Diendanphapluat - Tin tức pháp luật 24h, thời sự mới nhất, nóng nhất

Đầu tư phát triển tích cực, kiên quyết gỡ khó về mỏ vật liệu xây dựng

Đầu tư phát triển tích cực, kiên quyết gỡ khó về mỏ vật liệu xây dựng
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2024 diễn ra chiều 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Kinh tế Việt Nam tháng 4/2024 tiếp tục duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

Đầu tư phát triển tích cực, kiên quyết gỡ khó về mỏ vật liệu xây dựng
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ chiều 4/5.

Theo đó, nông nghiệp phát triển ổn định, trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thủy sản đạt kết quả tích cực. Sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 0,8% so tháng 3/2024 và tăng 6,3% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, lĩnh vực này tăng 6% (cùng kỳ năm ngoái giảm 2,5%).

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tháng 4/2024 tăng 2% so tháng 3/2024 và tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng đầu năm tăng 8,5%.

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, khách quốc tế 4 tháng đầu năm nay đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019, khi chưa xảy ra dịch COVID-19. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4/2024 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

Theo ông Trần Văn Sơn, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm nay tăng 3,93%. Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời.

Đối với nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN), tổng thu NSNN 4 tháng đầu năm ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đạt17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 15,65%); thu hút vốn FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% - cao nhất trong những năm qua.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Thời gian tới, Việt Nam vẫn còn thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục như: Sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tăng, nhất là về tỷ giá, lãi suất; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao; thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn còn chậm được giải quyết, chưa tháo gỡ được nút thắt trong vấn đề pháp lý; nợ xấu có xu hướng tăng; còn hơn 32 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư côngnăm 2024 chưa phân bổ.

Trước tình hình này, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt,kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý; đồng thời, tăng cường chuyển đổi số trong chỉ đạo điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa;tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong quản lý thu NSNN; đẩy mạnh thu thuế, lệ phí không dùng tiền mặt.

Bảo đảm hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất, cung ứng đủ vốn tín dụng chonền kinh tế; kiểm soát chặt chẽ an toàn hệ thống ngân hàng và tình hình nợ xấu.

‘‘Sớm trình cấp có thẩm quyền về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân; phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, vàng…; xử lý nghiêm các vi phạm”, ông Trần Văn Sơn cho biết.

Đối với lĩnh vực đầu tư, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tăng cường chuyển đổi số để giải quyết nhanh nhất thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thu hút, giải ngân đầu tư ; tăng cường các dự án hợp tác công tư, thu hút FDI có chọn lọc…

"Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; có phương án sớm phân bổ 33 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024; kiên quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mỏ vật liệu xây dựng, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án giao thông, các công trình trọng điểm, nhất là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Khẩn trương ban hành đầy đủ các Nghị định, Thông tư thi hành các Luật về Đất đai, Tổ chức tín dụng, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở… để trình Quốc hội cho phép có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt;tập trung triển khai thực hiện Đề án 06. Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Đề án thúc đẩy chuyển đổi số tương tự như Đề án 06 của Bộ Công an.

Theo Báo Tin tức

Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/dau-tu-phat-trien-tich-cuc-kien-quyet-go-kho-ve-mo-vat-lieu-xay-dung-20240504150258275.htm

Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác

Đường dây nóng: 0878 443 344

4.4 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Logo PhapLuatNet Xác thực thông tin của bạn để gửi bình luận
Họ tên
Email
 
0.26286 sec| 647.047 kb