Tham dự cuộc họp có các ngân hàng phát triển gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Cùng dự buổi làm việc có các thành viên Ban Chỉ đạo về ODA và vốn vay ưu đãi; đại diện Đại sứ quán các nước cung cấp ODA cho Việt Nam.
Cuộc họp nhằm nhận diện những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn ODA; thảo luận về định hướng hợp tác ODA giữa Việt Nam và các nhà tài trợ trong thời gian tới.
9 nhóm nguyên nhân khiến giải ngân vốn ODA không đạt kỳ vọng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi Việt Nam đã ký cho giai đoạn 2021 - 2023 đạt khoảng 3,35 tỷ USD. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện 656 dự án, gồm 47 dự án đầu tư, 215 dự án hỗ trợ kỹ thuật và phi dự án. Tổng số vốn nước ngoài cấp phát từ Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua là 300 nghìn tỷ đồng, trong đó số vốn được phân bổ là 270 nghìn tỷ đồng, còn 30 nghìn tỷ đồng là vốn dự phòng chung. Năm 2023, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài được Quốc hội quyết nghị cấp phát là 29 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 50,9% kế hoạch giao. Năm 2024, kế hoạch vốn nước ngoài là 20 nghìn tỷ đồng; ước tỷ lệ giải ngân đến ngày 29/2 đạt 1,42%.
Thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình chuẩn bị, thực hiện, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt yêu cầu, tiến độ cam kết do 9 nhóm nguyên nhân chính: Vướng mắc trong đàm phán, ký kết hiệp định vay; khác biệt về chính sách, quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; công tác chuẩn bị đầu tư, thiết kế dự án và tiến hành thủ tục không bảo đảm yêu cầu về chất lượng và thời hạn; vướng mắc trong lập và giao kế hoạch; vướng mắc về đấu thầu; về giải phóng mặt bằng và bố trí vốn đối ứng; về thủ tục giải ngân và thanh quyết toán; bất cập hạn chế về nguồn lực, năng lực của cơ quan chủ quản, chủ dự án và ban quản lý dự án; khó khăn do điều kiện khách quan thay đổi như sáp nhập huyện, xã.
Tại buổi làm việc, đại diện các nhà tài trợ đều đánh giá cơ chế họp giữa Ban Chỉ đạo với các nhà tài trợ; các quy định về ODA của Việt Nam ngày càng minh bạch hơn; sự phối hợp giữa Việt Nam và các nhà tài trợ ngày càng chặt chẽ hơn.
Các nhà tài trợ đều khẳng định cam kết tiếp tục cung cấp ODA cho Việt Nam và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ trong việc ban hành các quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải hài hòa hóa quy định của các nhà tài trợ với luật pháp của Việt Nam đối với các dự án ODA nhằm rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án. Các nhà tài trợ đề nghị Việt Nam tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy nhanh việc cho ý kiến trong quá trình chuẩn bị, triển khai dự án.
Thúc đẩy hơn nữa triển khai vốn vay ODA
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao các đối tác, nhóm 6 ngân hàng phát triển đã dành cho Việt Nam nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn vốn này rất quan trọng đối với Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng; tuy nhiên thực trạng cho thấy, vẫn còn vướng mắc về pháp lý, khác biệt chính sách, quy trình, thủ tục giữa Việt Nam và nhà tài trợ; vướng mắc trong quá trình giải quyết, xử lý dự án, thủ tục giải ngân và thanh quyết toán,...
Bên cạnh đó, có sự khác biệt giữa quy định của các nhà tài trợ với pháp luật Việt Nam. Vì thế, hai bên cần phối hợp chặt chẽ để chia sẻ, thấu hiểu và cùng nỗ lực hài hòa thủ tục để rút ngắn được thời gian chuẩn bị và triển khai các dự án.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA cùng với việc tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ thể hiện quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tại cuộc họp, các bên đều mong muốn tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy để triển khai vốn vay ODA tốt hơn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến của các nhà đầu tư tại hội nghị, từ đó tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết cho các bộ, ngành địa phương các giải pháp, công việc; trong đó sửa đổi, bổ sung quy định của ngành, lĩnh vực mình cho hợp lý; thực thi nhiệm vụ còn tồn đọng thuộc trách nhiệm của mình; yêu cầu các bộ, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, phải trách nhiệm hơn, đặc biệt là các thành viên của Ban Chỉ đạo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các thành viên Ban Chỉ đạo, bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải trách nhiệm hơn. Các địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng; tránh việc trả vốn hoặc hủy vốn vay ODA;...
Phó Thủ tướng đề nghị các đối tác cần có sự trao đổi thông tin tốt hơn; kịp thời trả lời những phản hồi từ phía Việt Nam; bên cạnh đó là sự hài hòa giữa tiêu chuẩn cho vay vốn và quy định của pháp luật Việt Nam, đơn giản hóa về thủ tục, cần chính sách hấp dẫn hơn về vốn vay. Bên cạnh đó, có phương thức, mô hình quản lý linh hoạt, hợp lý hơn; có những ưu tiên, ưu đãi tài trợ cho những hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam như biến đổi khí hậu, thiên tai,...
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ để thống nhất giải pháp khắc phục kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong từng dự án.
Theo TTXVN
Link nguồn: https://baotintuc.vn/thoi-su/day-nhanh-tien-do-giai-ngan-nguon-von-oda-va-von-vay-uu-dai-20240327211820472.htm