Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ
Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, ngày 22/9, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Luật Đất đai (sửa đổi) là 1 trong 4 dự án Luật được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) này sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lĩnh vực đất đai tại phiên hội thảo chuyên đề.
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
Về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình soạn thảo cần lưu ý, bảo đảm sự phù hợp, tương thích giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 18-NQ/TW là đến năm 2023, hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
Đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn về tính tương thích của dự thảo Luật với với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật và thể chế hóa đầy đủ, cụ thể hơn các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 18.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng thời hạn gửi hồ sơ dự án để thẩm tra vẫn chưa bảo đảm theo quy định, ảnh hưởng đến công tác thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ tài liệu dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.
Về kết cấu dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát bố cục của dự thảo Luật để bảo đảm tính lôgíc, hệ thống của các quy định.
Bên cạnh đó, qua rà soát sơ bộ cho thấy có khoảng hơn 80/240 điều có nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung này để luật hóa tối đa các vấn đề có thể quy định ngay trong Luật...
Người dân, xã hội mong đợi
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ, dự án luật của Chính phủ, nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường – với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo.
Đồng thời, đánh giá cao báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tương đối kỹ lưỡng. Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ đây là nội dung được người dân, xã hội mong đợi.
Góp ý về các nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cần rà soát các luật liên quan đến Luật Đất đai và xử lý như thế nào trong trường hợp có sự khác nhau giữa Luật Đất đai với luật khác, xác định thứ tự ưu tiên, nguyên tắc áp dụng pháp luật như thế nào để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cho biết, dự thảo Luật có đến 80/240 điều có quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị xem xét luật hóa tối đa các quy định và giảm bớt các điều giao Chính phủ hướng dẫn để đảm bảo tính cụ thể, tính minh bạch của luật.
Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW để đảm bảo tính minh bạch. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để quy định chặt chẽ hơn về nội dung này.
Trong đó, lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể đến Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18;
Rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để đảm bảo tính chính xác và phù hợp tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc để khuyến khích các cơ chế hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai khác ngoài 2 hình thức quy định như dự thảo Luật; rà soát quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất