trên phương tiện thông tin đại chúng. Còn nếu chỉ căn cứ vào số lượng chuyên mục, số lượng chương trình, thời gian phát sóng các nội dung về pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng thì thước đo này còn rất mập mờ.
Chúng ta chưa xác định được số lượng người tiếp cận, chất lượng và hiệu quả của sự tiếp cận thông tin pháp luật cũng chưa được làm rõ.
Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa cho biết: Có lúc, có nơi, việc triển khai các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể thực hiện mà chưa thực sự bắt nguồn từ đời sống, từ nhu cầu của người dân.
Chính vì thế nên hiệu quả của việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật chưa cao.
Một cuộc khảo sát về nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật do Bộ Tư pháp và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã được thực hiện cách đây không lâu tại 6 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang và Đồng Tháp.
Kết quả cho thấy, việc nhận diện đúng quyền khiếu nại, tố cáo về những việc làm trái pháp luật của người khác chiếm tỷ lệ thấp - 38,1% tại Đồng Tháp, 38,8% tại Đắk Nông; hiểu biết về quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe đạt 46,4% tại Đắk Nông, 52% tại Hà Giang; nhận thức đúng về độ tuổi trẻ em đạt 16,7%, tại Đồng Tháp, 18,4% tại Hà Giang, 21,2% tại Hòa Bình, 22,8% tại Đắk Nông, 24% tại Kiên Giang, 38,5% tại Thanh Hóa…
Đặc biệt, sự hiểu biết về các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số còn khá hạn chế. Việc xác định đúng tuổi trẻ em đạt 18,4% tại Hà Giang, 21,2% tại Hòa Bình, 38,5% tại Thanh Hóa, 22,8% tại Đắk Nông, 24% tại Kiên Giang và 16,7% tại Đồng Tháp. Sự hiểu biết về quyền được học tập không mất tiền ở bậc tiểu học đạt 9,7% ở Đồng Tháp, 16,8% ở Đắk Nông, 21,6% ở Hà Giang.
Bám sát đối tượng cụ thể, tránh chung chung
Để pháp luật đến được với người dân nhanh hơn, nhiều hơn thì chúng ta cần phải đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền, giáo dục.
Nhiều quy định của pháp luật hướng tới các đối tượng cụ thể, sự tuyên truyền hướng tới các đối tượng cụ thể thì cách thức thực hiện cũng phải cụ thể, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, bức xúc của dân chúng.
Theo Luật sư Trương Nhật Quang, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cần tránh tình trạng cơ quan tuyên truyền tự vẽ ra các nội dung, cách thức phổ biến và cho rằng điều này sẽ cần thiết với người nghe, người đọc mà thiếu khảo sát nhu cầu thực sự của các nhóm đối tượng mà họ nhắm đến.
Đối với mỗi nhóm đối tượng cần có phương thức phổ biến pháp luật riêng, phù hợp.
Với đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa thì cách giáo dục pháp luật mang tính đặc thù. Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Cần bố trí một khoản ngân sách cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có chính sách trợ giá các loại sách, tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoặc phát miễn phí các loại sách và tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: Dọc theo đường biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc dài gần 1.450 km có 29 dân tộc sinh sống (Kinh, Tày, Thái, Hoa, Nùng, Mông, Dao, Hà Nhì, Sán Chay, Sán Dìu, Giáy, La Chí, Phù Lá, Pà Thẻn, Lô Lô, Cơ Lao, Bố Y, Cống, Pu Péo, Khơ Mú, Lào, La Hủ, Kháng, La Ha, Lự, Mảng, Si La, Xinh Mun, Ngái). Trong số này có những dân tộc thiểu số rất ít người.
Hình thức phổ biến pháp luật đối với đồng bào nơi rẻo cao phải khác với ở vùng đồng bằng, thành phố do có sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế-xã hội, đặc điểm văn hóa, khả năng tiếp cận, trình độ nhận thức, tiếp thu.
Một cuộc khảo sát ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, trong số 8 hình thức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại đây thì có 3 hình thức được sử dụng nhiều nhất. Đó là loa truyền thanh (20,1%), họp dân (15,8%), lồng ghép qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao (14,6%). Các hình thức khác chỉ chiếm khoảng từ 8 - 12% vì không phù hợp như tư vấn pháp luật, tư vấn thủ tục hành chính, tổ chức đối thoại chính sách pháp luật trong nhân dân, phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức hội nghị tuyên truyền ở khu dân cư, tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật.
Việc vận động người có uy tín (già làng, trưởng bản…) tham gia công tác giáo dục pháp luật rất có ý nghĩa đối với một số vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó là cách thức biên tập nội dung tuyên truyền thật ngắn gọn, dễ hiểu, giàu hình tượng và chuyển sang ngôn ngữ của đồng bào địa phương.
Đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân thì hình thức phổ biến pháp luật có hiệu quả là lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các sinh hoạt văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống, tôn giáo của cộng đồng dân cư.
Huyện Tủa Chùa là một địa phương làm tốt công tác giáo dục pháp luật của tỉnh Điện Biên nhờ những phương thức đặc thù.
Hơn 95% số dân toàn huyện là đồng bào dân tộc thiểu số với trình độ nhận thức hạn chế, điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết pháp luật, tập quán lạc hậu. Bà con coi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết là bình thường và chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của việc sử dụng và vận chuyển trái phép ma túy.
Từ năm 2021 đến cuối tháng 8/2023, huyện có 1.400 cặp vợ chồng kết hôn và có tới 815 vụ tảo hôn, 4 vụ kết hôn cận huyết thống. Tình trạng tảo hôn tập trung chủ yếu ở đồng bào Mông, độ tuổi kết hôn ở nữ là từ 13 đến 16, ở nam là từ 16 đến 19.
Tại Tủa Chùa chính quyền và các cơ quan chức năng đã thực áp dụng nhiều hình thức phong phú, phù hợp tập quán, nhận thức của người dân để tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm; Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”.
Đáng chú ý là Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã chủ động hướng dẫn, duy trì hoạt động 30 tổ truyền thông cộng đồng; tổ chức trong thời gian gần đây 15 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã, cụm thôn bản đặc biệt khó khăn để nâng cao nhận thức về pháp luật cho bà con.
Còn Phòng Dân tộc huyện Tủa Chùa từ đầu năm đến giữa tháng 10/2023 đã tổ chức 5 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình và phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 5 xã với 296 người tham gia, nhằm giúp học sinh nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới, không kết hôn sớm.
Nhiều cách làm hay trong công tác tuyên truyền pháp luật đã được triển khai và nhân rộng không chỉ ở huyện Tủa Chùa mà tại các địa phương khác của tỉnh Điện Biên. Đó là mô hình Ban thông tin truyền thông cấp xã; mô hình “mỗi ngày một câu hỏi, mỗi tuần một điều luật”; mô hình “dòng họ tự quản, bản làng bình yên”.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/cung-cap-thong-tin-phap-luat-quan-trong-la-cach-lam-20231204084745337.htm